24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Học
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“M&A phải giữ vai trò tái cấu trúc, tạo chuỗi”

PGS, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã chia sẻ góc nhìn về sự vươn mình của khối doanh nghiệp tư nhân, gắn với các hoạt động M&A.

Quan sát diễn biến thị trường M&A thời gian qua, ông đánh giá thế nào về vai trò của các doanh nghiệp trong nước trong các thương vụ?

Vài năm qua, các doanh nghiệp trong nước đã dần quen với khái niệm về mua bán, sáp nhập. Lâu nay, đây vẫn là thị trường mà khối ngoại chủ yếu đóng vai trò mua khối nội, thậm chí, từng có nhiều ý kiến lo ngại khi một số doanh nghiệp có thương hiệu thuộc loại tài sản quốc gia rơi vào tay khối ngoại.

Tuy nhiên, xu hướng dần tích cực hơn khi thị trường M&A Việt Nam có sự gia tăng mạnh các doanh nghiệp Việt Nam tham gia quá trình này với vai trò bên mua, thậm chí cả với các thương vụ ở nước ngoài. Đây là dấu hiệu đáng mừng, rất quan trọng với Việt Nam, bởi thông qua M&A sẽ tạo ra những thực thể kinh tế mạnh hơn, cạnh tranh hơn khiến nền kinh tế chung mạnh lên.

Tức là các doanh nghiệp nội đang đi đúng hướng?

“M&A phải giữ vai trò tái cấu trúc, tạo chuỗi”
PGS, TS. Trần Đình Thiên.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, nhưng lâu nay nội lực chưa thể hiện được tầm vóc của mình.

Do đó, tôi cho rằng, việc các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào thị trường M&A với vai trò bên mua, thể hiện ở mức 11,8% giá trị thương vụ trên thị trường M&A tại Việt Nam năm 2018, lên mức trên 30% giá trị mua các thương vụ trong giai đoạn 2019 - 2020 là rất đáng mừng.

Điều này cho thấy sự mạnh dạn, tích cực của các doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân. Tôi nghĩ, cần nhìn nhận đây là tinh thần làm để củng cố năng lực, nội lực của khối doanh nghiệp trong nước.

M&A là cách để những doanh nghiệp yếu, không có nhu cầu trụ lại thì bán đi, để làm cái khác; doanh nghiệp cần thì mua để phát triển, gia tăng sức mạnh. M&A là giải pháp tạo nên các đột biến.

Vậy với M&A, theo ông, các doanh nghiệp nên tiếp cận theo hướng nào?

Các doanh nghiệp Việt Nam phải coi M&A như giải pháp để tự mình lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, tự mình đứng vững. Đây là lợi ích của chính họ và M&A không phải chỉ là thu gom tài sản, mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết.

Còn nếu muốn cộng thêm, nhận lãnh thêm vai trò quốc gia như những tập đoàn Hàn Quốc trước đây thì với các thương vụ M&A cần có sự tích cực hơn nữa. M&A, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ có xu hướng lớn nhanh hơn, tập trung sức mạnh tốt hơn.

Giai đoạn tới sẽ có sự bùng nổ từ phía doanh nghiệp nội, dọn dẹp, cấu trúc lại doanh nghiệp theo phương thức M&A. Mừng là xu hướng đảo chiều trong M&A của khối nội cho thấy đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ theo hướng này.

Ý ông là doanh nghiệp cần dùng M&A như công cụ để tái cấu trúc và tạo chuỗi?

Đúng vậy, vì làm chuỗi thì hiệu quả tăng lên nhiều. Chỉ làm chuỗi, Việt Nam mới vươn lên thành cường quốc thực sự, chứ bán mỗi thứ một ít, một tý thì đừng nghĩ đến chuyện cường quốc.

Cấu trúc chuỗi mà tốt thì mới mạnh được. Từ M&A đến chuỗi và tạo ra sức mạnh cho các tập đoàn, góp phần làm tăng nội lực cho doanh nghiệp trong nước. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam rất khó kết chuỗi, phần vì họ ưu tiên các doanh nghiệp trong hệ sinh thái có sẵn của họ, phần khác vì doanh nghiệp của chúng ta còn yếu.

Vậy theo ông, doanh nghiệp nội và thị trường M&A đang cần gì để phát triển theo hướng tạo lập các chuỗi giá trị trong sản xuất - kinh doanh?

Chúng ta cần thảo luận xem cần có giải pháp thúc đẩy thế nào, đặc biệt là các giải pháp chính sách, quá trình mua bán cần hỗ trợ ra sao…?

Cần phân tích nguyên nhân tại sao chúng ta chậm trong quá trình này nhưng gần đây M&A nội khối lại trỗi dậy mạnh mẽ như vậy. Từ đó, soi chiếu lại để nhìn ra trở ngại làm cản trở sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp nội thông qua hoạt động này.

Tôi thấy vấn đề hiện nay là cấu trúc doanh nghiệp bản địa chúng ta còn yếu quá. Số doanh nghiệp lớn quá ít. Lực lượng doanh nghiệp tư nhân còn mỏng manh, phân tán và chưa được hỗ trợ như là những trụ cột để tạo ra chiến lược phát triển đất nước, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước lại không tham gia vào các thương vụ M&A nhiều và đang suy yếu.

Thực tế là khi không có doanh nghiệp lớn thì hoạt động M&A cũng diễn ra chậm, vì phải đủ lực mới mua được dự án, doanh nghiệp hay tài sản.

Như vậy là theo ý ông, vai trò của kinh tế tư nhân sẽ ngày càng trở nên quan trọng, kể cả trong hoạt động M&A?

Sự hiện diện của doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn lớn có ý nghĩa cực kỳ then chốt đối với nền kinh tế. Muốn thay đổi lớn về hệ thống công nghệ thì phải có doanh nghiệp lớn.

Do đó, cả với doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải nhìn nhận như một định hướng quốc gia, đúng tầm, đúng thời đại với sự hỗ trợ của doanh nghiệp mạnh trong nước.

Bởi nếu là của doanh nghiệp ngoại thì kết quả lại thuộc về nước ngoài. Chỉ khi doanh nghiệp nội làm được mới là thành tựu của Việt Nam.

Dường như ông có không ít băn khoăn về câu chuyện khởi nghiệp?

Khởi nghiệp ở ta còn chậm, vẫn dựa vào thiết chế tổ chức, thiếu thực lực tài chính, mà thiếu thực lực tài chính thì cơ chế ràng buộc, khuyến khích còn yếu. Đứng về mặt xã hội, ràng buộc tài chính chính là để tạo áp lực và là một hình thức khuyến khích.

Bài học từ Trung Quốc cho thấy rõ điều đó. Doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup) của Trung Quốc trong mấy năm qua chiếm đến 30% nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp “kỳ lân” của thế giới, vì họ có cả chương trình quốc gia.

Nếu để các Startup tự bơi thì chưa chắc họ đã làm được điều này, nhưng vì các tập đoàn lớn của họ đẩy quá trình này mạnh lên và vận động như một chương trình quốc gia, nên số doanh nghiệp “kỳ lân” tăng vọt.

Chúng ta có thể học hỏi qua việc tập trung sức mạnh, khuếch trương nền tảng dân tộc, coi doanh nghiệp như tài sản quốc gia để thúc đẩy khởi nghiệp.

Ngoài ra, M&A nên định hướng theo khởi nghiệp, mua lại các công ty khởi nghiệp vì hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp còn nhỏ và chưa có nhiều tiềm lực.

Covid-19 có mang đến bài học gì cho M&A không, thưa ông?

Covid-19 đã cho thấy một điều khá rõ rằng, nền kinh tế chúng ta vẫn theo cấu trúc cũ. Trong khi nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc đã phải trải qua một năm 2020 nhiều đau thương, liểng xiểng vì dịch bệnh, thì dự báo năm nay họ sẽ tăng trưởng mạnh.

Nguyên nhân là bởi họ chuyển đổi số mạnh mẽ, cấu trúc kinh tế mới, trong đó, công nghệ chính là chìa khóa đảm bảo phát triển, tăng trưởng trong tương lai.

Kinh tế số là dài hạn, là nền kinh tế của tương lai, do đó, với khối doanh nghiệp tư nhân càng cần tiếp cận theo hướng này. Những ý tưởng như của Vingroup khi chuyển đổi sang công nghệ cao là rất tuyệt vời; TH True Milk hay Viettel cũng vậy, đây sẽ là những doanh nghiệp có bước nhảy lớn trong tương lai, tạo thực lực và bứt phá.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả