M&A giúp nhà đầu tư "ngoại" sở hữu doanh nghiệp quy mô lớn của Việt Nam
Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) đã giúp nhiều nhà đầu tư nước ngoài sở hữu được doanh nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam khi Nhà nước thực hiện cổ phần hóa thoái vốn.
Chiều ngày 6/8, tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho hay như vậy.
Đây là những tín hiệu tích cực để tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua hoạt động M&A.
* Tạo cơ chế bứt phá
Các đại biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn của Chính phủ, cùng với những chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn công khai, minh bạch đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn cho thị trường M&A; đồng thời, mở rộng cơ hội cho nhà đầu tư mua lại cổ phần tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ đang xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển. Điển hình là việc kinh tế tư được tạo điều kiện tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua góp vốn, mua cổ phần, liên kết theo chuỗi giá trị.
Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước phát triển, Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP)…
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng bộ, ngành, địa phương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu qủa thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.
Ngoài việc đưa ra định hướng chiến lược mới theo hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng… Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho hay, chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới là đa dạng hóa hình thức M&A. Hiện nay, nhiều yếu tố tích cực đang thúc đẩy tạo nên một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với nhiều cơ hội bứt phá.
Trong 10 năm qua, hoạt động M&A đạt tổng giá trị thương vụ khoảng 55 tỷ USD. Số thương vụ thành công ngày càng nhiều với giá trị cao cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam. Các Hiệp định Thương mại tự do như Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… cũng tạo điều kiện mở rộng thị trường, thúc đẩy dòng vốn đầu tư và tăng trưởng hoạt động M&A.
Dân số Việt Nam hiện ở mức trên 96 triệu người và sẽ sớm đạt mốc 100 triệu người trong thời gian tới. Với tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, Việt Nam tiếp tục được nhà đầu tư đánh giá là một thị trường hấp dẫn. Vì vậy, thương vụ M&A trong giai đoạn 2018 - 2019 tiếp tục thực hiện mục tiêu tiếp cận và mở rộng thị trường.
Cụ thể, thị trường M&A năm 2019 được các chuyên gia dự báo sẽ đạt gần 7,6 tỷ USD. Song song đó, thị trường M&A Việt Nam được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại, tập trung vào 4 quốc gia là Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cơ hội nhiều nhưng thách thức, khó khăn cũng không ít. Nhằm thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam, hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư M&A cần được hoàn thiện và tháo dỡ rào cản về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trưng Ương (CIEM), cần để khi nhà đầu tư lựa chọn M&A vì đây là kênh tiềm năng, chứ không phải để giảm chi phí giao dịch và gánh nặng thủ tục hành chính. Bởi vậy, cơ chế chính sách, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… cần tạo ra một số công cụ và cơ hội mới cho nhà đầu tư với môi trường thông thoáng.
* Nhận diện lĩnh vực tiềm năng
Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Năm 2019 và thời gian tới, thương vụ M&A dự báo tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động này tại Việt Nam; đồng thời, có thể đón nhận thương vụ quy mô hơn, nhất là thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Lý giải nguyên nhân ngành bán lẻ tiếp tục là mục tiêu của nhà đầu tư, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng, với một thị trường dân số đông, dân số trẻ, hoạt động M&A trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tại Việt Nam rất được quan tâm. Thương vụ M&A có thể diễn ra với hình thức chuyển nhượng công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa.
Tương tự, M&A bất động sản tại thị trường Việt Nam cũng được một số chuyên gia đánh giá đang có tiềm năng thu hút cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định và lãi suất cao. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, thoả thuận hợp tác song phương và đa phương có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hoá cao là các yếu tố thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn nhất khu vực trong lĩnh vực này.
Theo ông Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VSBS), ở lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính có nhiều cơ hội, khi xu hướng tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng... vốn còn nhiều tiềm năng đối với Việt Nam đang được nhà đầu tư quan tâm. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn cơ hội khi một số ngân hàng vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược.
Riêng cơ sở hạ tầng, năng lượng là lĩnh vực được dụ báo sẽ xuất hiện thương vụ lớn nhất là trong bối cảnh Việt Nam có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng. Một trong những cách huy động vốn đang được nghiên cứu là chuyển nhượng quyền khai thác một số cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sân bay, cảng biển…
Cơ hội trong ngành viễn thông được kỳ vọng là Viettel tiếp tục với vai trò người đi mua và phát triển thị trường viễn thông tại các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, chủ trương tái cấu trúc VNPT và cổ phần hóa MobiFone cũng sẽ là cơ hội mà các nhà đầu tư đã trông chờ từ lâu.
Thời gian qua, đầu tư nước ngoài vào ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam rất phát triển. Nghị định số 86/2018/NĐ-CP năm 2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã mở ra cơ hội rất lớn. Trong lĩnh vực công nghệ, không chỉ có sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, mà doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái cũng bắt đầu có những bước đột phá và nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư trong nước lẫn khu vực.
Những năm qua, một số thương vụ trong ngành dược phẩm, chăm sóc sức khỏe đã được thực hiện, tuy nhiên cơ hội vẫn còn nhiều cho những mục tiêu M&A. Điều này càng được khẳng định rõ, khi những công ty chuyên về phân phối điện máy như Thế giới di động, FPT Retail, Digiworld… đã có tín hiệu chuyển hướng sang phân phối dược phẩm thông qua việc mua lại những chuỗi cửa hàng dược phẩm.
Cùng với đó, một số công ty dược quy mô lớn như Dược Hậu Giang, Domesco, Traphaco… đã và đang trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại. Còn nhiều bệnh viện tư nhân cũng sẽ là mục tiêu đầu tư tốt bởi nhu cầu khám chữa bệnh của gần 100 triệu dân đã và đang trở nên quá tải./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận