MKP – Giá cổ phiếu sẽ giảm đến đâu?
Từng nằm trong nhóm các doanh nghiệp dược top đầu thị trường, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ được đánh giá cao, nhưng kết quả kinh doanh của CTCP Hóa – Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP) giai đoạn vừa qua lại tụt khá xa so với các doanh nghiệp cùng ngành. Khi giá cổ phiếu MKP cũng sụt giảm mạnh kể từ khi đăng ký giao dịch trở lại trên UPCoM, nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi về triển vọng dài hạn của MKP.
Kết quả kinh doanh đi xuống
(*): Năm 2014, MKP có lợi nhuận bất thường 110 tỷ đồng từ đánh giá lại quyền sử dụng đất.
Là một trong các doanh nghiệp dược có tên tuổi trên thị trường, nhưng trong khi các doanh nghiệp cùng ngành có sự tăng trưởng tương đối ổn định, như Imexpharm, Domesco hay Pymepharco, doanh thu của MKP lại đi ngang, còn lợi nhuận thậm chí giảm nhẹ trong 5 năm từ 2014-2018. Cá biệt năm 2018, nếu không có khoản hoàn nhập dự phòng từ các năm trước, lợi nhuận sau thuế (LNST) của MKP chỉ còn 85.8 tỷ đồng. Cùng với đó, mức cổ tức tiền mặt của MKP cũng giảm dần từ 30% năm 2014 xuống còn 15% bằng năm 2018.
Cơ cấu tài chính của MKP đang ở mức quá an toàn và thận trọng khi hoàn toàn không sử dụng nợ vay, kể cả trong thời gian cần vốn và nguồn lực để đầu tư nhà máy mới. Cũng chính vì điều này nên chỉ số ROA, ROE của MKP không ở mức tương xứng so với các doanh nghiệp cùng ngành. Trong năm 2018, MKP đã thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và ESOP cho cán bộ chủ chốt để tăng vốn, trong khi việc sử dụng nguồn vốn hiện tại chưa thực sự hiệu quả. Với hoạt động kinh doanh ổn định, MKP hoàn toàn có thể vay vốn ngắn hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi để tài trợ cho hoạt động sản xuất.
Thêm vào đó, nhà máy mới tiêu chuẩn PIC/s của Mekophar được kỳ vọng nhiều nhưng chưa thể đóng góp doanh thu và lợi nhuận đáng kể trong thời gian gần. Nhà máy mới của Mekophar có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng với công nghệ hiện đại khởi công từ tháng 9/2016 đã hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2017, tuy nhiên chưa thể đưa vào vận hành thương mại do chưa đạt được tiêu chuẩn cần thiết để xin các giấy phép sản xuất. Nhà máy mới chậm đi vào hoạt động hơn 1 năm qua cũng khiến nhà đầu tư đặt nghi ngờ về năng lực của ban lãnh đạo và hơn cả là năng lực của MKP có còn được như trước.
Giá cổ phiếu đi xuống, cổ đông mất niềm tin vào doanh nghiệp?
MKP đã giao dịch trở lại trên sàn vào tháng 1/2018, tuy nhiên MKP chỉ đăng ký giao dịch trên UPCoM thay vì niêm yết sàn HOSE như trước. Trong hơn 1 năm qua, giá cổ phiếu MKP liên tục giảm, có thời điểm giảm gần một nửa so với lúc giao dịch trở lại và không có thanh khoản. Bên cạnh lợi nhuận đi xuống, một phần nguyên nhân do công tác quan hệ nhà đầu tư chưa được tốt.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính của MKP cũng chưa thể khiến nhà đầu tư thực sự tin tưởng. Bên cạnh các khoản dự phòng và hoàn nhập bất thường, cũng thường xuyên có sự chênh lệch trọng yếu giữa báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán. Năm 2018, LNST trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của MKP chênh lệch tăng 25.3% do có khoản hoàn nhập Dự phòng các dự án. Hiện công ty kiểm toán cho MKP là AISC – Công ty kiểm toán và Dịch vụ tin học TPHCM, một công ty không thuộc nhóm có tên tuổi trên thị trường.
Các nguyên nhân kể trên cũng giải thích phần nào lý do đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu gần đây vào tháng 3/2019 không thành công. Có một số lượng không nhỏ nhà đầu tư không thực hiện quyền tương ứng với tỷ lệ 27.4%. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu này đã được ủy quyền cho HĐQT phân phối cho các đối tượng với tiêu chí: Là các cá nhân, tổ chức có khả năng tài chính và có khả năng đóng góp cho hoạt động kinh doanh của công ty. Trong danh sách đối tượng được MKP phân phối quyền mua thì hầu hết là ban lãnh đạo với hơn một nửa số đó được phân phối cho gia đình bà Huỳnh Thị Lan. Bà Đặng Thị Kim Lan cũng được phân phối 20% số quyền mua không bán hết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận