M&A mùa dịch: Nén lại để bùng nổ
Không ít doanh nghiệp xem mua bán và sáp nhập (M&A) trong đại dịch COVID-19 là cơ hội để thâu tóm, loại trừ đối thủ, tăng tốc đầu tư mới.
Nhưng với một số bên, đây cũng là mối nguy bị biến mất không dấu vết, bán mình giá rẻ, hoặc đánh mất các điều kiện để được M&A…
Cơ hội mở rộng hệ sinh thái
Hai trạng thái trái ngược khiến thị trường M&A như "tảng băng ngầm" mà bên dưới, sự sôi động vẫn diễn ra bất chấp dịch bệnh tại Việt Nam.
Nếu không phải trong đại dịch và trong bối cảnh thị trường hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe tiếp tục là khu vực có sức mua, người dân chịu khó chi tiêu nhiều nhất, thì các thương vụ M&A Bột giặt NET và mở rộng từ thịt heo sang mảng gia cầm của 2 công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan, sẽ không gây nhiều chú ý đến vậy.
Bột giặt NET về tay Masan HPC – công ty thành viên do Masan sở hữu 100% vốn, với cái giá chi trả khoảng 557 tỷ đồng, tương đương 52% cổ phần và định giá Net khoảng 46 triệu USD. Thương vụ này nối đuôi Masan Consumer mua lại hệ thống siêu thị Vinmart, mới chỉ là một số các thương vụ đã thực hiện và sẽ thực hiện để Masan hoàn thiện hệ sinh thái lớn của mình và tích hợp ngày càng nhiều sản phẩm, khai thác lợi thế hệ sinh thái, rộng lớn đang có. Đầu tư gia cầm với việc rót 613 tỷ đồng vào 3F để sở hữu 51% tại công ty chuyên thịt gia cầm của Masan MeatLife, một thành viên khác của Masan, khá tương tự.
Cũng để hoàn thiện hệ sinh thái nhưng theo chuỗi quốc tế hóa, VinFast sau khi khi mua toàn hệ thống GM Việt Nam, đã tiến tới thành lập VinFast Engineering Australia, đặt trụ sở tại TP. Melbourne và tuyển dụng một loạt nhà quản lý tại đây như ông Shaun Calvert - từng là Phó chủ tịch sản xuất và kỹ thuật toàn cầu của GM từ năm 2001 đến 2017. Nhiều nhân sự cấp cao từng có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cho Holden và General Motors cũng đã về đầu quân cho VinFast. Điều này được xem như sự chuẩn bị mở đường cho M&A mà một thương vụ tầm ngắm chính là Holden và GM Úc. Truyền thông địa phương giữa đại dịch, cho hay, VinFast có thể đã chi 20 triệu USD để sở hữu Lang Lang là trung tâm thử nghiệm xe quy mô lớn của Holden, trên quan điểm Australia là thị trường ô tô phát triển với các nhà cung cấp sẵn có và có trình độ chuyên môn cao mà VinFast muốn khai thác.
Dĩ nhiên trong bối cảnh nhiều hãng ô tô đã phải thu hẹp hoạt động, nhiều nhà sản xuất phải phá sản, nếu VinFast thực hiện M&A ở thị trường quốc tế, đây chính là thời điểm quan trọng, giá tài sản có thể sẽ rẻ hơn và uy thế thương vụ lại giá trị hơn cho bàn đạp tiến vào thị trường ô tô toàn cầu, điều mà VinFast ấp ủ.
Báo cáo mới nhất của Euromonitor đã tính toán chỉ số đầu tư của 50 quốc gia với hơn 150 lĩnh vực trên thế giới. Con số này phản ánh mức kỳ vọng đầu tư, hoạt động và độ hấp dẫn của thị trường. Theo đó, báo cáo này thể hiện Việt Nam là thị trường M&A hấp dẫn, năng động và tiềm năng với điểm số cao chỉ thứ 2 sau Mỹ. Thậm chí, Euromonitor còndự báo Việt Nam sẽ giữ vị trí thứ hai trong top 20 quốc gia có chỉ số đầu tư M&A cao nhất năm 2021, vượt qua Trung Quốc, Indonesia và chỉ xếp sau Mỹ.
Trong khi động lực ra đời của các thương vụ M&A tại Việt Nam đến từ việc các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Trung Quốc để tránh những rủi ro đến từ thương chiến Mỹ - Trung. Các điểm đến đáng chú ý của các công ty này như Việt Nam, Indonesia, Tây Ban Nha và Phần Lan. Về phía Mỹ, cần nhớ rằng năm 2020, cùng với làn sóng bán tháo do đại dịch COVID-19 tác động, cuộc thương chiến Mỹ - Trung ở phía các quyết sách chĩa vào khu vực, lĩnh vực công nghệ, cũng khiến các thương vụ M&A trị giá "khủng bố" với các thương hiệu có tầm ảnh hưởng toàn cầu được đặt lên bàn.
Đứt gãy, nén M&A
Không phải ai cũng có nhiều tiền, làm liền ăn lớn được như Masan hay VinFast ở Việt Nam, hay những ông lớn công nghệ mà số lượng đếm được trên 5 đầu ngón tay đang thực hiện những thương vụ cũng có ý nghĩa lịch sử.
Đã có thời M&A khách sạn là mảng sôi động của Việt Nam và hút vốn đầu tư từ Singapore, Hàn Quốc mạnh mé. COVID-19 khiến nhiều tài sản nằm chờ M&A nhưng tỷ lệ bất thành cao (ảnh: một khách sạn rao bán gần 500 tỷ đồng ở Hà Nội)
Và có một sự thật rằng sự thận trọng của nhiều đối tác bên mua cũng đã bị sự khốc liệt của đại dịch COVID-19 càn quét, khiến không ít thương vụ dở dang. Phó Tổng giám đốc một công ty kiểm toán chuyên mảng tư vấn định giá M&A cho biết, ở Việt Nam hầu hết các nhà đầu tư đã và đang rất thận trọng với việc mua lớn, đầu tư M&A. Chỉ ở những lĩnh vực mà sức tác động của đại dịch không thổi tới hoặc rủi ro thấp, nhà đầu tư vẫn nhìn thấy rõ triển vọng khi kinh tế phục hồi, mà “chắc ăn” là khu vực hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe – thì M&A mới còn mạnh tay.
Ông này cũng tiết lộ rất nhiều thương vụ đang trong quá trình đàm phán và có thể kết thúc ở năm nay, nhưng do COVID-19, các bên đều trì hoãn.
Tuy nhiên, nhiều cơ hội cũng đã và đang đến với sự tái định vị thị trường, đặc biệt là cơ hội lớn cho Việt Nam từ các Hiệp định đối tác thương mại song phương và đa phương, khiến Việt Nam được nhìn nhận hấp dẫn hơn. Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn nhận định việc Ngân hàng Tái Kiến thiết Đức qua quỹ DEG, chi lớn để mua cổ phiếu giá cao và trái phiếu chuyển đổi của HDBank với tư cách đối tác chiến lược, cho thấy các nhà đầu tư tài chính Châu Âu cũng đã và đang tìm kiếm lối đi mới trên thị trường 100 triệu dân. Trước đây, một số ngân hàng Châu Âu đã vào tổ chức tín dụng Việt nam như BNP Paribas, Standard Chartered Bank, HSBC và sau đó rời đi hoặc lập Chi nhánh 100% vốn ngoại tại địa phương, nay sự tái xuất hiện của Ngân hàng Đức – cửa ngỏ vào thị trường Châu Âu ở Việt Nam, đã bật tín hiệu xanh về một triển vọng hoặc làn sóng M&A mới trong lĩnh vực tài chính, kéo theo là cơ hội bắt tay của các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.
Chính sách lãi suất thấp đang được duy trì tại các NHTW các nước cũng như ở Việt Nam, theo giới chuyên gia, cũng là một điều kiện để có thể tăng thêm “phần thưởng” cho các nhà đầu tư còn tài lực có thể mượn vốn giá rẻ để thực thi mua cổ phần, mua tài sản, M&A. Bên cạnh đó, tương tự như thị trường Mỹ, Việt Nam cũng có sự sôi động tầm cấp thấp hơn. Và nó có thể xảy ra ở bên ngoài thị trường Việt Nam, như trường hợp Gojek và Grab - để rồi lan hiệu ứng đến nội địa.
Vì vậy, các chuyên gia nhìn nhận 2020, thị trường M&A cơ bản vẫn khó sụt giảm về giá trị. Điều này phù hợp với bối cảnh kinh tế còn khá phức tạp trong đại dịch. Việc giảm số lượng các thương vụ thành công, nếu diễn ra, sẽ tạo độ nén cần thiết cho hoạt động M&A bùng nổ trở lại, cùng sự phục hồi chung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận