Mua bất động sản để có quốc tịch nước ngoài
Từ câu chuyện một Đại biểu Quốc hội bất ngờ có quốc tịch Síp, phóng viên Tiền Phong đã vào cuộc tìm đường đi của đồng tiền từ Việt Nam ra nước ngoài để trở thành công dân của họ như thế nào?
Síp là một quốc gia châu Âu nằm ở eo biển Địa Trung Hải, tuy gọi là đảo nhưng diện tích của Síp khá to (khoảng gấp 10 lần Singapore). Theo lời chia sẻ của anh M.K, nhân viên tư vấn BĐS tại Síp, sở dĩ, Síp thu hút giới “siêu giàu” Việt Nam bởi xét lý lịch, dòng tiền và nguồn tiền dễ hơn so với các nước khác. Người mua được đầu tư trực tiếp vào BĐS, tức mua căn nhà là đã đủ điều kiện tham gia chương trình đầu tư. Nhà đầu tư được trực tiếp giữ tài sản của mình, được bảo lãnh gia đình 3 thế hệ gồm vợ, chồng, con cái lên đến 28 tuổi (cao nhất châu Âu), và cả ba mẹ 2 bên.
Liên quan thời gian xét duyệt hồ sơ quốc tịch, anh M.K chia sẻ: “Thời gian xét duyệt 3-6 tháng cho hồ sơ thường trú cá nhân, 6-8 tháng cho hồ sơ quốc tịch. Họ không yêu cầu phải cư trú tại Síp, rất phù hợp mua làm lựa chọn phòng thân. Bên cạnh đó, Síp được coi là thiên đường thuế bởi việc đánh thuế tương đối nhẹ nhàng. Ngoài ra, đối với các gia đình mong muốn cho con du học, Síp là phương án rất tiết kiệm vì dạy học theo chương trình của Anh (đại học 3 năm, thạc sĩ 1 năm - tiết kiệm được 2 năm chi phí so với các nước khác. Đặc biệt, nhà đầu tư BĐS tại đây được sở hữu vĩnh viễn, kể cả phần đất. Bên cạnh đó, Síp cho phép song tịch (một số nước như Singapore phải bỏ quốc tịch Việt Nam nếu muốn được cấp quốc tịch mới)”.
Theo anh M.K, tại Síp, chỉ cần từ 150.000 - 300.000 EURO sẽ mua được căn hộ hoặc nhà nhỏ nội thành. Người mang hộ chiếu Síp được đi lại miễn thị thực đến hơn 163 quốc gia trên thế giới và có quyền tự do sinh sống, học tập, làm việc tại bất kỳ quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu.
Dễ hơn Việt Nam
Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, chị N.T (đại diện chủ đầu tư dự án bất động sản đang bán tại Úc) chia sẻ: “Dự án đang được triển khai giai đoạn 2 và giai đoạn 1 đã bán hết. Tỷ lệ người Việt Nam mua nhà ở Úc rất lớn bởi thủ tục mua bán, chuyển tiền đơn giản. Người mua có thể đứng tên cá nhân dù đã kết hôn. Chủ đầu tư mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài đứng tên chủ đầu tư nhưng số tài khoản thuộc đơn vị thứ 3 làm đại diện đứng ra quản lý. Đơn vị này giữ tiền của người mua để đảm bảo người mua không bị chủ đầu tư lừa. Sau đó, theo tiến độ dự án, đơn vị này sẽ chuyển tiền cho chủ đầu tư. Người mua có thể chuyển tiền bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ tại ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam”.
Chị N.T cho biết thêm, thực chất việc quảng bá dự án BĐS nước ngoài tại Việt Nam ít nhưng nhu cầu nhiều. Đa số thuộc nhóm “thừa tiền” và tự tìm đến thay vì chủ đầu tư phải đi kiếm khách. “Dự án chúng tôi bán giai đoạn một, đa số các gia đình mua cho con đủ 18 tuổi trở lên đứng tên. Việc này dễ dàng cho con cái học tập tại nước sở tại và hưởng mọi đặc quyền. Theo đó, thủ tục nhập quốc tịch cũng đơn giản hơn”, chị N.T nói.
Theo chị N.T, những đơn vị đại diện cho chủ đầu tư ở Việt Nam thực chất là đơn vị môi giới và cũng không cần phải thành lập công ty, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi là người hướng dẫn thủ tục, kết nối giữa chủ đầu tư và khách hàng. Theo đó, chúng tôi thu phí môi giới. BĐS ra thị trường dưới hai hình thức là bán hoặc cho thuê có thời hạn. Theo đó, phí môi giới (bao gồm chi phí luật sư tại Úc và Việt Nam) dao động ở mức: 40.000- 50.000 AUD).
Không thể có quốc tịch Mỹ nhanh nhưng BĐS tại Mỹ cũng là nơi được giới siêu giàu Việt Nam đổ tiền. Một nhân viên môi giới BĐS Mỹ cho rằng: “Mỹ bản chất là tư bản nên mục tiêu của họ là thu hút tiền và người trẻ vào nước họ. Nhiều gia đình giàu tại Việt Nam đổ tiền không ít mua BĐS Mỹ dù nơi đây giá BĐS đắt đỏ. Đầu tư BĐS nước ngoài cũng chính là cách rửa tiền của nhiều đại gia”.
Quy định chuyển tiền rất chặt chẽ
Ông Thân Thành Vũ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam . Theo các quy định hiện hành, luật pháp Việt Nam không cấm người dân mua bất động sản ngoại, song khi đầu tư, họ lại gặp nhiều hạn chế nhất định khi chuyển tiền ra nước ngoài.
Cụ thể, Quy định tại Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014, Pháp lệnh Ngoại hối và Luật Đầu tư 2015 không cho phép chuyển tiền, mang ngoại tệ ra nước ngoài mua tài sản phục vụ mục đích cá nhân, ngoại trừ các mục đích như học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng, trả các loại phí, lệ phí, trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài.
Còn theo Thông tư số 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, cá nhân xuất nhập cảnh qua những cửa khẩu quốc tế ở Việt Nam bằng hộ chiếu mà mang theo ngoại tệ tiền mặt trên 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác tương đương, hoặc trên 15 triệu đồng Việt Nam thì phải khai báo hải quan cửa khẩu.
Do đó, để mua một căn nhà tại nước ngoài với số tiền không hề nhỏ, việc mua nhà qua con đường chính thức là rất khó khăn.
“Hiện nay phần lớn người Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài để mua bất động sản đều thực hiện theo cách phi chính thức, chuyển tiền “chui”, “chuyển lậu” qua một bên thứ ba. Với hình thức này, rủi ro của việc mất tiền là rất lớn trong trường hợp đơn vị môi giới xù tiền, “cao chạy xa bay” . Mặt khác, chi phí phải trả cho các đơn vị này cũng rất cao, từ 2 - 3%/ tổng số tiền. ”, ông Vũ nói.
Mua nhà để ở không được coi là đầu tư
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, “Chúng tôi rà soát đến thời điểm hiện nay, Cục đầu tư nước ngoài chưa cấp phép cho cá nhân nào sang Cộng hoà Síp. Chỉ có một dự án được cấp phép đầu tư sang đất nước này. Các hoạt động như đầu tư đi chữa bệnh, đầu tư mua nhà để ở, đầu tư cho con ăn học ở nước ngoài không được gọi là đầu tư kinh doanh”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận