Một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất cả nước sẽ có 2 sân bay
Theo quy hoạch tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này sẽ quy hoạch phát triển hai sân bay gồm sân bay nội địa Nà Sản cấp 4C và sân bay chuyên dùng Mộc Châu.
Sân bay Nà Sản sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn sân bay nội địa cấp 4C
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mới đây đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có nội dung quan trọng về quy hoạch và phát triển mạng lưới giao thông của địa phương này trong những năm sắp tới.
Đặc biệt, về phát triển hàng không trong những năm tới tỉnh Sơn La sẽ quy hoạch hai sân bay gồm Nà Sản và Mộc Châu.
Cụ thể, sân bay Nà Sản theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy định là cảng hàng không nội địa cấp 4C (theo ICAO) và là sân bay quân sự cấp I.
Công suất đến năm 2030 dự kiến là 1,0 triệu khách/năm, đến năm 2050 là 2,0 triệu khách/năm.
Trong khi đó sân bay chuyên dùng Mộc Châu sẽ nghiên cứu xây dựng theo hướng là sân bay chuyên dùng khi có đủ điều kiện, vị trí dự kiến ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu; phục vụ mục tiêu phát triển du lịch.
Về hệ thống đường bộ: Các tuyến cao tốc, quốc lộ thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với các đoạn tuyến quốc lộ đi qua khu vực đô thị, trường hợp cần thiết sẽ xây dựng hệ thống đường song hành để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến năng lực thông hành của các quốc lộ.
Đường tỉnh: Bao gồm 38 tuyến; đầu tư nâng cấp hệ thống đường tỉnh tối thiểu 15% đạt cấp IV, các tuyến còn lại đạt cấp V.
Nâng cấp một số tuyến đường lên đường tỉnh, xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh có tính chất đặc biệt quan trọng, có tính kết nối và có nhu cầu vận tải cao.
Đường đô thị: Xây dựng hệ thống đường gom, đường trục chính đô thị theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng tuyến đường vành đai thành phố Sơn La - thị trấn Mai Sơn có quy mô tối thiểu cấp IV-III.
Về mạng lưới đường thủy nội địa: Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó trên địa bàn tỉnh có 01 tuyến đường thủy nội địa quốc gia Sông Đà đạt cấp III.
Hệ thống cảng, bến thủy nội địa: Quy hoạch 203 cảng và bến thủy nội địa (bao gồm: 18 cảng; 67 bến hàng hóa, bến khách ngang sông; 118 bến khách ngang sông).
Giai đoạn đến năm 2030 tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo các cảng, bến thủy nội địa chính hiện có (cảng Bản Két, cảng Tà Hộc, cảng Vạn Yên; cảng Pá Uôn) và xây dựng các bến thủy nội địa mới.
Sơn La là một tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc có ranh giới tiếp giáp với các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hoá, Phú Thọ và đường biên giới với nước Lào.
Địa phương này có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và hiện vẫn đang nằm trong nhóm những tỉnh nghèo của Việt Nam.
Năm 2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Sơn La nằm trong số 5 tỉnh có số hộ nghèo cao nhất cả nước cùng với Hà Giang, Điện Biên, Đắk Lắk và Nghệ An.
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận