24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thúy Hằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Miền Trung đón cơ hội từ EVFTA

Một cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp tại miền Trung.

EVFTA mở ra cơ hội nhưng cũng tạo nên sức ép để các doanh nghiệp thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Thời cơ “vàng”

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), mở ra một trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU. EVFTA cũng được xem như một thời cơ “vàng”, cho các DN trong nước, mở rộng hợp tác làm ăn với thị trường tiềm năng này. Chung vui với cả nước, cộng đồng DN ở khu vực miền Trung cũng đang háo hức, chờ đón cũng như kỳ vọng những cơ hội từ hiệp định thương mại này mang lại...

EU vốn là một thị trường rộng, hấp dẫn gồm 27 nước thành viên, dân số khoảng 500 triệu người, GDP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu... Sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam... Với những lợi thế trên, EVFTA được kỳ vọng sẽ là “cú hích” cho tăng trưởng xuất khẩu lẫn thu hút đầu tư của Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc thông qua EVFTA có những tác động tích cực đến Việt Nam trong thiết lập các chuỗi cung ứng mới với EU, giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt, bù đắp được những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Bên cạnh đó, hiện nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển, giảm sự lệ thuộc vào một số quốc gia nhất định, EVFTA sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam.

Tại khu vực miền Trung, những mặt hàng có nhiều tiềm năng, thế mạnh như đồ gỗ, thủy sản, dệt may... sẽ có thêm cơ hội ở thị trường EU trong thời gian tới. Đơn cử, trong lĩnh vực thủy sản, theo đại diện Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, sau khi EVFTA có hiệu lực, cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào EU sẽ rộng mở hơn bao giờ hết. Nếu “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu như một đòn giáng mạnh vào xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thì việc thông qua EVFTA lại mở toang cánh cửa và là động lực để DN thủy sản Việt Nam không những quay lại mà còn tăng thêm thị phần tại thị trường rất tiềm năng như EU.

Tương tự, một thế mạnh khác của miền Trung là đồ gỗ, cũng đang được kỳ vọng là sẽ “ăn nên làm ra” ở EU. Bởi, xuất khẩu gỗ đang được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhiều từ EVFTA, vốn đã có những tiền đề sẵn từ trước. Được biết, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang thị trường EU đạt 864,6 triệu USD, tăng 10% so với năm 2018, chiếm 8,1% trong tổng giá trị xuất khẩu 10,6 tỷ USD. Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ có thuế suất về 0, trong khi đồ gỗ hiện có thuế suất 2,7% đến 5,6% tùy từng mặt hàng cụ thể. Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra dự đoán, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang thị trường EU sẽ đạt con số 1 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên EVFTA được thực thi. Bên cạnh, những con số cụ thể có thêm đong đếm được như đã nói ở trên, với EVFTA xuất khẩu đồ gỗ của miền Trung cũng như cả nước còn có những lợi thế vô hình khác. Đơn cử như nếu “chiếm lĩnh” được thị trường EU, các sản phẩm đồ gỗ của DN trong nước cũng dễ dàng hơn khi tiếp cận, mở rộng ở những thị trường tiềm năng khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản... Hoặc, với EVFTA cũng sẽ tạo ra những lợi thế rất lớn của xuất khẩu gỗ Việt Nam với các “đối thủ” bấy lâu nay như Trung Quốc hay Malaysia...

Phải tự làm mới mình

Có thể khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU đang mở ra những cơ hội rất lớn cho các DN ở khu vực miền Trung cũng như cả nước. Tuy nhiên, thời cơ luôn đi cùng với thách thức, các DN sẽ không thể “ngồi mát ăn bát vàng”, ở thị trường EU, mà phải chủ động thay đổi, tự làm mới mình mới mong có sự thành công.

Thị trường EU bấy lâu nay vẫn được biết đến như một thị trường khó tính, với những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật khắt khe. EVFTA mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là các yêu cầu về phi thuế quan, rào cản kỹ thuật. Đặc biệt, những mặt hàng có thế mạnh của DN miền Trung như dệt may, da giày, đồ gỗ hay thủy sản... các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường... lại càng khắt khe hơn và không dễ đáp ứng trong ngày một ngày hai. Trong khi đó, nhìn chung năng lực, quy mô của các DN trong khu vực đều đang rất hạn chế, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Bởi vậy, để nắm được cơ hội từ thị trường EU, cũng như những cơ hội từ EVFTA mang lại rõ ràng rất cần sự thay đổi. Nếu DN không có những bước chuyển mình nhanh chóng, khẳng định được sự phát triển sản phẩm về nguyên liệu, xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, thì không những không nắm được cơ hội mang lại, mà còn bị những thách thức tạo ra áp lực nặng nề.

Chia sẻ về những áp lực ở thị trường EU, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước (TP. Đà Nẵng) cho rằng, xuất khẩu vào EU lợi nhuận ổn định. Song, nếu vi phạm các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường, DN trong nước đừng nghĩ đến việc sẽ được trả hàng trở lại mà phải tốn một khoản lớn chi phí để đền bù thiệt hại hợp đồng, ngoài ra là những chi phí không hề nhỏ để tiêu hủy lô hàng đó ngay tại châu Âu, chưa hết còn bị kiểm soát gắt gao những lô hàng tiếp theo. Bởi vậy, xuất khẩu vào EU phải đảm bảo tuyệt đối về số lượng, chất lượng cũng như tiến độ giao hàng... Tương tự, như thủy sản đồ gỗ ở miền Trung đang đứng trước những cơ hội tràn trề tại EU, song thách thức cũng không hề nhỏ. Cụ thể, EVFTA đặt ra các cam kết thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), các hiệp định đa phương về môi trường mà Việt Nam đã ký kết. Thị trường này vốn rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu. EU sẽ từ chối thẳng từng đơn hàng nếu phát hiện nguồn gốc gỗ nguyên liệu được khai thác bất hợp pháp.

Rõ ràng, để nắm bắt được những cơ hội từ EVFTA mang lại các DN ở miền Trung cũng như cả nước sẽ phải thay đổi rất nhiều. Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng những cơ hội cũng như khắc phục thách thức, DN phải tăng cường đầu tư vào năng lực sản xuất kinh doanh, xây dựng lại chiến lược, mô hình kinh doanh; đồng thời nâng cao nhận thức về quản trị điều hành nhân lực và tài chính, tăng chất lượng hàng hóa và dịch vụ; nắm rõ các quy định bắt buộc về xuất xứ sản phẩm, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật và việc áp dụng thuế giá. Đặc biệt, các DNNVV cần nâng cao khả năng kết nối, tạo thành chuỗi cung ứng và có kế hoạch sản xuất lâu dài; phải kiên trì và chấp nhận thay đổi để thích ứng với hội nhập. Thêm một yếu tố then chốt nữa, DN không thể tự mình “độc hành” ở thị trường EU cũng như các thị trường khác, mà cần những hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Trong đó, cơ quan chức năng cần tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng “đơn giản, nhanh gọn”; theo dõi hỗ trợ cho DN về thủ tục, chính sách ngay khi gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện EVFTA; đồng hành cùng DN kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình thay đổi để có thể tận dụng được nhiều nhất những ưu đãi từ EVFTA.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả