Mua sắm công và chuyện về những con ‘gà đẻ trứng vàng’ của Tập đoàn CMC
Cổ đông Công ty CP Tập đoàn công nghệ CMC (HOSE: CMG) đang sống trong những ngày "như mộng" khi cổ phiếu Công ty đã có đà tăng rất mạnh mẽ khi liên tục chinh phục các đỉnh cao. Đóng góp vào thành quả đó là những công ty con, công ty liên kết rất ‘thiện chiến’ trong hoạt động đấu thầu khắp cả nước. Đây thực sự là những con gà đẻ trứng vàng cho ông lớn công nghệ này.
Mới đây, Tập đoàn CMC đã ra mắt CMC Korea và khai trương văn phòng Công ty tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Đây là sự kiện nằm trong chiến lược Go Global của CMC. Trước đó, ông lớn này đã lần lượt thành lập các công ty con tại Pháp (Công ty TNHH CMC Blue France); Nhật Bản (Công ty CP CMC Japan) hay Singapore (Công ty TNHH CMC Châu Á – Thái Bình Dương), trong nỗ lực hướng đến một tập đoàn công nghệ số toàn cầu, với doanh thu tỷ đô trong thời gian tới.
Lãi ròng tăng 10%
Trong định hướng chiến lược của mình, Tập đoàn CMC đặt mục tiêu vào năm 2025 sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó gồm 10.000 tỷ đồng thu từ khối giải pháp công nghệ, 10.000 tỷ đồng từ khối dịch vụ viễn thông và 5.000 tỷ đồng từ khối kinh doanh quốc tế.
Tuy vậy trên thực tế, tập đoàn này vừa khép lại năm tài chính 2023 (1/4/2023 – 31/3/2024) với kết quả khá khiêm tốn về doanh thu, nếu so với mục tiêu cần đạt vào 2025.
Quý 4/2023, doanh thu hợp nhất Tập đoàn CMC đạt 1.649,2 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm tài chính 2023, Tập đoàn thu về 7.325,3 tỷ đồng, giảm 343,2 tỷ đồng, tương ứng giảm 4,5% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp quý 4/2023 đạt 332,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với kỳ so sánh.
Lũy kế năm tài 2023, Tập đoàn phải trả 90,3 tỷ đồng lãi vay; chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng lần lượt ngốn 497,2 tỷ đồng và 479 tỷ đồng. Kết năm, CMC báo lãi ròng 390,9 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
CMC tham vọng đạt doanh thu tỷ đô vào năm 2025
Đến hết 31/3/2024, tổng tài sản Tập đoàn CMC ở mức 6.922,2 tỷ đồng, tăng hơn 360 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, tài sản dài hạn tăng hơn 600 tỷ đồng, ngược lại, giá trị tài sản ngắn hạn giảm gần 300 tỷ đồng so với 31/3/2023.
Tập đoàn có 477 tỷ đồng tiền mặt trong ‘két’, 48,8 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn. Đáng chú ý, ‘của để dành’ của CMC còn hơn 1.099 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, là những khoản tiền gửi ngân hàng.
Đến 31/3/2024, Tập đoàn còn hơn 1.277,9 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, chiếm 39,3% tài sản ngắn hạn. Bên cạnh đó, giá trị hàng tồn kho còn hơn 117,2 tỷ đồng. Tài sản dở dang dài hạn tăng gấp 4,7 lần so với thời điểm 31/3/2023, lên mức 792,4 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm 792 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Tập đoàn CMC đã phình to sau 1 năm, lên mức 3.580,6 tỷ đồng, nhiều hơn 200 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu Tập đoàn. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 2.732,7 tỷ đồng. Tổng nợ vay của CMC hiện còn khoảng 1.561,6 tỷ đồng.
Những con ‘gà đẻ trứng vàng’ của Tập đoàn CMC
Trong cấu trúc Tập đoàn, CMC gồm công ty mẹ và 14 công ty con, trong đó Công ty TNHH CMC Blue France đã tạm ngừng hoạt động. Với những công ty còn lại, có nhiều đơn vị khá quen thuộc trong hoạt động đấu thầu, mang về những hợp đồng béo bở, đóng góp lớn cho doanh thu Tập đoàn. Có thể nói, việc tham gia sâu vào thị trường mua sắm công thông qua hoạt động đấu thầu đã giúp doanh thu của CMC tăng trưởng ổn định.
Tháng 6/2023, Tập đoàn CMC đã sáp nhập Công ty TNHH Công nghệ và Giải pháp CMC Sài Gòn vào Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC. Trước lúc sáp nhập, đây đều là các công ty rất năng động trong hoạt động đấu thầu.
Dữ liệu cho thấy, Công ty TNHH Công nghệ và Giải pháp CMC Sài Gòn từng tham gia vào 216 gói thầu ở hàng loạt chủ đầu tư, trong đó được công bố trúng thầu ít nhất 99 gói. Tính riêng năm 2023 (thời điểm trước sáp nhập), Công ty đã trúng thầu 12 gói.
TP HCM vẫn là địa bàn trọng điểm của CMC Sài Gòn, với việc Công ty đã trúng 27/76 gói thầu tại địa phương này. Riêng tại Chi nhánh Tổng công ty Điện lực TP HCM, CMC Sài Gòn đã trúng tới 17 gói thầu. Gần đây nhất là gói nâng cấp hệ thống tường lửa phục vụ hoạt động SXKD của Tổng công ty (13,6 tỷ đồng).
CMC Sài Gòn còn tham gia đấu thầu tại nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh…
Nhiều công ty con của Tập đoàn công nghệ CMC hoạt động đấu thầu rất hiệu quả, thực sự là gà đẻ trứng vàng cho Tập đoàn
Trong khi đó, Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC là một trong những ‘át chủ bài’ của Tập đoàn CMC. Hồ sơ của Kinh tế Chứng khoán cho thấy, doanh nghiệp này đã tham gia nhiều gói thầu, in dấu ấn khắp cả nước, trong đó Hà Nội vẫn là ‘sân nhà’ với hàng trăm gói thầu có sự góp mặt của thành viên nhà CMC.
Cũng không thể không nhắc đến Công ty CP Hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) việc trúng thầu khắp cả nước, hay Công ty TNHH An ninh an toàn thông tin CMC…
Những ‘con gà đẻ trứng vàng‘ này sẽ được phác họa rõ nét hơn trong kỳ tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận