Lượng tài khoản chứng khoán mở mới thấp nhất trong vòng 2 năm
Thực tế, giai đoạn bùng nổ về điểm số và thanh khoản, lượng mở mới dao động trong khoảng 200.000-450.000 tài khoản.
Theo số liệu cập nhật từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 3 giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua và là tháng thứ 6 liên tiếp thị trường không ghi nhận trên 100.000 tài khoản mới.
Con số này là rất thấp nếu so với giai đoạn mở mới cao đỉnh điểm. Thực tế, giai đoạn bùng nổ về điểm số và thanh khoản, lượng mở mới dao động trong khoảng 200.000-450.000 tài khoản.
Dù tốc độ mở mới tài khoản chậm lại, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn cho thấy tiềm năng lớn khi có tới hơn 7 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 7% dân số.
Nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký gần 40.000 tài khoản trong tháng 3, đưa quy mô tài khoản giao dịch toàn thị trường lần đầu vượt mức 7,03 triệu đơn vị, tương đương khoảng 7% dân số cả nước.
Về lý thuyết thì con số này vượt xa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm.
Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy sẽ có những trường hợp một người có nhiều tài khoản chứng khoán. Bên cạnh đó, có những tài khoản mở mới nhưng không có giao dịch.Về diễn biến thị trường chứng khoán, theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy nền tảng khá vững khi tăng lại 3,9% trong tháng 3 và kết thúc quý I năm 2023 với tăng trưởng 5,7% trên chỉ số VN-Index.
Diễn biến tích cực này được dẫn dắt chính bởi các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khan cho nền kinh tế và thị trường tài chính được đồng loạt đưa ra và những thông tin tích cực từ dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài (Qũy ETF Fubon Việt Nam được chấp thuận nâng hạn mức lần 5 từ Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính Đài Loan (Trung Quốc) với mức tối đa huy động thêm khoảng hơn 2.900 tỷ đồng).
Thị trường tích cực đón nhận 2 lần hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào giữa và cuối tháng 3, mặc dù với mức giảm không quá lớn 0,5% nhưng lại cho thấy một thông điệp mạnh mẽ về việc cần phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Có thể thấy đây là những bước đi cực kỳ linh hoạt từ phía Chính phủ khi số liệu vĩ mô đưa ra trong quý 1 cho thấy thách thức còn ở phía trước.
Kết quả kinh doanh quý I cũng đã phản ánh sớm các thách thức vĩ mô. Sau khi phản ánh lợi nhuận quý I, các công ty trong danh mục theo dõi của SSI ước tính sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn ở mức 5.8% trong năm 2023.
Ở mức tăng trưởng này, P/E (hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu) năm 2023 của thị trường ở mức 10.5x là mức khá hấp dẫn. Tuy nhiên lợi nhuận của một số doanh nghiệp niêm yết có thể vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm so với cùng kỳ (quý IV năm 2022, lợi nhuận toàn thị trường giảm 31%). Đây sẽ là yếu tố khiến VN-Index chưa có những bứt phá mạnh ngay trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, thách thức với thị trường trong ngắn hạn lại tiếp tục hình thành cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn. Trong quá khứ, có thể lấy giai đoạn đỉnh lãi suất của Việt Nam giai đoạn 2011 để tham chiếu, thì đáy của thị trường chứng khoán vẫn sẽ có 1 độ trễ nhất định.
Độ trễ này xuất hiện là bởi vì thị trường cần chờ xem những động thái hỗ trợ và mặt bằng lãi suất đã đủ để đưa nền kinh tế và doanh nghiệp hấp thụ được và quay lại với đà tăng trưởng hay chưa; các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khan tiếp theo cho nền kinh tế tiếp theo của Chính phủ vẫn sẽ là động lực giúp thị trường diễn biến tích cực hơn kỳ vọng; tốc độ gia tăng lạm phát, diễn biến lãi suất trong nước trước kỳ họp đầu tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế và dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài sẽ là những yếu tố cần quan sát trong các tháng tới của quý II/2023./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận