Mở cửa du lịch : Phập phồng lo nguồn khách quốc tế
Mở cửa du lịch có khách không? Làm sao thu hút được khách quốc tế đến với Việt Nam?... là những câu hỏi mà ông chủ các doanh nghiệp đang đau đáu nhất.
Thí điểm vài nơi, khó mở du lịch đúng nghĩa
Ngày 5.11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chia theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11 với 5 địa phương đón khách gồm: TP.Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Nóng lòng đón khách trở lại, song, các doanh nghiệp cũng lo ngại mở cửa nếu không có khách, không kiến tạo được môi trường kinh doanh, khiến doanh nghiệp phải đóng cửa lần nữa thì sẽ thật sự không còn cơ hội cho sự trở lại tiếp theo.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour phân tích: Các công ty đón khách quốc tế lớn hầu hết đều nằm ở TP.HCM và Hà Nội. Đội ngũ doanh nghiệp này có hàng trăm, hàng ngàn đối tác nước ngoài nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lớn để thực hiện các chuyến charter bay thẳng tới Phú Quốc, Đà Nẵng.
Trong khi đó, những công ty hiện đảm nhận việc đón khách quốc tế tới thí điểm tại Phú Quốc, Quảng Ninh hay Quảng Nam… đều là các công ty từ trước đến nay nhận nhiệm vụ chuyển tiếp, cung ứng dịch vụ tại địa phương. Họ không phải đơn vị trực tiếp nhận nguồn khách lớn từ nước ngoài nên rất khó để tiếp cận đối tác, chủ động nguồn khách. "Nếu chỉ vài công ty làm thí điểm như vậy thì không giải được bài toán du lịch đúng nghĩa" - ông Dũng nhận định.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam lưu ý đối với các địa phương đề xuất thí điểm mở cửa đón du khách, nếu chỉ nhắm vào các chuyến bay charter, đón khách kiểu combo trọn gói thì số lượng chuyến bay sẽ rất ít.
Nguyên nhân, các đối tác tại các thị trường nguồn phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng sản phẩm, quảng bá sản phẩm, đi gom khách để thực hiện các chuyến charter trọn gói. Trong tình hình thị trường du lịch ở các nước hiện nay, công tác này rất mất thời gian, tương ứng với việc số lượng khách sẽ không nhiều. Do đó, nên dựa vào hoạt động bay thường lệ là chính, mở ra cho đại chúng để mở rộng nguồn khách, tăng cơ hội thành công.
Muốn khách đông, phải mở các sân bay lớn
Với những phân tích thị trường du lịch hiện nay, ông Trần Thế Dũng khẳng định muốn khách đông thì phải mở những địa phương có sân bay khả năng đón khách lớn, có nguồn doanh nghiệp nắm trong tay nhiều đối tác nguồn như tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ đi đầu cả nước trong tiến trình bắt nhịp lại cuộc sống trong giai đoạn bình thường mới. Các hoạt động ăn uống, tham quan, giao lưu, sinh hoạt cộng đồng… của TP cũng sẽ nhanh chóng được hoạt động lại sớm.
"Mở chuyến bay thương mại áp dụng hộ chiếu vắc xin, tạo điều kiện cho TP.HCM và Hà Nội đón khách quốc tế mới giải quyết được bài toán nguồn khách khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế”, ông Dũng nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings cho rằng không chỉ bó gọn trong 5 địa phương, hiện có tới 12 địa phương đủ điều kiện sẵn sàng đón khách quốc tế. Lãnh đạo ngành cần nhanh chóng rà soát những địa phương nào có sân bay đến trực tiếp, cơ sở vật chất, hạ tầng y tế tốt, tỷ lệ tiêm vắc xin cao… thì cho phép cùng thí điểm mở cửa, tạo thành một “hành lang xanh” du lịch Việt Nam để đa dạng điểm đến, dịch vụ du lịch.
"Khách vào Việt Nam nếu không tới trực tiếp địa phương thì sẽ đến 5 đầu mối là 5 địa phương thí điểm, sau 7 ngày an toàn sẽ liên kết đưa tới các điểm trong hành lanh xanh để hình thành tour an toàn, hấp dẫn. Riêng đối với khách Việt kiều, sau 7 ngày theo tour du lịch, thay vì đi tiếp các điểm khác sẽ cho về nhà thăm thân nhân, gia đình tại nơi cư trú" - ông Kỳ đề xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận