menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Như Hoa

M&A công ty tài chính và làn sóng thứ 2: Vì sao ngân hàng Việt buông tay?

Được đánh giá nhiều tiềm năng và hấp dẫn là vậy, nhưng nhiều ngân hàng vẫn lần lượt bán đi…

Làn sóng M&A thứ 2 trong lịch sử hệ thống các công ty tài chính Việt Nam đã và đang nối dài. Được đánh giá nhiều tiềm năng, các tỷ suất hiệu quả, sinh lời ở một số thành viên thậm chí còn hơn nhiều ngân hàng thương mại (NHTM), nhưng vì sao vẫn lần lượt bị bán đi?

Khi BizLIVE tham vấn về chủ đề này, một chuyên gia tài chính khuyến nghị: “Hãy nhìn lại hiện tượng chính sách vào năm 2014”.

“Những cuộc hôn nhân” chóng vánh

Với định hướng tách biệt và hạn chế rủi ro đối với ngân hàng khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng phi tiêu chuẩn, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến dự thảo Thông tư về hoạt động tín dụng tiêu dùng.

Điểm then chốt trong đó là quy định các NHTM thực hiện cho vay tiêu dùng theo 3 hình thức cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng phải qua công ty tài chính…

Đây được cho là nguyên nhân quan trọng, tạo cú hích bùng nổ làn sóng M&A đầu tiên, các ngân hàng thâu tóm công ty tài chính tiêu dùng trong giai đoạn 2014 -2018. Nó như một phản ứng, đón đầu cơ chế chính sách, chủ động lót đường cho 3 hình thức cho vay nói trên. Một số NHTM lớn khi đó cũng trình ĐHĐCĐ kế hoạch thành lập công ty tài chính trong sự chuẩn bị này.

Đó cũng là giai đoạn tái cơ cấu hệ thống công ty tài chính đặt ra. Câu chuyện của dự thảo thông tư nói trên, cùng làn sóng M&A đầu tiên đó “vô tình” thúc đẩy một cuộc tái cơ cấu nhanh chóng cấu phần các tổ chức tín dụng này.

Với thị trường, chính sự nhập cuộc mạnh mẽ của các nhà băng đã góp phần thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng trong nước ngày càng sôi động. Các công ty tài chính tiêu dùng được ví như những “gà để trứng vàng” cho các ngân hàng mẹ, được đánh giá như “mảnh đất màu mỡ” vẫn còn nhiều dư địa để khai thác với dân số trẻ và thu nhập bình quân ngày càng tăng.

Tuy nhiên, “những cuộc hôn nhân” trở nên chóng vánh, khi chỉ vài năm sau đó một loạt các thương vụ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ công ty tài chính lần lượt được tiến hành. Điểm đến chính sách với dự thảo nói trên đã không như dự kiến. Một số nhà băng cũng bỏ qua kế hoạch thành lập công ty tài chính liên quan.

Khẩu vị khác nhau

Trong một lần trả lời báo chí về thương vụ bán công ty tài chính, lãnh đạo Techcombank nói rằng chiến lược của họ không đặt trọng tâm ở cho vay tín chấp - phân khúc chính của tín dụng tiêu dùng qua các công ty tài chính.

Một số lãnh đạo ngân hàng khác cùng quan điểm/lựa chọn trên.

Sau dấu ấn hiện tượng chính sách 2014, hoạt động của các công ty tài chính có lõi trọng tâm tín dụng tiêu dùng sau đó có những điều tiếng trên thị trường. Một lĩnh vực mới, chủ yếu cho vay tín chấp, đối tượng khách hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay của các NHTM mà một số quan điểm vẫn xem là “cho vay dưới chuẩn”, nên các công ty tài chính áp những cách thức xử lý nợ có phần khác với thông thường.

Hoạt động đòi nợ của một số đầu mối nổi lên sau đó trong điều tiếng của dư luận. Dù từng bước điều chỉnh song cách thức, song hoạt động xử lý nợ ở đây vẫn gây quan ngại. Thêm nữa, phân khúc này có lãi suất cho vay rất cao so với thông thường, cũng là một bậc khẩu vị khác.

Vậy nên, tại một kỳ ĐHĐCĐ, trả lời chất vấn của cổ đông, lãnh đạo Vietcombank nói rằng họ không có khẩu vị ở phân khúc này, bởi cho vay tiêu dùng như một phần thực tế đã thể hiện có thể “làm méo mó thương hiệu” Vietcombank.

Tương tự, cũng tại một kỳ ĐHĐCĐ, đại diện lãnh đạo LienVietPostBank cũng từng trả lời cổ đông vì sao không lập công ty tài chính tiêu dùng, do quan ngại “vấn đề đạo đức”, khi cho vay ở đây buộc phải áp lãi suất quá cao để bù đắp rủi ro.

“Là một điều tốt”

Có những nguyên do khác nhau như vậy, từ cú hích chính sách và hoạch định lại chiến lược của mỗi ngân hàng, khác biệt khẩu vị…, làn sóng M&A thứ 2 đã và đang nối dài. Ngay cả VPBank, sở hữu công ty tài chính lớn nhất trên thị trường - FE Credit, cũng đã thực hiện bán bớt.

Nói về lựa chọn này, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank trả lời nhà đầu tư vừa qua rằng: “Quy mô là điểm chúng tôi ngắm tới. Không có tiềm lực về vốn thì không thực hiện được”.

Cụ thể, VPBank hiện mới chỉ đứng thứ 11 trên thị trường. Để bứt phá về quy mô, cần vốn chủ sở hữu lớn. Quyết định bán 49% cổ phần FE Credit mang về cho ngân hàng mẹ khoảng 30.000 tỷ đồng, tạo tiền đề sớm rút ngắn mục tiêu số 1 thị trường về quy mô vốn thời gian tới.

Tương tự, các giao dịch của Techcombank, HDBank, MB, hay tới đây là SHB quan bán công ty tài chính đều mang về nguồn thặng dư đáng kể, góp phần gia tăng vốn chủ sở hữu cho ngân hàng mẹ. Quy mô vốn cao hơn sẽ có điều kiện để nâng tổng tài sản cao hơn, mà tổng tài sản là tổng hòa các thị phần luôn phải cạnh tranh quyết liệt.

Ngoài ra còn có những nguyên do căn bản khác trong các quyết định buông tay ở đây.

Trao đổi với BizLIVE, TS.Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc các nhà băng bán một phần hoặc toàn bộ công ty tài chính tiêu dùng có thể xuất phát từ việc thay đổi chiến lược kinh doanh, trong đó có việc cơ cấu lại mô hình tổ chức, hoạt động.

Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng công ty tài chính tiêu dùng cũng nhằm tránh trùng lặp bởi bản thân các NHTM đó cũng đã và đang tập trung cho mảng cho vay tiêu dùng trong hoạt động cốt lõi của mình.

TS. Lực nhìn nhận, khi ngân hàng tìm được bên mua phù hợp với giá bán hợp lý thì sẽ là một điều tốt, qua đó góp phần tăng vốn chủ sở hữu, củng cố sức mạnh tài chính cho các nhà băng.

Như vậy, làn sóng M&A thứ 2 này đang tạo nên tổng hòa lợi ích các phía. Thị trường với phân khúc tín dụng tiêu dùng có thêm những nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia để tiếp tục phát triển; các ngân hàng liên quan có thêm thặng dư cải thiện vốn; khi có thêm những đối tác chuyên nghiệp, kinh nghiệm hơn tham gia, chất lượng dịch vụ và lợi ích khách hàng có thêm cơ sở để nâng cao.

Và hơn hết, về vĩ mô, nhìn lại dấu mốc “hiện tượng chính sách 2014” đến nay, qua các làn sóng M&A thứ nhất và thứ 2 này, Ngân hàng Nhà nước đã “gián tiếp” thúc đẩy được quá trình tái cơ cấu hệ thống các công ty tài chính một cách thành công, khi hệ thống hiện nay đã được củng cố qua các cấp độ cao hơn so với các giai đoạn trước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại