menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngọc Diệp

“Mùa đông” của giới đầu tư mạo hiểm ASEAN ngày càng “lạnh”

Thị trường vốn cho các startup ở Đông Nam Á đang hướng đến nửa năm tồi tệ nhất kể từ trước đại dịch COVID-19, khi các nhà đầu tư mạo hiểm giảm quy mô định giá của họ đối với các công ty non trẻ.

Chu kỳ tăng mạnh của lãi suất toàn cầu và sự chậm lại trong hoạt động kinh doanh của những “gã khổng lồ” công nghệ niêm yết như Grab và GoTo đang đè nặng lên việc định giá các công ty non trẻ cũng như tâm lý nhà đầu tư.

Kể từ đầu năm 2023 đến ngày 31/05, vốn đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á là 4 tỷ USD, giảm 65% so với 6 tháng đầu năm 2022, theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin. Đây là mức thấp nhất kể từ nửa cuối năm 2019. Vốn đầu tư vào Indonesia và Singapore đã giảm lần lượt 70% và 65% trong cùng giai đoạn.

Martin Tang, đối tác tại Genesis Alternative Ventures, một công ty cho vay vốn mạo hiểm tại Singapore, cho biết: “Trong bối cảnh triển vọng kinh tế khó khăn hơn, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đã chuyển trọng tâm từ cấp vốn cho các thương vụ mới sang quản lý danh mục đầu tư”.

Xu hướng rút lui này đặc biệt rõ ràng đối với các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ, những người đã đổ tiền vào ASEAN trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19 nhưng bắt đầu trở nên thận trọng hơn trong bối cảnh lãi suất tăng làm giảm định giá của các cổ phiếu tăng trưởng, cũng như hạn chế lối thoát cho các nhà đầu tư khởi nghiệp.

Một đối tác tại một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore đang lên kế hoạch thành lập quỹ mới. Vị này cho biết họ đã nhận được các cam kết ban đầu từ một số quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần có trụ sở tại Mỹ. Nhưng một số người sau đó đã thu nhỏ hoặc tạm dừng cam kết vì họ muốn tập trung giúp đỡ các startup hiện có ở quê nhà. Họ thậm chí còn trở nên thận trọng hơn sau sự sụp đổ vào tháng 3 năm nay của Silicon Valley Bank, một ngân hàng của Mỹ tập trung vào cộng đồng đầu tư mạo hiểm.

Ông nói: “Mọi thứ chắc chắn diễn ra chậm hơn và khó khăn hơn. Đây là lần đầu tiên hầu hết startup và quỹ đầu tư mạo hiểm ở khu vực này phải vượt qua ‘mùa đông gọi vốn’”.

Đối với các quốc gia trong ASEAN, tình hình hoạt động kém hiệu quả của các công ty công nghệ “ngôi sao”, như Grab và GoTo, đã ảnh hưởng đến tâm lý sẵn sàng rót vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với giới startup.

Grab và đối thủ GoTo khiến các nhà đầu tư lo lắng khi báo cáo rằng tốc độ tăng trưởng giao dịch của họ trong ba tháng đầu năm đang chậm lại, phá vỡ chuỗi tăng trưởng hai con số kể từ khi niêm yết.

Giá cổ phiếu của Grab đã giảm gần 15% vào ngày 18/05 sau khi cho biết tổng giá trị hàng hóa, tức tổng giá trị giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng của họ, chỉ tăng 3% lên 4.95 tỷ USD. GoTo cho biết vào tháng 4 năm nay tổng giá trị giao dịch của họ chỉ tăng 6%.

Tất nhiên, hai công ty công nghệ này vẫn giữ được những người ủng hộ họ. Khoản lỗ ròng của Grab đã giảm 43% xuống còn 250 triệu USD trong quý 1/2023 nhờ vào việc hãng cắt giảm các chương trình khuyến mãi. Khoản lỗ ròng của GoTo cũng giảm 41% xuống còn 3.89 ngàn tỷ rupiah (260 triệu USD) do giảm số lượng nhân viên và các ưu đãi cho người bán cũng như người dùng.

“Họ được yêu cầu giảm thua lỗ và họ đang làm được”, một trong những nhà đầu tư tổ chức của Grab cho biết. “Nhưng dường như các nhà đầu tư muốn họ kiếm được lợi nhuận trong khung thời gian ngắn hơn nữa mà không phải hy sinh tốc độ tăng trưởng giao dịch. Điều đó khá khó khăn”.

“Mùa đông” của giới đầu tư mạo hiểm ASEAN ngày càng “lạnh”

Ryu Muramatsu, đối tác sáng lập của GMO Venture Partners, một quỹ mạo hiểm đã đầu tư vào một số công ty công nghệ lớn nhất ASEAN, cho biết sự chậm lại của các công ty đầu ngành đang có tác động đáng kể đến việc định giá những startup chưa niêm yết, cụ thể là làm giảm triển vọng của họ.

Các nhà đầu tư giai đoạn đầu thường so sánh việc định giá các khoản mua lại tiềm năng với các công ty tương đương, bao gồm cả những công ty đã niêm yết. Giờ đây, khi định giá của các công ty công nghệ, như Grab và GoTo, đã giảm hơn một nửa kể từ khi niêm yết, các quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ có thể mong chờ một lối thoát với mức định giá thấp hơn nhiều. Điều đó dĩ nhiên khiến lợi nhuận của họ bị giảm xuống.

Ông Muramatsu cho biết tình trạng sụt giảm giao dịch tại các công ty thương mại điện tử lớn, như GoTo, cũng tạo ra “hiệu ứng gợn sóng” sang các doanh nghiệp từ quảng cáo, logistics và dịch vụ chuyển phát nhanh đến thanh toán kỹ thuật số.

Chris Kaptein, đối tác quản lý tại Integra Partners, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngoài cuộc, có lẽ họ kỳ vọng rằng mức định giá có thể giảm hơn nữa”.

Những startup đã gọi vốn với mức định giá cao hơn nhiều hiện nay cảm thấy đặc biệt khó khăn. Trong số 195 vòng gọi vốn tính đến tháng 3 năm nay, chỉ có 5 giao dịch có giá trị trên 50 triệu USD, theo DealStreetAsia. Đây là mức giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, thời điểm có 20 giao dịch có giá trị trên mức đó.

Vishal Harnal, đối tác quản lý toàn cầu tại 500 Global, cho biết định giá tại các vòng gọi vốn sau này đã giảm do kỳ vọng của nhà đầu tư thay đổi. Ông nói: “Họ có cái nhìn sâu sắc hơn về tính bền vững tài chính của các startup từ giai đoạn sớm hơn nhiều so với những gì chúng ta đã chứng kiến”.

Một dấu hiệu khác cho thấy nhà đầu tư ngày càng thận trọng đó là quá trình thẩm định thường lâu hơn 2 đến 3 lần trước đây đối với tất cả giai đoạn, ông Harnal cho hay. Ông bổ sung rằng các vòng gọi vốn giai đoạn đầu từng được hoàn thành trong 1 đến 4 tuần vào năm ngoái, thì giờ đây có thể mất tới 3 tháng.

Định giá thấp hơn cũng khiến việc huy động vốn đầu tư mạo hiểm mới trở nên khó khăn hơn. Các khoản đầu tư giảm giá trị dẫn đến lợi nhuận chưa thực hiện thấp hơn. Điều này có thể dẫn đến tâm lý miễn cưỡng ở phía các nhà đầu tư cung cấp vốn cho quỹ khi họ được yêu cầu rót thêm tiền.

Startup ở Indonesia, bao gồm cả những công ty được thành lập ở Singapore, là một trong những công ty gây quỹ thành công nhất ở Đông Nam Á trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Vào cuối năm 2021, startup chuyển phát nhanh J&T Express của Indonesia đã huy động được 2.5 tỷ USD từ Sequoia Capital China, Tencent Holdings và các công ty khác, trong khi GoTo huy động được hơn 1.3 tỷ USD từ các nhà đầu tư ngay trước đợt IPO vào tháng 04/2022.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các quỹ chéo đều bị thu hút bởi câu chuyện nhân khẩu học của Indonesia. Bên cạnh các giao dịch giá trị lớn của những công ty ở giai đoạn cuối, tổng giá trị gọi vốn của các startup ở giai đoạn đầu cũng tăng lên.

Kerrine Koh, giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á tại Hamilton Lane, một công ty quản lý đầu tư thay thế, dự đoán rằng các điều kiện huy động vốn sẽ vẫn chặt chẽ trong thời gian còn lại của năm 2023.

Bà nói: “Môi trường niêm yết được cải thiện hoặc các nhà đầu tư công nghệ toàn cầu tăng cường tham gia là hai yếu tố có thể giúp cải thiện lộ trình rút lui và mở đường cho giai đoạn tăng trưởng hoặc mở rộng sau đó”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại