Mang 6,7 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ gần 1,2 tỷ USD
Đến ngày 31/12/2020, có 46 dự án còn lỗ luỹ kế với tổng số lỗ luỹ kế là 1.171,6 triệu USD, giảm 1 dự án và tăng 120 triệu USD so với năm 2019...
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020.
169/807 DOANH NGHIỆP VỐN GÓP NHÀ NƯỚC LỖ LUỸ KẾ 33.750 TỶ ĐỒNG
Theo tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương, tính đến 31/12/2020, cả nước có 807 doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước với tổng tài sản là 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019. Tổng doanh thu đạt 1,98 triệu tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2019. Lãi phát sinh trước thuế đạt 162,9 nghìn tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2019.
Có 119/807 doanh nghiệp chiếm 15% tổng số doanh nghiệp có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh 15.740 tỷ đồng. Có 169/807 doanh nghiệp chiếm 21% tổng số doanh nghiệp còn lỗ luỹ kế với tổng số lỗ luỹ kế là 33.750 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả là 1,8 triệu tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2019. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 54% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp.
Bóc tách riêng với nhóm doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tổng doanh thu hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty đạt 1,4 triệu tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2019. Có 11 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ luỹ kế là 11.464,2 tỷ đồng và 7 công ty mẹ còn lỗ luỹ kế 6.064 tỷ đồng.
Đối với nhóm doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng doanh thu đạt 355.460 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2019. Theo báo cáo hợp nhất có 30/187 doanh nghiệp chiếm 16% tăng 25% so với số lượng năm 2019 có tổng số lỗ phát sinh là 12.003 tỷ đồng. Trong đó, có một số doanh nghiệp vốn nhà nước có lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất lớn như HVN lỗ phát sinh 11.178 tỷ đồng, Đài truyền hình Việt Nam lỗ phát sinh 265 tỷ đồng; TCT Lương thực miền Nam lỗ phát sinh 210 tỷ đồng; TCT CP Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam lỗ phát sinh 154 tỷ đồng.
Có 35/187 doanh nghiệp chiếm 19% với tổng số lỗ luỹ kế là 17.739 tỷ đồng. Tính riêng công ty mẹ, có 3 công ty mẹ có lỗ luỹ kế 9.625 tỷ đồng.
Đối với nhóm doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ đổ xuống, tổng doanh thu đạt 79.016 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2019. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, có 39/161 doanh nghiệp chiếm 24,2% tổng số doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống với tổng số lỗ phát sinh là 322 tỷ đồng. Tính riêng công ty mẹ có TCT Sông Hồng lỗ phát sinh 57 tỷ đồng.
Có 44/161 doanh nghiệp chiếm 27,3% số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống với tổng lỗ luỹ kế là 2.809 tỷ đồng.
46 DỰ ÁN ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI LỖ LUỸ KẾ 26.600 TỶ ĐỒNG
Theo báo cáo của các đơn vị, tính đến ngày 31/12/2020, có 28 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước không bao gồm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thuộc 4 Bộ (Quốc phòng, Xây dựng, Công Thương, Y tế), Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 4 tỉnh Hà Tĩnh, Đắc Lắc, An Giang, Tp.HCM thực hiện 131 dự án đầu tư ra nước ngoài.
Số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện trong năm 2020 của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước là 129,92 triệu USD, chủ yếu tại các Dự án của các công ty con Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các dự án của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, dự án của VNPT, Viettel...
Luỹ kế đến 31/12/2020, tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước là 6.719 triệu USD, trong đó, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất 3.973 triệu USD chiếm 59% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện; tiếp theo là Viettel với 1.454,9 triệu USD chiếm 22%; VRG đứng thứ ba với 925,8 triệu USD chiếm 14%.
Năm 2020, có 121/131 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước có báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh với 32 dự án không phát sinh doanh thu, 89 dự án có doanh thu với tổng doanh thu tại nước ngoài năm 2020 là 5.542 triệu USD bằng 79% so với năm 2019.
Trong đó, có 28 dự án bị lỗ với số lỗ 236,89 triệu USD, giảm 6 dự án lỗ nhưng số lỗ tăng 81 triệu USD và bằng 152% so với năm 2019. 61 dự án có lợi nhuận với tổng lợi nhuận sau thuế là 426,6 triệu USD, giảm 138,3 triệu USD và bằng 75% so với năm 2019. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 118,7 triệu USD, giảm 87,5 triệu USD và bằng 58% so với năm 2019.
Đến ngày 31/12/2020, có 46 dự án còn lỗ luỹ kế với tổng số lỗ luỹ kế là 1.171,6 triệu USD, giảm 1 dự án và tăng 120 triệu USD so với năm 2019.
Báo cáo đánh giá, các dự án trồng và chế biến cây cao su, một số dự án vẫn còn trong giai đoạn đầu tư hoặc mới đưa vào khai thác đang lỗ kế hoạch, tiềm ẩn rủi ro. Một số dự án viễn thông có số lỗ luỹ kế lớn hoặc mất quyền kiểm soát và rủi ro tỷ giá. Một số dự án không hiệu quả thuộc các lĩnh vực khai thác vẫn hoạt động hoặc dừng triển khai như Dự án khai thác muối mỏ Kali tại LÀo, Dự án thành lập Hãng hàng không quốc gia Campuchia, Dự án khai thác khoáng sản Steung Treng - Campuchia... Nhìn chung, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước chưa đạtr kỳ vọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận