M&A đón đầu cơ hội phục hồi kinh tế?
Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đáng chú ý vẫn diễn ra theo kế hoạch, đón chờ cơ hội phục hồi sau đại dịch.
Tờ Ked Global loan tin Masan Group - tập đoàn kinh doanh đa ngành hàng đầu Việt Nam từ thực phẩm, hàng tiêu dùng đến dịch vụ tài chính - sẽ huy động 200 triệu USD từ quỹ cổ phần tư nhân Hàn Quốc Korea Investment Private Equity. Thương vụ này sẽ đưa quỹ đầu tư tư nhân của Hàn Quốc trở thành một trong các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Masan, bên cạnh quỹ hưu trí National Pension Service (NPS) từ chính phủ Hàn Quốc, SK Group và IMM Investment Corp.
Tập đoàn bất động sản Savills (Anh) cũng chính thức công bố về thương vụ mua lại 30% cổ phần của Công ty bất động sản RealPlus. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất vào hè 2021 khi liên doanh giữa RealPlus với Savills chính thức ra mắt. Liên doanh giữa Savills và RealPlus có sự bổ sung các thế mạnh của nhau. Trong khi Savills có thế mạnh về truyền thông thì RealPlus lại có nhiều ưu thế về công nghệ. RealPlus cũng sẽ có một khoản tiền đầu tư nâng cấp quy mô hoạt động từ việc bán cổ phần này, nhằm chuẩn bị cho bước nhảy vọt sau đại dịch.
Đặc biệt, mảng công nghệ với nhiều doanh nghiệp mới tiềm năng càng khiến thị trường M&A thêm phần sôi động. Chẳng hạn Kamereo - nhà phân phối B2B ứng dụng công nghệ cho các nhà hàng đã huy động được 4,6 triệu USD từ Quest Ventures, Genesia Ventures và các tổ chức khác. Hay Mekong Capital công bố quỹ Mekong Enterprise Fund IV đã hoàn tất khoản đầu tư 10,2 triệu USD vào bất động sản công nghệ Rever; Hãng giao nhận đồ ăn Loship gọi được 12 triệu USD từ các nhà đầu tư BAce Capital và Sun Hung Kai & Co; Tập đoàn viễn thông Đài Loan Taiwan Mobile đầu tư 20 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Tiki...
Trong lĩnh vực tài chính, SHB bất ngờ bán lại cổ phần tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri (Thái Lan). Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi. SHB dự kiến chuyển nhượng ngay 50% vốn SHB Finance cho Krungsri và chuyển nhượng tiếp 50% còn lại sau 3 năm. Trên báo cáo nộp trên thị trường chứng khoán, Krungsri cho biết, thương vụ mua lần này trị giá khoảng 157,75 triệu USD. Việc thâu tóm SHB Finance sẽ cho phép Krungsri nắm bắt được xu thế tăng trưởng bên ngoài Thái Lan.
Có thể thấy mặc dù thị trường chứng khoán đã suy giảm phần nào sau khi đạt mức kỷ lục hơn 1.400 điểm đầu năm nay, nhưng thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp vẫn đang duy trì được ở mức giá cao. Nhờ đó, việc bán cổ phiếu quỹ hay chuyển nhượng, hoặc phát hành thêm cổ phiếu vào thời điểm hiện nay là lựa chọn phù hợp để các doanh nghiệp nhận được nguồn lực đáng kể, từ đó tiếp tục theo đuổi kế hoạch kinh doanh và đầu tư trong giai đoạn sắp tới.
Bên cạnh đó theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 cũng là một đợt “sát hạch sức khỏe” của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tốt cũng là cơ hội để các nhà đầu tư có tiềm lực nhảy vào thâu tóm, tái cơ cấu và hưởng lợi sau khi tăng trưởng quay trở lại. Hiện các doanh nghiệp công nghệ vẫn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ trong đại dịch. Tuy nhiên sau đại dịch, các lĩnh vực tiềm năng có thể kể đến là: khách sạn, resort, các dự án nhà ở, giao thông vận tải, chuỗi nhà hàng, bán lẻ, hàng không…
Nhìn chung toàn cảnh bức tranh kinh tế cả năm 2021 được dự báo vẫn còn những điểm sáng nhất định. Mặc dù đợt bùng phát dịch Covid lần thứ 4 ảnh hưởng lớn đến Việt Nam hơn 3 đợt bùng phát trước, nhưng các định chế tài chính trong nước và quốc tế tiếp tục có cái nhìn tích cực khi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong khoảng 4% - 5%, cải thiện hơn so với mức tăng 2,9% của năm 2020. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến hoạt động M&A sôi động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận