Mùa báo cáo soát xét: Tái diễn “màn nhảy múa” của những con số
Khởi đầu mùa công bố báo cáo soát xét bán niên năm nay, không ít doanh nghiệp có các con số tài chính “nhảy múa” với biên độ rộng, từ âm qua dương, từ dương rớt xuống âm.
Becamex tính nhầm lãi thoái vốn công ty liên kết là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 trong báo cáo soát xét (có sự soát xét của kiểm toán) giảm 102 tỷ đồng so với báo cáo Công ty tự lập, còn 1.222 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu tài chính giảm từ 489 tỷ đồng xuống 391 tỷ đồng, xuất phát từ việc Becamex chưa loại trừ giá trị thuần phần góp vốn trong việc xác định lãi thoái vốn đầu tư công ty liên kết trong kỳ. Ðồng thời, Becamex chưa điều chỉnh loại trừ giá trị cổ tức đã nhận trong kỳ tương ứng của phần đã thoái vốn đầu tư công ty liên kết.
Cũng “bốc hơi” hơn trăm tỷ đồng, cổ đông Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (CLG) ngậm ngùi khi trên báo cáo tài chính riêng, Công ty lãi 4,7 tỷ đồng, nhưng chuyển thành lỗ ròng 98 tỷ đồng sau soát xét.
Theo lý giải của Công ty, do kiểm toán hạch toán bổ sung chuyển nhượng cổ phần công ty con và công ty liên kết đã làm chi phí hoạt động tài chính tăng, kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm gần 54,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán viên hạch toán bổ sung trích lập dự phòng công ty con và trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn, khiến lợi nhuận sau thuế giảm 48 tỷ đồng.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét, lợi nhuận CLG giảm 115 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, do công ty mẹ hạch toán bổ sung chuyển nhượng công ty con, liên kết (sau khi tính toán lợi thế thương mại) và các khoản trích lập dự phòng đã nêu ở báo cáo công ty mẹ.
Ðáng chú ý, CLG bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ đối với khoản doanh thu từ việc chuyển nhượng quyền thuê đất tại Khu công nghiệp Ðông An cho Công ty cổ phần Thương mại Sản xuất Xây dựng Hưng Thịnh với số tiền 15,45 tỷ đồng chưa xác định và không kết chuyển vốn tương ứng, làm lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng tương ứng 15,45 tỷ đồng.
Theo CLG, quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Ðồng An thuộc sở hữu của Công ty, tuy nhiên, hồ sơ tài liệu liên quan đến tài sản được lưu tại các kho tài liệu ngoại tỉnh nên kiểm soát viên chưa chắc chắn và đang rà soát lại.
Với Công ty cổ phần Camimex Group (CMX), sau khi có báo cáo tài chính bán niên, Sở giao dịch đã đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo, nhờ nửa đầu năm 2019 lãi hơn 47 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2019 là 33,5 tỷ đồng.
Dù vậy, so với báo cáo tự lập, lợi nhuận của CMX giảm gần 24 tỷ đồng, tương ứng giảm 20%, do chỉ tiêu lợi nhuận gộp giảm từ 131 tỷ đồng xuống hơn 108 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu CMX có 5 đợt sóng tăng trong vòng 1 năm qua, giá tăng hơn 5 lần.
Không ít doanh nghiệp khác bị giảm lãi sau soát xét như Petrolimex (PLX) giảm 17 tỷ đồng, SeaBank giảm 15%, ABBank giảm 90 tỷ đồng, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (TLP) giảm 30%, Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) giảm 17 tỷ đồng, Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) giảm hơn 173 tỷ đồng…
Ngược lại, một số doanh nghiệp có số lãi tăng sau soát xét như Eximbank tăng lãi từ 521 tỷ đồng lên gần 611 tỷ đồng, do kiểm toán điều chỉnh giảm 111,4 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá hối đoái với các giao dịch kỳ hạn (được Eximbank phản ánh trên khoản mục chênh lệch tỷ giá thuộc vốn chủ sở hữu), dẫn đến thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng từ 43 tỷ đồng lên 155 tỷ đồng, tương ứng tăng 24%, thay vì giảm 66% khi chưa soát xét.
Hay Tổng công ty Khoáng sản TKV (KSV) lãi 1,4 tỷ đồng trên báo cáo tự lập, nhưng sau soát xét tăng hơn 15 lần, lên trên 23 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần Ðầu tư và Kinh doanh nhà (ITC), lãi ròng tăng 59% sau soát xét, đạt 9,54 tỷ đồng. Nguyên nhân là chi phí tài chính sau soát xét hơn 7,5 tỷ đồng, trong khi trước soát xét là âm 570 triệu đồng; lỗ từ công ty liên kết giảm gần 12,5 tỷ đồng sau soát xét.
Việc chênh lệch con số, ở một số trường hợp được nhà đầu tư thông cảm bởi có sự hiểu, hạch toán và ước tính khác nhau. Nhưng có trường hợp khiến nhà đầu tư băn khoăn, liệu có tình trạng doanh nghiệp cố ý che giấu các con số tài chính quan trọng với mục đích riêng?
Thực tế, các con số, nhất là lợi nhuận trong báo cáo tài chính có ảnh hưởng lớn đến định giá cổ phiếu của nhà đầu tư cũng như diễn biến giá trên thị trường.
Trước đó, doanh nghiệp báo lãi - giá cổ phiếu tăng, doanh nghiệp báo lỗ - giá cổ phiếu giảm. Nay các con số thay đổi, lỗ thành lãi, lãi thành lỗ, lỗ ít thành lỗ nhiều…, giá cổ phiếu lại biến động. Nhà đầu tư may mắn thì “tự dưng” lãi khi cổ phiếu tăng giá, không may mắn thì “tự dưng” mất mát vì cổ phiếu giảm giá.
“Cần có chế tài với doanh nghiệp khi cố ý công bố các con số tài chính sai quy định trong báo cáo tự lập”, một nhà đầu tư nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận