Một số cửa hàng thông báo ''hết xăng'', Bộ Công Thương nói gì?
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định hiện tổng nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh vẫn đảm bảo.
Theo ghi nhận của PLO, ngày 11-7, sau khi Liên Bộ Tài chính - Công Thương có quyết định điều hành giảm giá hàng loạt mặt hàng xăng dầu với mức giảm từ hơn 2.000 đến hơn 3.000 đồng/lít, tại TP.HCM đã xuất hiện tình trạng một số cửa hàng xăng dầu thông báo “hết xăng”.
Đơn cử như vào trưa ngày 11-7, tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình (TP.HCM), người dân ghé mua xăng thì được nhân viên thông báo "hết xăng", đồng thời hướng dẫn sang cửa hàng khác để mua.
Tương tự, một cửa hàng xăng dầu trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) cũng để bảng thông báo "hết xăng, còn dầu".
Theo nguồn tin của PLO, ngay trong chiều 11-7, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đã có đoàn kiểm tra đến các địa điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kiểm tra thông tin báo chí phản ánh.
Cạnh đó, trong sáng nay, 12-7, trao đổi với PLO, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vẫn được đảm bảo.
Điểm lại tình hình thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước trong 6 tháng đầu năm nay đã trải qua nhiều biến động.
Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm khoảng 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất, có thời điểm ngừng sản xuất do sự cố kỹ thuật nên không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Khi đó, vào thời điểm tháng 2-2022 tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở một số tỉnh phía Nam như An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, TP.HCM... cũng xảy ra tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã đồng loạt tạm ngừng hoạt động với lý do hết xăng khiến dư luận xôn xao.
Bộ Công Thương sau đó đã thành lập Đoàn kiểm tra để thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước. Kết quả đã phát hiện một số cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương có tình trạng ngừng bán với nhiều lý do khác nhau, như không có đủ giấy chứng nhận điều kiện bán lẻ xăng dầu, nhân viên mắc COVID-19, và có cả lý do hết xăng.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu.
Đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24 tháng 02 năm 2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II-2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn cung xăng dầu trong quý I, II-2022 và đến nay đã được đảm bảo.
Về đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam về khả năng cung cấp xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, đặc biệt là từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương sẽ xây dựng phương án và chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận