menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tiến Hoàng

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%: Vẫn còn hy vọng

Cần nhanh chóng triển khai chiến lược tiêm vắc-xin thần tốc.

Theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay vẫn có thể đạt được nếu Việt Nam nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, thực hiện chiến dịch vắc-xin thần tốc cùng với nỗ lực tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục, cơ chế, đẩy nhanh

Duy trì nhịp độ tăng trưởng khá

Mặc dù tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn đánh giá đây là kết quả tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khi là nước ghi nhận mức tăng trưởng khá so với khu vực và trên thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, mức tăng trưởng 5,64% cho 6 tháng đầu năm 2021 cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ năm trước đã cho thấy nỗ lực rất lớn của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng như của Chính phủ.

So với bối cảnh tăng trưởng chung của khu vực, ở ASEAN, Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Singapore. Như vậy, nước ta vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá cao trong bối cảnh hết sức khó khăn khi dịch bệnh hoành hành trong quý II.

Mức độ tăng trưởng của nền kinh tế càng được khẳng định thêm qua các chỉ số như kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm đạt 316,73 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước ước đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2020; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020…

Có được kết quả trên, theo ông Bình, là nhờ vào sự thích ứng của doanh nghiệp cũng như người dân trong thời gian vừa qua đã được cải thiện rất nhiều, đặc biệt là công tác điều hành của Chính phủ vẫn kiên trì với mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng không bỏ lỡ những cơ hội để tăng trưởng kinh tế.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE), rằng: “Kết quả tăng trưởng của nền kinh tế 6 tháng đầu năm là một minh chứng rõ nét chứng tỏ Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc kiên định duy trì mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh. Cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần chung tay, đồng lòng cùng với Chính phủ kiên định mục tiêu này, để giữ vững sự ổn định của nền kinh tế, làm tiền đề tốt để phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm và trong cả năm 2022”.

Linh hoạt trong điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng

Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cho cả năm, trong 6 tháng cuối năm mức tăng trưởng GDP sẽ là khoảng 7,2%. Đó là một thách thức, tuy nhiên vẫn có thể đạt được nếu Việt Nam nhanh chóng tháo gỡ được một số nút thắt.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%: Vẫn còn hy vọng
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh. Ảnh: ST

Theo Viện trưởng IDE, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt đang có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh, dần cán đích kế hoạch đặt ra trong năm 2021, đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, cần tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, thủ tục hành chính, cắt giảm bớt các thủ tục rườm rà không cần thiết, xóa bỏ mọi rào cản. Đây mới chính là điều doanh nghiệp mong muốn nhất để có thể thụ hưởng chính sách và phát triển thuận lợi.

Ông Hải cũng nhấn mạnh đến việc cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch của các bộ, ngành, đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp ở những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đảm bảo nhóm doanh nghiệp này giữ được đà tăng trưởng và sức chống chịu bền bỉ.

Còn theo TS. Nguyễn Duy Bình, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm còn phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh, mục tiêu 6,5% vẫn trong tầm tay nếu Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh trong vài tuần tới.

Đồng thời, với việc duy trì mục tiêu kép, các địa phương cũng cần linh hoạt hơn trong điều hành. Cụ thể, với địa phương đang là tâm dịch hiện nay thì phải hy sinh lợi ích về mặt kinh tế trong một vài tuần, nhưng cũng không vì thế mà “ngăn sông cấm chợ”, không chú trọng đến việc duy trì sản xuất, cần có những biện pháp để phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa ngay trong tâm dịch.

Còn những địa phương không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì cần nhanh chóng thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, không nên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quá cứng nhắc.

“Với tiềm lực mà chúng ta đang có, cùng với sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và lợi thế về sự ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay nếu sớm khống chế được dịch bệnh”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia, cần tính toán thêm các kịch bản khác nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Đồng thời, không nên coi mục tiêu tăng trưởng là áp lực trong quá trình điều hành và phát triển kinh tế cũng như nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

Mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Các chuyên gia cũng cho rằng cần nhanh chóng triển khai chiến lược tiêm vắc-xin thần tốc, đây cũng là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế.

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất từ 6-6,5%.

Bộ cũng đề nghị 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, với kịch bản thứ nhất, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, quý IV tăng 6,5%; với kịch bản thứ hai, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% và quý IV tăng 7,5%.

Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần tập trung thực hiện các nội dung: Phòng, chống dịch bệnh; định hướng điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế; tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; giải ngân vốn đầu tư công; chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai, lũ lụt; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả