Mở cơ chế cho 11 triệu người, 1,7 tỷ USD xuất khẩu
Cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.Song, vấn đề đặt ra là nguồn nguyên liệu tự nhiên đang dần cạn kiệt, còn giới trẻ lại không mặn mà với nghề cha ông để lại…
Xuất khẩu thu về 1,7 tỷ USD/năm
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Bộ NN-PTNT, hiện nay cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Các sản phẩm làng nghề của cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm.
Tại Diễn đàn “Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề”, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”, khẳng định, trong hơn 30 năm đổi mới kinh tế làng nghề đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của đất nước. Các làng nghề đã giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Song, theo ông Bình, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, kinh tế làng nghề cũng bộc lộ nhiều vấn đề từ quy hoạch, đất đai, ô nhiễm môi trường, khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ, vốn và hỗ trợ tài chính của nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm và phát triển bền vững…
Thời gian tới, trong bối cảnh các điều kiện, môi trường và hoàn cảnh có nhiều thay đổi, ông Bình đề nghị Hiệp hội và các cơ quan quản lý cần hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tại các ngành nghề, làng nghề ở nông thôn nắm bắt được các cơ chế chính sách và Pháp luật của Nhà nước.
Chính quyền các địa phương cần quan tâm lắng nghe, chỉ đạo để phát triển kinh tế làng nghề lành mạnh; quan tâm phát triển kinh tế hợp tác để liên kết trong sản xuất giúp giải quyết các khó khăn của nhân dân. Các cơ quan quản lý cần tách biệt giữa ngành nghề ở nông thôn với các làng nghề truyền thống để từ đó hoạch định lại, có cơ chế chính sách để giúp nhân dân định hình được hướng đi phù hợp.
Các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến với các đề xuất, kiến nghị gửi về Ban Tổ chức Cuộc vận động để trên cơ sở đó Đảng và Nhà nước có các cơ chế chính sách mới, đúng đắn, sát thực và quyết liệt hơn góp phần phát triển kinh tế làng nghề bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, ông Bình nhấn mạnh.
Nhìn nhận về thực trạng làng nghề hiện nay, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT ViệtNam cho rằng, các làng nghề Việt Nam hiện nay đang gặp phải một số vấn đề nan giải, trong đó chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất tại các làng nghề.
Ông phân tích, rất nhiều làng nghề hiện nay đã không còn bảo lưu được tính kế thừa, coi nghề của mình không phải là sư nghiệp kiểu “cha truyền con nối”. Các bạn trẻ hiện nay có rất ít người muốn gắn bó với nghề do bao đời cha ông để lại. Họ muốn đi ra ngoài xã hội tìm kiếm những cơ hội mới, những công việc theo họ là nhàn hạ hơn, thu nhập cao hơn,… Đó là những lý do mà làng nghề hiện nay đang dần mai một.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm làng nghề đang dần cạn kiệt bởi nhiều lý do. Ví dụ cụ thể là làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hiện nay đã không còn diện tích đất hay quỹ đất để trồng dâu. Những hộ gia đình tại Vạn Phúc muốn có tơ sợi để dệt lụa thì phải vào trong Bảo Lộc (Lâm Đồng) để mua. Việc này đã làm tăng chi phí cho sản phẩm – điều mà nhiều khi họ cũng không muốn. Do đó chủ động được nguồn nguyên liệu là yếu tố quyết định đến giá thành sản phẩm. Hay như làng mây tre đan Phú Vinh – Phú Túc, nón làng Chuông... cũng phải thu mua nguyên liệu về để sản xuất.
Ông Hùng cho rằng, ngoài hỗ trợ về vốn, chính sách,… để phát triển làng nghề, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và niềm tự hào về thương hiệu sản phẩm của vùng quê mình sẽ cổ vũ, động viên thế hệ trẻ sự đam mê và gắn bó với nghề. Đồng thời, việc áp dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất các sản phẩm làng nghề để đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm cũng cần được quan tâm và khuyến khích phát triển.
TS. Dương Đình Giám - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp cũng thừa nhận, nhiều nơi nguồn nguyên liệu đang ngày càng suy giảm về lượng và không đủ tiêu chuẩn về chất lượng, thậm chí có loại đã bị khai thác theo hướng tàn diệt. Theo đó,các địa phương có nguồn nguyên liệu cung cấp phải chú ý đến khía cạnh phát triển bền vững về lĩnh vực này.
Trong khi đó, ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch Tập đoàn Hanaka hy vọng thời gian tới sẽ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, áp dụng chuyển giao các kỹ thuật hiện đại tiên tiến, đưa công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo vào việc phát triển kinh tế làng nghề.
“Tôi xin lấy ví dụ cụ thể trường hợp làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ. Việc sản xuất một cách ồ ạt rồi trưng bày chờ người mua ngày càng ế ẩm như hiện nay ngoài lý do không có đầu ra do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc còn có một phần nguyên nhân nữa là chưa bắt kịp thị hiếu của khách hàng. Nếu áp dụng công nghệ vào, các hộ sản xuất ở đây sẽ tạo ra nhiều kiểu dáng, mẫu mã đồ gỗ bàn ghế, giường tủ hơn, thiết kế hiện đại và phù hợp với thị trường nhiều nước hơn. Công nghệ, thương mại điện tử tạo ra sự đa dạng, phong phú về mẫu mã và sẽ mang đến nhiều khách hàng hơn”, ông chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Hoàng Anh cho rằng, trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi từng ngày như hiện naythì cần phát triển mạnh trang thông tin điện tử. Bởi nó sẽ là nơi tuyên truyền chính sách, là diễn đàn cho các doanh nghiệp hội viên, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, đối tác đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận