24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chi An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Miền Trung lạc quan với dòng vốn FDI

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2021 là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với cả nước nói chung, khu vưc miền Trung Tây Nguyên nói riêng. Song, với sự quyết tâm, nhiều nỗ lực đã đem lại bức tranh về thu hút đầu tư nước ngoài tại khu vực vẫn có nhiều khởi sắc...

Những tín hiệu khả quan

Miền Trung là khu vực có vị trí chiến lược, nằm ngay trên các trục giao thông quan trọng của đất nước với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không, kết nối tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Đây là cửa ngõ ra biển Đông của các quốc gia tiểu vùng sông Mekông mở rộng (GMS), đảm bảo giao thương thông suốt với các vùng kinh tế, các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á...

Bên cạnh đó, miền Trung còn là nơi tập trung nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp với cơ chế mở, thủ tục đầu tư thông thoáng, ưu đãi về thời gian, giá thuê đất... Nguồn lao động trong khu vực cũng rất dồi dào. Đến nay, một số khu công nghiệp cơ bản được lấp đầy như: Nam Cấm (Nghệ An), Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam), Tịnh Phong (Quảng Ngãi), Phú Tài (Bình Định), Đông Bắc Sông Cầu (Phú Yên), Hàm Rồng (Gia Lai) hay Hòa Bình (Kon Tum)…

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2021 là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với cả nước nói chung, khu vưc miền Trung Tây Nguyên nói riêng. Song, với sự quyết tâm, nhiều nỗ lực đã đem lại bức tranh về thu hút đầu tư nước ngoài tại khu vực vẫn có nhiều khởi sắc...

Theo đó, trong năm qua, khu vực miền Trung thu hút được 71 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,15 tỷ USD. Điều đáng nói, dù số dự án chỉ gần bằng 60%, nhưng tổng vốn đầu tư tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Đây là tín hiệu tốt cho thấy các dự án đầu tư vào miền Trung ngày càng tăng về chất, quy mô các dự án ngày càng nâng cao và mở rộng. Hiện, quy mô vốn bình quân 1 dự án FDI của miền Trung đạt 28,25 triệu USD, cao hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước (11,75 triệu USD). Tổng vốn FDI của khu vực miền Trung hiện nay chiếm khoảng 15,16% tổng vốn FDI của toàn quốc.

Năm 2021, có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào miền Trung. Trong đó Singapore là đối tác chiến lược (11 dự án với tổng vốn đầu tư 528,4 triệu USD), tiếp đến là Hàn Quốc (12 dự án, 183,4 triệu USD). Các dự án đầu tư FDI ở khu vực trong năm nay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất điện, với 7 dự án tổng vốn đầu tư hơn 583,4 triệu USD. Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với 19 dự án, tổng vốn đầu tư gần 280,7 triệu USD. Địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư trong năm 2021 là Đăk Lăk (8 dự án với tổng vốn đầu tư gần 454,9 triệu USD), tiếp đến là Thừa Thiên - Huế (3 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 165,5 triệu USD).

Theo ông Lê Minh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Phía Nam - Văn phòng tại Đà Nẵng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhìn chung thu hút đầu tư FDI trong năm 2021 ở miền Trung chủ yếu đến từ lĩnh vực năng lượng tái tạo, rất nhiều nhà đầu tư đến miền Trung tìm hiểu về lĩnh vực này. Bên cạnh, miền Trung còn nổi lên là một trong những địa điểm thu hút các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. Trong đó, có thể kể đến như dự án Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao, của Tập đoàn Kurz (Đức) đầu tư vào Bình Định, có tổng vốn đăng ký đầu tư 40 triệu USD. Dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất của Tập đoàn Fujikin Nhật Bản đã chính thức khởi công xây dựng tại khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư đăng ký 35 triệu USD...

Trước đó, có thể kể đến một số dự án FDI “khủng” tiêu biểu tại miền Trung như, dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 10,68 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH phát triển Nam Hội An (Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An), tại tỉnh Quảng Nam (100% vốn của Singapore), tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD...

Sớm tháo gỡ “nút thắt”

Để đạt được những con số khả quan trên, trong tình hình dịch bệnh như thời gian qua, tại khu vực miền Trung thay vì xúc tiến đầu tư trực tiếp, tiếp xúc gặp gỡ nhà đầu tư như trước kia, chính quyền các địa phương trong khu vực đã linh hoạt chuyển sang hình thức xúc tiến đầu tư trực tuyến và thông qua công nghệ.

Ông Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi xác định xúc tiến đầu tư tại chỗ là một trong những giải pháp xúc tiến hiệu quả thời điểm hiện nay. Chúng tôi cũng xúc tiến thông qua các hoạt động trực tuyến, làm việc trực tuyến, tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến để tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, gửi thông tin và hỗ trợ, cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết về môi trường đầu tư của Đà Nẵng đến các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước.

Nhìn chung, việc thu hút doanh nghiệp FDI ở miền Trung đang tương đối khả quan. Tuy nhiên, trên thực tế bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn có không ít các “nút thắt” cần được sớm tháo gỡ. Trong đó, một trong những vấn đề “nóng” đang nổi lên thời gian qua chính là việc hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động. Theo đó, hiện nhiều nhà đầu tư FDI tập trung xây dựng các nhà máy, xí nghiệp sử dụng nguồn nhân công lớn tại chỗ như may mặc, giày da, linh kiện điện tử. Hỗ trợ cho nhà đầu tư, các địa phương trong khu vực cũng đã chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp ở những vùng nông thôn để tập trung thu hút các doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương. Tuy nhiên, tại một số nơi chính sách của doanh nghiệp đối với lao động lại chưa thỏa đáng. Nếu so với hai đầu đất nước, thu nhập của người lao động ở miền Trung còn chịu những thiệt thòi. Dẫn đến tình trạng người lao động không mặn mà với công việc ngay trên mảnh đất quê hương của mình.

Quyền lợi chưa được đảm bảo đã khiến tình trạng đình công xảy ra ở một số nơi trong khu vực. Đơn cử, mới đây sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hàng loạt các vụ đình công, nghỉ việc tập thể của công nhân các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh do vốn FDI đầu tư xây dựng đã xảy ra. Trong đó, có thể kể đến hàng trăm công nhân Công ty Havina Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ngừng việc tập trung. Hay việc 5 nghìn công nhân Nhà máy may, giày da Viet Glory ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An ngừng việc tập thể, để đòi quyền lợi của mình...

Có thể nói, bên cạnh việc bảo đảm hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động thì để trở thành “vùng đất hứa” cho các doanh nghiệp FDI, thì khu vực miền Trung đang còn nhiều việc phải làm. Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, môi trường kinh doanh ở khu vực tuy được cải thiện. Song, những năm gần đây có dấu hiệu chững lại và thiếu tính đột phá. Tính chủ động trong tiếp cận nhà đầu tư, nhà đầu tư “mục tiêu” của các địa phương còn hạn chế. Bên cạnh, các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, số hoá trong nắm bắt, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp rút ngắn thời gian trong tiếp cận cơ hội và hiện thực hoá cơ hội trong đầu tư.

Trong khi đó, cũng theo ông Lê Minh Dương, để tiếp tục thu hút vốn FDI miền Trung cần tận dụng hiệu quả hiệp định EVFTA và CPTPP, tăng cường sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của vùng, nâng cao năng lực sản xuất phục hồi kinh tế cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh, thành miền Trung, các địa phương cần khẩn trương tìm kiếm các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ; bên cạnh những ngành nghề truyền thống có thế mạnh, các địa phương trong khu vực nên tiếp tục nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế mới như: kinh tế số, tài chính, đổi mới, sáng tạo, ICT, các ngành ứng dụng công nghệ cao… điều này sẽ tiếp thêm động lực đưa miền Trung thu hút đầu tư FDI trong năm 2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả