Mirae Asset khuyến nghị nhóm cổ phiếu đầu tư công và cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất
Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) vừa công bố Báo cáo Chiến lược tháng 4/2023. Trong đó, nhiều điểm sáng đang hiện lên góp phần thắp lên hy vọng cho thị trường trong thời gian tới. Điểm nhấn đầu tư là cổ phiếu đầu tư công và các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như bất động sản, xây dựng, chứng khoán, ngân hàng.
Cụ thể, thị trường chứng khoán vẫn có nhiều tia hy vọng. Ở góc độ chính sách, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (ngày 05/03/2023), Nghị quyết số 33/NQ-CP (ngày 12/03/2023) và gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng (với lãi suất cho vay thấp hơn 1.5–2% so với mức vay thông thường) mang đến hy vọng về việc “hạ cánh mềm” cho trái phiếu doanh nghiệp, cũng như cho các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn về thanh khoản trong thời gian gần đây.
Mặt khác, việc nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN là một phần trong những nỗ lực liên tiếp của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cùng với thúc đẩy giải ngân đầu tư công, sự trở lại của ngành du lịch và sản xuất trong nước.
Nguồn: Mirae Asset
Dòng vốn nước ngoài tiếp tục quay trở lại trong bối cảnh chỉ số USD giảm và các điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn.
Những bất ổn gần đây trong hệ thống ngân hàng toàn cầu, bằng cách nào đó, đã hạ nhiệt khi các ngân hàng trung ương lớn đã chủ động và thận trọng thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu rủi ro từ các bất ổn tài chính.
Nhận định về kết quả kinh doanh quý 1/2023, Mirae Asset cho biết có thể xuất hiện những con số không khả quan, do đó CTCK này khuyến nghị những cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công, cũng như các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, và ngân hàng.
Đầu tư công sẽ được đẩy mạnh cũng như chú trọng trong quý 2/2023
Về môi trường quốc tế, Mirae Asset cho biết, biểu đồ Dot Plot đang cho thấy sự kết thúc chu kỳ tăng lãi suất của Fed đang đến gần. Dự báo bình quân của các quan chức Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) về tăng trưởng GDP trong năm nay đã giảm một ít (so với dự phóng tháng 12), có nghĩa là bất ổn tài chính về cơ bản được bù trừ bởi sự tăng trưởng GDP tích cực hơn kỳ vọng trước khi có sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank. Thị trường đang kỳ vọng sẽ có thêm một đợt tăng 25 điểm cơ bản nữa trong năm 2023 và kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5 sắp tới của FOMC.
Nguồn: Mirae Asset
Về tình hình kinh tế Việt Nam, Mirae Asset nhận định, lạm phát tại Mỹ và châu Âu hạ nhiệt sẽ hỗ trợ xuất khẩu hồi phục kể từ quý 2/2023. Nhìn về tương lai, việc mở cửa trở lại và các chương trình kích cầu chủ động gần đây của Trung Quốc sẽ là cứu cánh cho xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023.
Du lịch được kỳ vọng sẽ dẫn dắt tăng trưởng bán lẻ. Trong quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13.9% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 28.4% so với cùng kỳ, còn doanh thu du lịch lữ hành tăng 119.8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong quý 1/2023, lượng khách du lịch quốc tế ước tính đạt hơn 2.7 triệu lượt người, gấp 29.7 lần so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19. Do đó, vẫn còn dư địa cho tăng trưởng du lịch trong năm 2023.
Theo Mirae Asset, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh cũng như chú trọng trong quý 2/2023 giúp tạo động lực tăng trưởng cho toàn nền kinh tế và sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong các quý còn lại của năm 2023.
Nguồn: Mirae Asset
Mặt khác, dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tốt hơn trong nửa cuối 2023.
Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 khá thách thức
Theo Mirae Asset, việc kiểm soát lạm phát năm 2023 mà mục tiêu được Quốc hội đề ra là 4.5% sẽ khá thách thức bởi tác động của 4 yếu tố. Một là, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm tăng nhu cầu về tư liệu sản xuất, hàng tiêu tùng và dịch vụ, gây ra một đợt lạm phát chi phí đẩy khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam do phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Hai là, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng - CPI (giáo dục, y tế, điện). Ba là, chính sách hỗ trợ thuế VAT hết hiệu lực từ đầu năm 2023 sẽ khiến giá tăng. Cuối cùng, yếu tố thứ tư là áp lực cầu kéo từ các gói hỗ trợ (nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế) sẽ đẩy giá hàng hóa và dịch vụ tăng cao, gây thêm áp lực lên lạm phát.
Nguồn: Mirae Asset
Chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN được đưa ra trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát (trung bình năm 2023 là 4.5%) và là một phần trong nỗ lực không ngừng của chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung và tháo gỡ các trở ngại cho cả doanh nghiệp và người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận