MCM: Báo cáo ngắn cơ hội đầu tư
CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (UpCom: MCM), tiền thân là Nông trường Mộc Châu và là đơn vị đầu tiên khai mở ra ngành chăn nuôi và sản xuất sữa công nghiệp tại Việt Nam.
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Hoạt động kinh doanh chính của MCM bao gồm (1) Sản xuất, chế biến,và kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa, (2) Sản xuất, chế biến, và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, (3) Kinh doanh vật tưchăn nuôi và vật nuôi (bò, bê).
Vùng đất Mộc Châu, cùng với Đà Lạt được nhiều chuyên gia đánh giá là vùng đất hiếm hoi tại Việt Nam có khí hậu ôn đới, là nơi phù hợp nhất để có thể phát triển đàn bò sữa quy mô lớn. Với khí hậu lý tưởng, bò ở Mộc Châu thường chỉ sử dụng 50% lượng thức ăn cho các hoạt động của cơ thể, còn lại là để nuôi thai và sản xuất sữa, trong khi con số này ở bò nhiệt đới là 75%.
MCM ghi nhận KQKD Q3/2021 với Doanh thu và LNST lần lượt đạt 795 tỷ (+0.7% QoQ, +2.7% YoY) và 95 tỷ (+8.5% QoQ, - 7.6% YoY). Tính trong 9T 2021, doanh thu đạt 2,206 tỷ (+3% YoY, hoàn thành 72% kế hoạch) và LNST đạt 231 tỷ (+10.8% YoY, hoàn thành 73% kế hoạch)
ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ 1.
Điểm nhấn: Triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành sữa giai đoạn phục hồi hậu Covid-19
Ngành sữa và sản phẩm sữa được xem là mặt hàng thiết yếu nên ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Ở giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2020, giá trị của thị trường sữa vẫn đạt được 135 nghìn tỷ VND (+ 8% YoY theo số liệu của Euromonitor).
Bước sang giai đoạn “bình thường mới”, chúng tôi kì vọng mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn của toàn ngành đến từ (1) thu nhập của người dân được cải thiện khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục; (2) dư địa tăng trưởng vẫn hấp dẫn khi Việt Nam thuộc top các quốc gia có mức tiêu thụ sữa khá thấp, trung bình khoảng 21.8kg/người/năm trong năm 2019, thấp hơn 18% so với khu vực theo dữ liệu của Euromonitor; và (3) sự hỗ trợ từ các yếu tố trung/dài hạn theo Kantar Worldpanel bao gồm: dân số trẻ, thu nhập trung bình với tầng lớp trung lưu gia tăng.
2. Điểm nhấn: Mở rộng thị phần là trọng tâm
MCM đóng vai trò quan trọng trong chiến lược gia tăng thị phần của VNM, giúp VNM mang tới thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng và gia tăng sức cạnh tranh thương hiệu với các bên khác. Bởi vậy, chúng tôi lạc quan về chiến lược mở rộng thị phần của MCM trong thời gian tới nhờ:
— Dưới sự tham gia quản lý của công ty mẹ VNM, MCM đã có những bước chuyển mình đáng kể với việc cải tiến, đa dạng hóa sữa và các sản phẩm của sữa như đổi mới hình thức bao bì, kết hợp thêm hương liệu, các chất dinh dưỡng mới…hướng tới nhiều đối tượng khách hàng riêng biệt. Tiêu biểu, việc cho ra mắt sản phẩm sữa, sữa chua kết hợp với sữa non đầu tiên ở Việt Nam nhắm tới đối tượng trẻ em gần đây đã cho thấy sự nhanh nhạy và đổi mới của MCM.
— Với lợi thế về độ nhận diện thương hiệu cao, dễ dàng được người tiêu dùng tiếp nhận ở thị trường miền Bắc, MCM có cơ hội tốt gia tăng thị phần ở thị trường này thông qua việc kết hợp với các kênh phân phối của VNM, đặc biệt ở khu vực thành thị.
— MCM có kế hoạch tiến vào thị trường miền Trung và miền Nam. Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin liên quan tới kế hoạch này nhưng việc tận dụng sự am hiểu thị trường, kênh phân phối đa dạng cũng như chiến lược quảng bá chuyên nghiệp của công ty mẹ VNM, chúng tôi kì vọng thương hiệu lâu đời như MCM sẽ dần chiếm được chỗ đứng tại 2 thị trường này. Thị phần của MCM trên toàn quốc còn khiêm tốn nên vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.
3. Điểm nhấn: Đầu tư mở rộng quy mô sản xuất Mở rộng dây chuyền sản xuất và đầu tư thêm nhà máy.
MCM đã đầu tư 130 tỷ vào dây chuyền sản xuất mới giúp nâng cao 20% công suất và đáp ứng tốt nhu cầu gia tăng sản xuất của MCM thời gian tới. Ngoài ra, MCM cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất sữa Mộc Châu 2 mới với công suất dự kiến gấp 4 lần nhà máy cũ.
Gia tăng quy mô đàn bò & sản lượng sữa. MCM hiện đang cải tạo nâng cấp Trung tâm giống số 2 từ 1,500 con lên 2,000 con. Ngoài ra, MCM cũng triển khai xây dựng một trang trại mới với quy mô lớn 4,000 con với thời gian hoàn thành khoảng 3 năm. MCM cũng đặt mục tiêu mở rộng liên doanh, liên kết với hộ nông dân từ 527 hộ lên 700 hộ với đàn bò liên kết từ 24,300 con lên 35,000 con. Cùng với việc tăng đàn, chúng tôi cho rằng VNM sẽ hỗ trợ MCM trong việc nâng cao sản lượng sữa bình quân từ mức 25l/con/ngày lên trên mức 26l/con/ngày bằng việc cải thiện giống và chăm sóc bò (năng suất sữa bình quân của VNM hiện đang đạt khoảng 27l/con/ngày).
Bên cạnh đó, MCM cũng có kế hoạch hình thành khu du lịch sinh thái rộng 30ha kết hợp nông trại bò sữa để khai thác du lịch. Chúng tôi đánh giá đây là mô hình du lịch khá mới mẻ ở Việt Nam và giàu tiềm năng khai thác. Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
4. Điểm nhấn: Tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận gộp
Năm 2020 chứng kiến sự cải thiện vượt bậc về biên lợi nhuận gộp của MCM, tăng từ 19% trong năm 2019 lên mức 31.5% sau khi MCM bắt đầu áp dụng hệ thống ERP của VNM (biên lợi nhuận gộp trung bình 3 năm của VNM là 47%) và sau các hoạt động tái cấu trúc mạnh mẽ khác. Xu hướng cải thiện biên lợi nhuận của MCM đã phần nào bị gián đoạn trong năm nay do những bất lợi của diễn biến giá nguyên liệu đầu vào (giá nông sản cho thức ăn chăn nuôi, giá đường đã tăng mạnh thời gian vừa qua), nhưng kì vọng sẽ sớm tăng trở lại bởi:
— Chi phí sản xuất có thể được cải thiện nhờ (1) giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng hạ nhiệt khi chuỗi cung ứng toàn cầu dần trở lại trạng thái “bình thường mới”; (2) tận dụng lợi thế của hệ sinh thái của VNM, tiếp cận được với nhiều chính sách khấu hao hấp dẫn của các nhà phân phối; và (3) hiệu ứng kinh tế quy mô khi MCM mở rộng sản xuất.
— Giá bán bình quân có thể được nâng lên khi (1) MCM có thể chuyển chi phí sang người tiêu dùng nếu giá nguyên vật liệu vẫn giữ ở mức cao; (2) dư địa tăng giá có khả thi khi sữa và các sản phẩm sữa của MCM hiện thấp hơn tương đối so với giá sản phẩm của VNM và các công ty sữa khác; và (3) phát triển các sản phẩm sữa cao cấp có biên lợi nhuận cao
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận