menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thúy Hằng

Mía đường những ngày gian khó

Số liệu đường nhập lậu vào Việt Nam vừa được Hiệp hội Mía đường cập nhật ước tính đã lên tới 820.000 tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ của cả nước khoảng 2 triệu tấn/năm. Như vậy đường nhập lậu đang chiếm khoảng 40% nhu cầu trong nước.

Nguyên nhân chủ yếu của đường lậu từ Thái Lan vào Việt Nam qua ngả Campuchia với giá rất rẻ và giá rẻ là do Thái Lan tài trợ cho xuất khẩu, còn giá đường Thái tiêu thụ ở chính nước này lại rất cao.

Hiệp hội Mía đường lo lắng khi Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, đường sẽ được xuất chính ngạch vào Việt Nam với thuế suất 0%, giá bán đường sẽ rơi về 8.000-9.000 đồng/ki lô gam, thấp hơn giá thành sản xuất của doanh nghiệp trong nước 2.000-3.000 đồng/ki lô gam, thì ngành đường nội địa sẽ vô cùng khó khăn. Mức độ khó khăn được dự báo là sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp và người trồng mía sẽ lỗ nặng.

Khó khăn của ngành mía đường không phải bây giờ mới được phản ánh mà đã tồn tại từ lâu. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã chấp nhận thảo luận cùng các quốc gia Asean và lùi thời hạn thực hiện ATIGA hai năm. Nếu Chính phủ không “ra tay”, Hiệp định ATIGA đã được thực hiện từ hai năm trước.

Trong thời gian ATIGA được trì hoãn, một bộ phận doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư công nghệ, tiết giảm chi phí quản lý, tăng năng suất mía để hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên ngay cả nỗ lực này cũng chưa thể đưa đường sản xuất trong nước cạnh tranh được với đường nhập lậu. Vấn đề đặt ra một cách trực tiếp hiện nay là chúng ta sẽ giải quyết thế nào khó khăn của ngành mía đường.

Hoặc chúng ta sẽ buộc phải có giải pháp tự vệ để bảo vệ ngành mía đường trong nước; hoặc thực hiện công khai minh bạch ATIGA và chuyển nông dân trồng mía sang cây trồng khác, đồng thời cho phá sản các doanh nghiệp đường yếu kém. Cách thức nào cũng phải trả giá và phải tính toán đến quyền lợi quốc gia bao gồm cả quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiệp hội Mía đường đề xuất gì? Trong văn bản mới nhất gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệp hội cho biết tháng 9 này là thời điểm toàn ngành vào vụ ép mía mới 2019-2020, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi nông dân trồng mía tương đối nhiều. Nếu thực hiện ATIGA như đã ấn định, doanh nghiệp sẽ đối mặt với gian nan chưa từng thấy và sản phẩm làm ra sẽ tiếp tục tồn kho. Hiện lượng đường tồn kho, theo hiệp hội, không thấp hơn 600.000 tấn. Cả ngành đang ngồi trên “núi” đường thừa không tiêu thụ được, vậy có nên sản xuất tiếp không? Xuất phát từ đây hiệp hội đề nghị các cơ quan quản lý phối hợp vận dụng một số điều khoản để trì hoãn ATIGA thêm nữa.

Giả sử Chính phủ chấp nhận áp dụng những điều khoản đặc biệt, và ATIGA được trì hoãn thêm thì thời hạn trì hoãn sẽ bao lâu? Thời gian trì hoãn có đủ cho doanh nghiệp mía đường chuyển mình và “sống” được hay chỉ là kéo dài quãng đường đi đến sự phá sản? Không phải Chính phủ trả lời các câu hỏi trên, mà là doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp phải cam kết với Nhà nước trong thời gian trì hoãn thêm họ sẽ làm gì để sản phẩm cạnh tranh được, để họ không những đứng vững mà còn phát triển. Nếu không thời gian trì hoãn thêm ATIGA sẽ trở thành vô ích và uy tín của quốc gia trong việc thực thi các hiệp định thương mại song phương và đa phương có thể bị tổn thương.

Trong cái khó của ngành mía đường có một nguyên nhân khách quan là sự lao dốc của giá đường trên thị trường quốc tế từ năm 2012 đến nay. Nguồn cung đường thế giới vượt cầu, nhu cầu tiêu thụ đường nói chung giảm đi do nhận thức của người tiêu dùng về tác động của đường với sức khỏe. Tất cả những khó khăn của thị trường hàng hóa và năng lượng đều phản ánh vào giao dịch đường.

Nhưng chúng ta hãy tỉnh táo và so sánh giao dịch đường với những hàng hóa cũng đang gặp những bất lợi, chẳng hạn cao su thiên nhiên hay cà phê. Giá cao su thiên nhiên cũng đang vật lộn ở vùng đáy và nó đã rơi thảm từ bảy năm nay. Giá cà phê biến động rất thất thường. Vậy tại sao doanh nghiệp cao su vẫn tồn tại được? Bí quyết của doanh nghiệp cao su là gì? Số lượng công nhân cao su cũng rất đông đảo, đâu phải ít. Cái khó ló cái khôn với ngành cao su. Không lẽ cái khó bó cái khôn với mía đường?

Trên sàn, cổ phiếu các công ty mía đường như SBT, LSS, SLS, KTS... đang trong cơn bĩ cực, thấp nhất trong 52 tuần và nhiều khả năng còn thấp hơn khi đầu ra cho đường tồn kho vẫn chưa có lời giải. Không lẽ sẽ có một cuộc “giải cứu” đường như đã từng có những đợt giải cứu trái cây chuối, thanh long, dưa hấu, chanh dây hay nông sản như hành tím... Trước khi trông cậy vào lòng từ thiện và hảo tâm của người tiêu dùng, doanh nghiệp hãy tự cứu mình trước đã.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại