Mirae Asset: Thị trường chứng khoán sẽ tìm điểm cân bằng trong tháng 11
Theo CTCK Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset), bên cạnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường Việt Nam phản ánh những xáo trộn gần đây ở thị trường tài chính/bất động sản. Theo đó, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11.
Trong báo cáo chiến lược tháng 11/2022, Mirae Asset cho biết TTCK đối mặt đợt bán tháo lớn trong tháng 10, đưa VN-Index xuống mức thấp nhất (kể từ năm 2021) là 962.45 điểm trước khi đóng cửa ở mức 1,027.94 điểm, giảm 9.2% so với tháng trước và 31.4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong tháng 10, áp lực tăng lãi suất của NHNN gia tăng đáng kể để đối phó với lạm phát và tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh. Việc lãi suất tăng có tác động trực tiếp đến các ngành và công ty có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.
Sau hai lần tăng lãi suất gần đây của NHNN vào ngày 23/09 và 25/10 (mỗi lần 100 điểm cơ bản), áp lực mất giá của VNĐ cũng như áp lực lạm phát đã được giảm bớt. Theo Mirae Asset, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng.
Hiện, chỉ số định giá P/E của VN-Index quanh mức 10-10.7 lần (ngưỡng trung bình 10 năm trừ đi hai độ lệch chuẩn), là cơ hội tốt để tích lũy các cổ phiếu có tính chất phòng thủ và có định giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tăng, định giá hiện tại của VN-Index đang đối mặt nhiều sự bất định. Do đó, với quan điểm của Mirae Asset, vẫn cần thêm thời gian để thu hút dòng tiền tham gia thị trường.
Tổng hợp lại, Mirare Asset kỳ vọng thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11 trên cơ sở sự phục hồi gần đây của các thị trường tài chính trên thế giới, tâm lý nhà đầu tư cải thiện.
Bên cạnh đó, CTCK này kỳ vọng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12 và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phục hồi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp thực hiện zero-COVID.
GDP sẽ vượt 8% trong kịch bản tốt nhất
Trong báo cáo, Mirae Asset cũng đưa ra những dự báo mới nhất về vĩ mô Việt Nam. Cụ thể, CTCK này kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt ít nhất 7.5-8% so với cùng kỳ trong kịch bản cơ sở và trên 8% trong trường hợp tốt nhất
Bốn động lực tăng trưởng chính bao gồm tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ; tăng trưởng FDI giải ngân ổn định; giải ngân đầu tư công tăng tốc; tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tích cực.
Tuy nhiên, Mirae Asset lưu ý vẫn cần theo dõi các yếu tố sau trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiêu dùng nhìn chung vẫn là động lực chính cho tăng trưởng GDP quý 4 năm nay, một phần nhờ so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại so với quý 3 trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái toàn cầu, cũng như bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn gần đây trên thị trường tài chính và bất động sản.
Thứ hai, tốc độ giải ngân FDI có thể chậm lại trong thời gian tới do kỳ vọng tỷ giá USD/VNĐ tăng lên. Quan sát thấy, giải ngân FDI tháng 10 tăng chậm lại đạt 2 tỷ USD, tương đương mức tăng 8% so với cùng kỳ.
Cuối cùng, xuất khẩu gần đây đã thể hiện vài dấu hiệu tiêu cực. Xuất khẩu đang chậm lại do tình hình tiêu thụ khó khăn trên toàn cầu. Quan điểm của Mirae Asset, rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ tăng trưởng đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao ở các nước châu Âu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận