"Ma trận" Forex/CFD (kỳ 5): Giới chuyên nghiệp nghĩ gì?
Các cuộc gọi, tin nhắn mời chào tham gia thị trường Forex ngày một nhiều với những lời cam kết thu nhập, lợi nhuận "khủng". Vậy đằng sau những lời mời chào này thực chất là gì?
Các cuộc gọi, tin nhắn mời chào tham gia thị trường Forex ngày một nhiều với những lời cam kết thu nhập, lợi nhuận "khủng". Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không có kinh nghiệm đã không ngần ngại đổ tiền vào kênh đầu tư này để rồi nhận về "trái đắng".
Vậy đằng sau những lời mời chào này thực chất là gì, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Capital, người có hơn 15 năm làm việc ở vị trí giám đốc ngoại hối của các ngân hàng lớn để hiểu rõ bản chất của các "sàn" giao dịch này.
Thời gian gần đây, các "sàn" giao dịch Forex (FX Trading) hoạt động ra ngày một rầm rộ với những lời mời chào tỷ suất hấp dẫn và dễ dàng. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về loại hình đầu tư này. Vậy, bản chất của sản phẩm đầu tư này là thế nào, thưa ông?
Loại hình này tên đầy đủ phải là Long hay Short một hợp đồng CFD dựa trên biến động giá ngoại hối. Góc nhìn của chúng tôi về FX trading là nghiệp vụ của ngân hàng, có mua bán ngoại hối thực sự, chuyển tiền thật, có chứng từ. Nghiệp vụ này hoàn toàn khác với FX trading "thời thượng" bây giờ bởi thực chất các giao dịch đó là CFD (Contract For Difference - hợp đồng chênh lệch giá).
Thêm nữa, CFD được các Nhà Phát hành ( Issuer) mua, bán thông qua các phần mềm giao dịch điện tử ( Digital Broker Platform) chứ không phải là Sàn, nơi kết nối giữa người bán với người mua và Chênh lệch giá mua bán ( Bid Ask Spread) sẽ do Issuer tăng giảm dựa trên giá của tài sản cơ sở để đảm bảo lợi nhuận cho họ chứ không phải là giá của tài sản cơ sở thực tế.
CFD có sức "mê hoặc" đối với giới trẻ cũng như nhiều nhà đầu tư, chính vì vậy ở Mỹ, Ủy ban chứng khoán của Mỹ (SEC) cấm giao dịch CFD. Hiện tại chỉ có một số quốc gia như đảo Síp, Anh, Úc là rất phát triển về sản phẩm này. CFD bản chất là một dịch vụ OTC - giao dịch giữa người mua và người bán, không phải là một sản phẩm tiêu chuẩn giao dịch qua sàn. Một điểm nữa, CFD chỉ nhằm vào chênh lệch giá – tương ứng vài %/ ngày nên có hệ số đòn bẩy cao, với 1 đồng có thể đánh lên vài trăm lần tuỳ theo quy định của nhà phát hành. Dù rủi ro cao nhưng nhà đầu tư thường được ít nghe đến nội dung này mà chỉ được nghe về chiều ngược lại về lợi nhuận.
Điều khiến các nhà đầu tư "lóa mắt" trước những lời mời chào chơi CFD là "bằng chứng" về lợi nhuận khủng. Là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông đánh giá mức rủi ro của kênh đầu tư này như thế nào?
CFD có rủi ro, và chỉ nên dành cho dân chuyên nghiệp dùng để hedging (phòng ngừa rủi ro) cho tài sản cơ sở. Nếu đơn thuần là trading CFD, kể cả những người trong ngành chuyên nghiệp ở ngân hàng vẫn có nhiều lúc thua lỗ. Mô hình CFD hiện tại ở Việt Nam đang có hơi hướng đa cấp.
Hoạt động của các "sàn" này ngay từ đầu tôi đã thấy khá ngược với xu hướng "đầu tư bền vững", do đó tôi đã đưa ra những cảnh báo rõ ràng. Mọi người phải hiểu đúng bản chất khi tham gia, tham gia đầu tư sẽ có lúc lời lúc lỗ nhưng cần cảnh giác khi khoản lợi nhuận đang được tô vẽ quá nhiều với những hình ảnh, lời mời chào dễ nghe như "bắn tín hiệu"", không phải làm gì nhưng vẫn có rất nhiều tiền" trong khi phần lỗ thì không ai nhắc tới. Tư vấn đầu tư tài chính chuyên nghiệp phải nhìn vào được yếu tố khẩu vị rủi ro. Thông thường khi tư vấn cho khách hàng thì chúng tôi phải xây dựng Hồ Sơ Rủi Ro Khách Hàng - Risk Control Profile, tức là khả năng hiểu, chịu đựng rủi ro của khách hàng để đảm bảo tài chính của khách hàng vẫn kiểm soát khi rủi ro xảy ra. Tuy nhiên các quảng cáo CFD hiện tại thì các dòng chữ cảnh báo rất bé và khó nhìn và không được đề cập trong câu chuyện của các nhà môi giới.
Phần lớn do quảng cáo sai sự thật, thiếu sự thật nên nhà đầu tư có tâm lý đầu tư một số tiền không nhiều nhưng lại có khả năng nhân 2-3 lần tài khoản, đây là tâm lý mà đội broker nắm được. Do đó cần phải xem lại sản phẩm này có được phép quảng cáo hay không, tại sao vẫn được phép quảng cáo, vấn đề quảng cáo sai sự thật này có sai phạm gì về mặt pháp lý hay không?
Ở nước ngoài, các issuer phải làm đúng theo pháp luật nước sở tại, nhưng ở Việt Nam ko có ai quản lý. Do đó thường xảy ra tình trạng, nếu người chơi thắng quá nhiều, chủ sàn lại "mất tích".
Việc quảng cáo rầm rộ FX, CFD vừa bùng phát lại sau một thời gian khá yên ắng. Theo ông điều gì đã khiến loại hình này ngày càng nở rộ?
Thời điểm này là thời điểm ở thế giới biến động tiền tệ rất cao và không phải năm nào cũng thế này. Năm nay xuất hiện Covid-19, việc cách ly khiến công ăn việc làm chính bị đình trệ lại. Ví dụ trong thời điểm này nếu phải lựa chọn giữa việc khởi nghiệp với số vốn thấp 10 triệu, bạn sẽ kinh doanh hay đầu tư tài chính với những kết quả hào nhoáng? Nếu không hiểu kĩ thì nhiều bạn trẻ sẽ tham gia đầu tư tài chính. Do đó thị trường chứng khoán ở Mỹ hay ở Việt Nam rất phát triển trong những năm như thế này khi thị trường hàng hóa và thị trường thương mại bị co hẹp lại. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua, những nhà đầu tư thành công nhất là các nhà đầu tư mới (F0). Nhưng đối với nhiều nhà đầu tư chưa có kiến thức về chứng khoán, sẽ cảm thấy FX dễ dàng, đơn giản và thuận tiện hơn.
Ở Việt Nam có nhiều công cụ đầu tư hợp pháp. Vấn đề chính là nhà đầu tư thiếu một nguồn thông tin chính thống, độc lập đánh giá tất cả các kênh đầu tư trên thị trường để họ có cơ sở tin tưởng. Cùng với đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường ham chạy theo lợi nhuận và dễ bị đánh trúng tâm lý "làm ít mất ít thời gian và có lời lớn". Chính vì vậy, chúng tôi đã cùng xây dựng một Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA) nhằm cung cấp một góc nhìn độc lập về các sản phẩm tài chính, các tài sản tài chính trên thị trường và hiện tại Cộng đồng đã có hơn 12.500 người theo dõi.
CFD là hình thức đầu tư mới nhưng hành lang pháp lý của Việt Nam vẫn chưa đủ để quản lý và rủi ro người tham gia tự gánh chịu, ông có đề xuất gì để hạn chế tình trạng này?
Tất cả chính sách quản lý ngoại hối của nhà nước đều dẫn đến việc chống đô la hóa, chống vàng hóa, không đầu cơ ngoại hối và tập trung các nguồn lực vào sản xuất kinh doanh và tôi cũng cùng quan điểm. Ngoài ra ở các thị trường tự do, CFD dùng để hedging thị trường cơ sở, vậy nên ở Việt Nam tôi không ủng hộ sản phẩm này do chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh.
Tuy nhiên thực tế thì trên thị trường vẫn tràn lan quảng cáo về sản phẩm này và phần lớn quảng cáo như tôi phân tích đều chỉ hướng người tiêu dùng một chiều đến lợi nhuận nên cần xem lại hoạt động quảng cáo. Thực tế là các hội thảo về tiền ảo hoặc quảng cáo FX trading vẫn tràn lan, không có sự kiểm soát chặt chẽ.
Tôi cho rằng liên quan đến các nghiệp vụ này, Bộ Công Thương nên là đầu mối bởi đây là nghiệp vụ mua bán và thực tế thì Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương mới đây đã cảnh báo về rủi ro khi tham gia sàn đầu tư tài chính theo mô hình đa cấp. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định 40/2018/NĐ-CP), mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), theo đó các sàn đầu tư tài chính trên đều không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng Thương Mại cổ phần sẽ phối hợp vì các giao dịch chuyển tiền đều thực hiện qua các giao dịch thẻ tín dụng và các ví điện tử.
Quan điểm của tôi là phải có sự phối hợp giữa các bên để quản lý loại hình này, trong đó việc quảng cáo sai sự thật cũng thuộc về trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương. Còn Ngân hàng Nhà nước có thể phối hợp để cung cấp thông tin về dòng tiền ra vào trong ngoài nước.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận