Mua trước trả sau: Tốt vay có dày nợ?
Hình thức mua trả góp hoặc vay từ ví trả trước, thẻ tín dụng có cơ hội bùng nổ cùng với xu hướng kích cầu.
Chị Huỳnh Kim Phụng (quận 3, TP.HCM) cho biết chị vừa mua một chiếc điện thoại iPhone trị giá 32,5 triệu đồng tại một cửa hàng trên đường Trần Quang Khải (quận 1). Chị chọn hình thức mua trả góp 12 tháng với số tiền lãi tổng cộng phải đóng là 2,3 triệu đồng.
“Mỗi tháng tôi trả cả gốc lẫn lãi là 2,9 triệu đồng, cả năm trả tổng cộng 34,8 triệu đồng. Thanh toán trả góp khiến mình đỡ áp lực tài chính hơn vì khoản tiền mua điện thoại được chia nhỏ thành 12 đợt. Nhiều bạn bè tôi cũng chọn mua trả góp để mua xe, đồ gia dụng, điện máy”, chị Phụng nói.
Những khách hàng như chị Phụng đại diện cho xu hướng tiêu dùng đang thịnh hành “mua trước, trả sau” (Buy now, pay later). Theo nghiên cứu của nền tảng thanh toán Payoo, cuối năm 2021, nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai nên tổng mức chi tiêu mua sắm được ghi nhận qua nền tảng thanh toán này tăng trưởng khá, trải đều ở các phương thức thanh toán khác nhau. Trong đó, 2 phương thức thanh toán được người dùng ưa chuộng nhất là trả góp và thanh toán bằng mã QR. Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm 2021, giao dịch trả góp đạt mức tăng trưởng hơn 50%/tháng và mã QR tăng hơn 30%/tháng.
Cũng theo Payoo, trả góp được ưa chuộng vì đây là phương thức thanh toán tiện lợi, chia nhỏ số tiền thanh toán thành nhiều kỳ khác nhau giúp người dùng linh hoạt quản lý tài chính cá nhân. Số lượng doanh nghiệp triển khai thanh toán trả góp cũng gia tăng đáng kể khiến hình thức thanh toán này ngày càng phổ biến.
Đối với hình thức thanh toán bằng mã QR, hình thức này tăng trưởng nhờ việc đẩy mạnh phát triển hệ thống mobile banking từ các ngân hàng cũng như thanh toán quét mã QR từ ví điện tử, một phần khác đến từ việc người dùng dần hạn chế các phương thức thanh toán có tiếp xúc trực tiếp để đảm bảo an toàn trong dịch bệnh.
Nghiên cứu của Payoo cho thấy, dịch COVID-19 cũng làm thay đổi thói quen mua hàng của nhiều người. Trước đây, người dùng thường mua hàng hóa online với giá trị nhỏ nhưng với thói quen mua hàng mới hình thành trong đại dịch, giá trị trung bình mỗi đơn hàng online đã tăng 20%. Đặc biệt, với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nội thất, thẩm mỹ có giá trị giao dịch tăng gấp đôi. Hai ngành hàng thay đổi tức thì trong và sau đại dịch gồm F&B và giáo dục. Đây là nhóm ngành có tỉ trọng kinh doanh trực tiếp cao hơn trực tuyến nên khi đại dịch xảy ra, 2 nhóm này cũng bị ảnh hưởng nặng nhất.
Báo cáo của Worldpay chỉ ra các dịch vụ mua trước, trả sau sẽ là một trong những hình thức thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong vòng 5 năm tới. Dự báo hình thức mua sắm này sẽ chiếm gần 3% tổng thanh toán thương mại điện tử năm 2023.
Theo báo cáo của Research and Markets, hình thức mua trước, trả sau tại Việt Nam tăng khoảng 71,5%/năm và đạt giá trị hơn 697 triệu USD trong năm 2021. Báo cáo này nhận định, mua trước, trả sau sẽ ngày càng phổ biến đối với người tiêu dùng Việt Nam. Sự phát triển của hình thức này chủ yếu được thúc đẩy bởi những người trẻ tuổi, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Cũng theo Research and Markets, từ năm 2021-2028, thanh toán mua trước, trả sau tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng ổn định với tốc độ khoảng 38%. Tổng giá trị hàng hóa mua trước, trả sau sẽ đạt 4,73 tỉ USD vào năm 2028, trong khi vào năm 2020 con số này chỉ là 207 triệu USD.
Tại thị trường Việt Nam, FE Credit và Home Credit là 2 doanh nghiệp đang dẫn đầu thị phần cho vay trả góp ở Việt Nam với mỗi doanh nghiệp có khoảng 12 triệu khách hàng. Không chỉ các công ty tài chính gia tăng sức ảnh hưởng lên thị trường này mà các ví điện tử cũng tham gia một cách mạnh mẽ. Điển hình như MoMo đã hợp tác với Ngân hàng TPBank để tung ra ví trả sau. Với ví trả sau MoMo, người dùng được cấp hạn mức tới 5 triệu đồng để thanh toán mà không cần quan tâm đến tài khoản còn bao nhiêu tiền. VietCredit hợp tác cùng Kredivo triển khai sản phẩm mua trước, trả sau trên nền tảng công nghệ trực tuyến.
Cuối năm 2021, Napas cũng hợp tác với 13 ngân hàng, công ty tài chính để triển khai thẻ tín dụng nội địa. Thẻ này được dùng để thanh toán trực tiếp trên thiết bị chấp nhận thẻ hoặc thanh toán trực tiếp. Mastercard cũng tung ra giải pháp thẻ thương mại mua trước, trả sau dành cho doanh nghiệp nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự sôi động của thị trường mua trước, trả sau cho thấy đây là miếng bánh đầy tiềm năng trong tương lai khi nhu cầu mua sắm hiện đại ngày càng phát triển. Người tiêu dùng luôn mong muốn có những đòn bẩy tài chính phù hợp với khả năng chi trả của mình.
Theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, mua trước, trả sau là mô hình khá phát triển trong thời gian qua. Tuy nhiên, hình thức này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người dùng như lãi suất cao, rủi ro về ràng buộc pháp lý và nhiều nguyên nhân khác. Theo ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Quốc gia của Paretix Việt Nam, mua trước, trả sau về bản chất vẫn là sản phẩm tín dụng nên vấn đề quản trị rủi ro phải được tính đến.
Do đó, với các nhà cung cấp, quản trị rủi ro là vấn đề hóc búa, hay nói sâu hơn, sẽ nhức đầu với bài toán phê duyệt nhanh nhưng rủi ro thấp. Về phía người dân cần xác định rõ nguồn thu nhập và khả năng tài chính để trả nợ và chỉ vay tiêu dùng khi có nhu cầu thật sự. Người dùng cũng nên tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng, hiểu rõ về lãi suất và các khoản phí liên quan.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những quy định và biện pháp cụ thể để quản lý các ứng dụng này, nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho hệ thống tín dụng, hạn chế những vấn đề về ổn định xã hội, rủi ro vỡ nợ... cũng như định hướng cho các ứng dụng này phát triển một cách lành mạnh và mang lại lợi ích cho xã hội và người dùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận