24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy Hạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lý do Mỹ gạt bỏ đề xuất thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine

Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc áp đặt vùng cấm bay sẽ đặt ra nhiều thách thức, trong đó có cả lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn hơn giữa Nga và NATO.

Trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay, chỉ trích và nỗ lực cô lập Moscow trên trường quốc tế, đồng thời cung cấp vũ khí và nhiều sự hỗ trợ khác cho Ukraine. Nhưng có một biện pháp mà chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đến nay vẫn từ chối thực hiện đó là thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.

"Lời tuyên chiến" với Tổng thống Putin

Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc áp đặt vùng cấm bay sẽ đặt ra nhiều thách thức, trong đó có cả lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn hơn giữa Nga và NATO. Heather Penney, một cựu phi công lái F-16 và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell cho biết: “Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng việc lập vùng cấm bay là điều rất dễ dàng và ít hao tổn sức lực, nhưng thực tế lại không như vậy”.

Khi các lực lượng Nga tiến vào nhiều thành phố quan trọng của Ukraine, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi Mỹ và đồng minh thiết lập vùng cấm bay tại quốc gia này. Nhưng Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, “đó không phải là một ý kiến hay” và nói thêm rằng Tổng thống Joe Biden không muốn mạo hiểm đưa quân đội Mỹ bước vào một cuộc xung đột với Nga.

“Biện pháp này đòi hỏi sự tham gia của quân đội Mỹ. Về cơ bản, điều đó có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ bắn hạ máy bay Nga, như vậy căng thẳng sẽ leo thang”, bà Jen Psaki nói.

Theo chuyên gia Penney, để duy trì một khu vực cấm bay, Mỹ hoặc NATO sẽ phải bắn hạ bất cứ máy bay hoặc hệ thống phòng không nào vi phạm khu vực này. Điều đó khiến Nga tin rằng Mỹ sẽ phải nổ súng để họ tránh xa vùng trời Ukraine. Mặt khác nếu Mỹ hoặc NATO chỉ tuyên bố thiết lập vùng cấm bay mà không làm bất cứ thứ gì thì điều này không khác gì một lời nói suông.

Còn John Venable, một chuyên gia về chính sách quốc phòng từ Quỹ Heritage nhận định: “Trong tâm trí của Tổng thống Putin, vùng cấm bay nhiều khả năng sẽ được hiểu là lời tuyên chiến”.

Theo bà Heather Penney, cuộc tranh luận về thiết lập vùng cấm bay là điều sẽ xảy ra khi không bên nào đạt được ưu thế trên không trong một cuộc xung đột hoặc không thể hiện được “sức mạnh không quân đáng tin cậy”, nhưng cuộc chiến hiện tại giữa Nga và Ukraine lại không như vậy. Ukraine không có những máy bay và hệ thống phòng không cần thiết để đối phó với các máy bay của Nga.

Chuyên gia này nhận định, các tuyến đường cao tốc có thể cho phép quân đội và phương tiện hạng nặng di chuyển nhanh chóng, ít gặp trở ngại hơn so với những khu vực lầy lội hoặc các địa hình hiểm trở khác. Nhưng chúng cũng khiến họ dễ trở thành mục tiêu tấn công nếu đối phương giành quyền kiểm soát bầu trời.

Bài học từ Chiến tranh Iraq

Sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Mỹ và các đồng minh đã thiết lập nhiều vùng cấm bay ở miền Bắc và miền Nam Iraq, được gọi là Chiến dịch Northern Watch và Southern Watch.

Được triển khai từ căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc và các căn cứ của Saudi Arabia, Kuwait và Bahrain ở phía Nam, máy bay của Mỹ cùng các đồng minh Anh, Pháp đã tiến hành trinh sát trên không, điều khiển và kiểm soát đường không bằng Hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm AWACS. Lực lượng Mỹ đã bắn hạ 2 máy bay chiến đấu MiG của Iraq bị cho là vi phạm vùng cấm bay vào năm 1992 và 1993, cũng như hai máy bay chiến đấu Su-22 vào tháng 3/1991.

Nhưng việc duy trì vùng cấm bay đó cho đến khi Chiến tranh Iraq bùng nổ vào năm 2003, đòi hỏi những nỗ lực đáng kể. Dave Deptula – cựu chỉ huy chiến dịch Northern Watch cho biết, mỗi khu vực cấm bay của Iraq thường có khoảng 50 máy bay của Mỹ và đồng minh, bay tuần tra vài giờ mỗi ngày. Còn để tuần tra 24/24 tiếng phải tiêu tốn rất nhiều công sức và nguồn lực.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine sẽ là thách thức lớn hơn nhiều so với Iraq. Ông Dave Deptula nhận định, việc tuần tra toàn thời gian ở Ukraine – quốc gia có diện tích lớn gấp đôi diện tích các khu vực cấm bay tại Iraq, sẽ là một rủi ro lớn cho hàng trăm máy bay chiến đấu.

“Hoạt động này không giống như một công tắc điện chỉ cần bật và tắt. Nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch cũng như xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ nhằm đạt được hiệu quả”, ông Dave Deptula.

Mỹ và các thành viên khác trong NATO cần hàng nghìn phi công và nhân viên ở nhiều căn cứ khác nhau để tiếp nhiên liệu, trang bị và bảo trì máy bay chiến đấu, chưa kể cần phải chuẩn bị cả cơ sở hạ tầng cho việc tiếp nhiên liệu trên không để giúp máy bay không phải hạ cánh.

Để có thể thành lập vùng cấm bay ở Ukraine, Mỹ cần phải nỗ lực loại bỏ các hệ thống phòng thủ của Nga như hệ thống tên lửa đất đối không S-400. Nhưng Mỹ và NATO có thể mất rất nhiều máy bay khi thực hiện điều này và việc giải cứu các phi công bị bắn rơi trong một khu vực đầy bất ổn như vậy sẽ thách thức năng lực tìm kiếm và cứu nạn của quân đội./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả