Mất gần 3 năm để lập, thẩm định, phê duyệt 1 quy hoạch
Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019, như tính đến cuối năm 2022, nhiều quy hoạch vẫn đang trong quá trình lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo Bộ KH&ĐT, qua gần 5 năm triển khai Luật Quy hoạch đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu tháo gỡ.
Các ngành, các địa phương còn có cách hiểu khác nhau về tích hợp quy hoạch, mức độ chi tiết của nội dung quy hoạch. Do chưa rõ mức độ tích hợp, mức độ chi tiết và các yêu cầu kỹ thuật, chuyên ngành trong quá trình lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành nên các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành.
Tiến độ lựa chọn tổ chức tư vấn, lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chậm. Việc tổ chức đấu thầu lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo quy định của Luật Đấu thầu thường kéo dài hơn 1 năm do thường mất nhiều thời gian để xử lý các vấn đề phát sinh như yêu cầu bên dự thầu làm rõ hồ sơ dự thầu, thương thảo hợp đồng, xử lý tình huống phát sinh liên quan đến chuyên gia tư vấn...
Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các bộ, các địa phương, thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch gần 3 năm, trong đó thời gian lập, lấy ý kiến về quy hoạch gần 2 năm, thời gian thẩm định khoảng 4 tháng, thời gian hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt khoảng 3 tháng, thời gian trình phê duyệt hơn 2 tháng.
Đối với quy hoạch tỉnh, việc tham gia ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh còn chậm, dẫn đến thời gian thẩm định và phê duyệt quy hoạch thường kéo dài. Việc hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh sau khi họp thẩm định chậm; các tỉnh trung bình cần khoảng gần 7 tháng để tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch.
Nội dung của một số quy hoạch còn bất cập lực lượng tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế về số lượng và năng lực, kinh nghiệm lập quy hoạch theo phương pháp, cách tiếp cận mới của Luật Quy hoạch.
Việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch gây áp lực lên lực lượng tư vấn lập quy hoạch. Một số đơn vị tư vấn tham gia lập nhiều quy hoạch, như Viện Chiến lược Phát triển thuộc Bộ KH&ĐT tham gia tư vấn cùng thời điểm cho 21 quy hoạch; Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia tư vấn cùng thời điểm cho 13 quy hoạch…
Việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cấp, các ngành còn chậm và chưa hiệu quả; việc lấy ý kiến về quy hoạch có lúc có nơi còn thực hiện chưa hiệu quả, hình thức công khai chưa phù hợp; việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn thiện.
Bộ KH&ĐT cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch sẽ là công cụ giúp quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương. Cơ quan soạn thảo đề xuất sửa 22 nội dung của Luật Quy hoạch.
Nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung có điều 54 Luật Quy hoạch về trình tự, thủ tục và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch theo hướng bổ sung trình tự, thủ tục rút gọn đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch; hay khoản 2 Điều 55 Luật Quy hoạch: Bỏ trách nhiệm của Thủ tướng về việc ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, đề xuất phân cấp cho UBND cấp tỉnh...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận