Lý do nhập siêu gạo, hồ tiêu, hạt điều tăng đột biến
Một số mặt hàng nông sản như gạo, hạt điều, hồ tiêu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến trong năm 2021. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do.
Thông tin từ Vietnamnet cho biết, theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 12, Việt Nam đã chi khoảng 4,119 triệu USD để nhập khẩu 2,83 triệu tấn điều thô - con số cao nhất lịch sử sau nhiều năm nước ta xuất nhập khẩu điều.
Đáng nói, với giá trị nhập khẩu điều thô lên tới hơn 4,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ USD thì 2021 trở thành năm nhập siêu mặt hàng này. Đây cũng là năm nhập siêu đầu tiên trong hơn 30 năm Việt Nam xuất khẩu điều nhân ra thế giới.
Giữa tháng 5 năm nay, Hải quan công bố con số 836.712 tấn, tương ứng khoảng 1,4 tỷ USD nhập khẩu điều từ Campuachia chỉ trong 4 tháng năm 2021 khiến nhiều người bất ngờ. Bởi, so với cùng kỳ năm 2019, năm 2020, số điều nhập từ Campchia lần lượt là 152.000 tấn và 161.000 tấn.
Tương tự, là nước xuất khẩu gạo top đầu thế giới, thông tin nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam tăng đột biến cũng gây bất ngờ không kém.
Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, chỉ trong 3 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247 nghìn tấn, trị giá 74,8 triệu USD, tăng đột biến hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần hơn 554 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là lượng gạo nhiều nhất từ trước đến nay mà Ấn Độ đã xuất khẩu sang Việt Nam.
Trước đó, giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn từ 500 tấn cho đến vài nghìn tấn.
Cũng giống như gạo, Việt Nam là nước có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu top 1 thế giới. Song, ghi nhận từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 11 tháng năm 2021 nhập khẩu hồ tiêu từ Campuchia của nước ta tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Thương vụ Campuchia tại Việt Nam, hầu hết các loại nông sản của quốc gia này xuất khẩu sang nước ta đều tăng từ 20-400% so với cùng kỳ 2020.
Và những lý do
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, khẳng định: Việc tăng cường nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thậm chí tình trạng nhập siêu là hết sức bình thường.
“Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ thì cũng như doanh nghiệp Ấn Độ nhập khẩu gạo của Việt Nam, đó là chuyện bình thường trong xu thế hội nhập hiện nay. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng gạo 100% tấm của Việt Nam đang cần trong khi nguồn này trong nước rất ít, giá lại cao. Trong khi đó mặt hàng này tại Ấn Độ lại nhiều, giá rẻ hơn, nên việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ tăng cao là chuyện bình thường trên thương trường" - ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.
Về hồ tiêu, theo nguyên Phó Chủ tịch VPA Nguyễn Nam Hải, các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu nhập hồ tiêu để chế biến xuất khẩu.
Theo ông Đặng Hoàng Giang – Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Campuchia là một trong những nguồn cung điều nguyên liệu cho Việt Nam nhưng sản lượng nhập khẩu trước đây chỉ khoảng 200.000 tấn/năm và chưa từng vượt mức 300.000 tấn/năm.
Cuối năm 2017, Vinacas đã công bố kế hoạch hợp tác cùng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia xây dựng vùng nguyên liệu với mục tiêu đưa sản lượng lên 1 triệu tấn điều thô vào năm 2025 và vùng nguyên liệu này đang tăng sản lượng.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - thông tin: Nguồn nguyên liệu điều trong nước không đủ cho nhu cầu xuất khẩu, do đó, trung bình mỗi năm Việt Nam cần nhập khoảng 1,4 triệu tấn điều thô. Thương mại phải do thị trường điều tiết, không thể can thiệp bằng các “mệnh lệnh hành chính”, khi cần thì yêu cầu người dân trồng, khi dư thừa thì yêu cầu phá bỏ.
Theo Vietnamnet, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thuỷ sản năm nay tăng kỷ lục một phần nguyên nhân do giá nguyên liệu các mặt hàng này trên thế giới tăng mạnh.
Trả lời câu hỏi của Lao Động, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng khẳng định: Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng như hạt điều, hồ tiêu... tăng là do giá thế giới tăng, bên cạnh đó, các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu để dự trữ nguyên liệu, phục vụ sản xuất trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận