[Longform] Nhìn lại nửa năm nghẽn lệnh trên HOSE
Từ tháng 12/2020 tới giữa năm 2021, nhà đầu tư dần quen với tình trạng nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán.
Nghẽn lệnh vì tiền vào quá nhiều
Phiên ATC chiều ngày 17/12/2020, nhiều nhà đầu tư phản ánh rằng không thể đặt lệnh mua. Bên cạnh đó, lệnh ATC không hiện lên bảng giá của nhiều công ty chứng khoán (CTCK).
Những ngày sau đó, tại một số phiên giao dịch trên HOSE đã ghi nhận tình trạng một số CTCK, đặc biệt là các CTCK có nhiều khách hàng, không gửi lệnh được vào hệ thống giao dịch của HOSE trong những phiên giao dịch có thanh khoản lớn. Tình trạng này xảy ra khi có sự gia tăng đột biến số lệnh từ các CTCK vào Sở.
Đây là giai đoạn tình trạng nghẽn lệnh bắt đầu phát sinh trên thị trường.
Theo thống kê của HOSE, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới và giá trị giao dịch có sự gia tăng đột biến. Theo đó, trong top 20 CTCK hàng đầu, có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần. Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá công suất thiết kế 900 ngàn lệnh của hệ thống.
Các giải pháp tình thế
Giải pháp tình thế đầu tiên được HOSE đưa ra là nâng lô giao dịch tối thiểu. Từ ngày 04/01/2021, lô giao dịch tối thiểu được nâng từ 10 lên 100 nhằm giảm bớt số lượng lệnh vào hệ thống. Theo HOSE, giải pháp này đã góp phần giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15 - 18% như dự kiến.
Tuy nhiên, hiện tượng quá tải hệ thống vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15,000 - 16,000 tỷ đồng.
Ngày 03/03/2021, UBCKNN cũng đã có văn bản hướng dẫn HOSE, Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE ra Sở GDCK Hà Nội. Tính tới cuối tháng 5, đã có 14 doanh nghiệp chuyển từ HOSE về HNX.
Tới giữa tháng 4/2021, HOSE đã thực hiện cải tiến về kỹ thuật vận hành. Nhờ đó giảm bớt tình trạng nghẽn lệnh, cải thiện được thanh khoản thị trường lên mức 22 - 24 ngàn tỷ đồng. Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng mạnh tới cuối tháng 5, tình hình nghẽn lệnh bắt đầu trở nên tồi tệ.
Bên cạnh các giải pháp trên, HOSE cũng đã từng cân nhắc tới giải pháp nâng lô lên 1,000 hay ngưng hủy/sửa lệnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chỉ đạo trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1,000 nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HOSE , bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.
Nghẽn lệnh lên cao trào, Bộ Tài chính thanh tra HOSE
Tới tháng 6/2021, khi thanh khoản sàn HOSE tăng mạnh có những phiên tới hơn 30 ngàn tỷ đồng. Tình trạng nghẽn lệnh càng lúc càng căng thẳng. Chỉ số VN-Index trong nhiều phiên rơi vào tình trạng đóng băng. Trên bảng giá, giá khớp và giá mua bán ở nhiều mã bị lệch khiến nhà đầu tư không thể theo dõi đặt lệnh.
Phiên 01/06, HOSE thậm chí phải ngưng giao dịch phiên chiều. Trong phiên giao dịch sáng ngày 01/06/2021, giá trị giao dịch chứng khoán tại HOSE vượt mức 21.7 ngàn tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống.
Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, các CTCK đã ngưng hủy/sửa lệnh ở một số phiên để giảm tải cho hệ thống.
Động thái này đã khiến các nhà đầu tư dậy sóng. HOSE nhận bão đánh giá 1 sao trên Google trong ngày 09/06, tuy nhiên tới tối cùng ngày những lượt đánh giá này đã biến mất.
Trong làn sóng phẫn nộ, nhiều nhà đầu tư cũng lên tiếng kêu gọi lãnh đạo HOSE phải từ chức.
Ngày 10/06, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có văn bản gửi các CTCK thành viên (CTCK) về việc kiểm soát lỗi 2G và quản lý việc sửa, hủy lệnh ở một số khung giờ để tránh gây áp lực xử lý đối với hệ thống giao dịch. Theo đó, nhiều CTCK đã áp dụng ngưng tính năng hủy sửa lệnh trong các khung giờ này.
Trước tình trạng nghẽn lệnh diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với HOSE.
Tại Tọa đàm về nghẽn lệnh tổ chức ngày 24/06, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBCKK Việt Nam (SSC) còn tiết lộ, ngay từ khi sự cố nghẽn lệnh diễn ra từ cuối tháng 12/2020 đến nay, cả nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng đương nhiệm Hồ Đức Phớc đều xác định "nghẽn lệnh là trường hợp khẩn cấp quốc gia", phải tập trung mọi nguồn lực để giải quyết.
Trước quyết định của Bộ Tài chính, Hiệp Hội Các Nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi tới Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ Tài chính hiến kế về nội dung thanh tra Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Trong đó, kiến nghị nhiều nội dung về các dự án công nghệ thông tin của Sở.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý
Cũng tại Tọa đàm về nghẽn lệnh HOSE, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT SSI bày tỏ: "Dù bất cứ lý do gì chúng ta vẫn nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi. Những gì xảy ra với nhà đầu tư dù ngoài mong muốn và hoàn toàn không do lỗi điều hành gây ra nhưng nhà đầu tư họ nhận thiệt hại và phải có ai đó xin lỗi nhà đầu tư. Vì họ trả tiền, trả phí cho công ty chứng khoán, Sở để cung cấp dịch vụ. Các thành viên thị trường nên gửi lời xin lỗi nhà đầu tư".
Sau ý kiến của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước - ông Trần Văn Dũng - phát biểu: "Chúng ta không phải nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi mà là nợ nhiều lời xin lỗi".
Người đứng đầu ngành chứng khoán thừa nhận, những nhà quản lý đã có lúc bị xao nhãng. Sự mất tập trung đó đến từ sự vận hành quá trơn tru của thị trường trong giai đoạn trước, không lường hết tình hình thị trường có thể tăng tốc nhanh như hiện nay. Điều này dẫn tới hệ thống mới chưa được chuẩn bị một cách kịp thời.
Về phía HOSE, ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc HOSE chia sẻ: "Ở góc độ sở giao dịch chứng khoán, người tổ chức vận hành thị trường, để xảy ra nghẽn lệnh, tổ chức phục vụ thị trường, sở giao dịch chứng khoán phải nhận một phần trách nhiệm. Trong 21 năm qua, HOSE luôn hướng tới sự phát triển của thị trường Việt Nam. Đó là một lời cam kết, chúng tôi luôn cố gắng hết sức”.
Kỳ vọng vào hệ thống giao dịch mới
Giải pháp căn cơ với tình trạng nghẽn lệnh là thay mới hệ thống với khả năng xử lý vượt trội hơn. Tuy nhiên, dù đã ký với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012, đến nay hệ thống mới vẫn chưa sẵn sàng. HOSE cho biết, vì Covid-19, việc thay hệ thống mới bị đình trệ, nhanh nhất cũng phải tới cuối năm nay.
Hồi tháng 3/2021, Bộ Tài chính và Sở Giao dịch Chứng khoán đã hợp tác cùng FPT đã nhập cuộc xử lý tình trạng nghẽn lệnh. Từ ngày 16/04-22/05/2021, FPT đã đồng hành cùng HOSE triển khai giai đoạn kiểm thử diện hẹp của Dự án.
Sau giai đoạn kiểm thử diện hẹp, HOSE và FPT đã triển khai giai đoạn kiểm thử diện rộng trên toàn thị trường (từ ngày 24/05-25/06/2021).
Đến ngày 05/07/2021, hệ thống giao dịch mới trên HOSE do FPT cung cấp đã chính thức đi vào vận hành.
FPT xử lý hệ thống của HOSE theo một số nét chính: Đầu tiên là chỉnh sửa hệ thống HNX, thứ hai là chỉnh sửa các cổng kết nối và chỉnh sửa các ứng dụng của hệ thống để đồng nhất với các đơn vị khác trên thị trường.
Khác biệt với hệ thống cũ của Thái Lan, hệ thống của FPT đặt mục tiêu số lượng lệnh 3 - 5 triệu lệnh và không có cơ chế phân bổ lệnh như trước. Quan trọng là việc làm chủ hệ thống: Khi phát sinh sự cố thì sẽ biết lỗi ở đâu và chỉnh sửa, khi thị trường chạm ngưỡng thì có thể chủ động nâng cấp cho phù hợp.
FPT thử năng lực hệ thống mới dựa trên 2 chỉ tiêu là số lượng lệnh giao dịch trong 1 ngày và số lượng lệnh công ty chứng khoán đẩy vào trong 1 giây.
Trong ngày giao dịch đầu tiên bằng hệ thống mới, thanh khoản sàn HOSE đạt hơn 28 ngàn tỷ đồng, một sự khởi đầu “đẹp như mơ”.
Dù vậy, cũng trong phiên giao dịch ngày 05/07, bảng giá một số công ty chứng khoán lại chập chờn, có công ty còn thông báo ngưng đặt lệnh trực tuyến. Sự cố này tiếp tục diễn ra ở nhiều CTCK, nhất là sau khi thị trường bất ngờ lao dốc mạnh trong phiên ATC ngày 06/07.
Về lâu dài, vẫn phải đợi hệ thống KRX?
Hệ thống mới của FPT là giải pháp trước mắt để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE. Tuy nhiên, về lâu dài, để thị trường chứng khoán ổn định và phát triển các sản phẩm mới thì phải đợi hệ thống KRX mới đi vào hoạt động.
“Về kiến nghị T0, chúng ta phải đợi hệ thống KRX, không thể khác được. Kỳ vọng trong năm 2022, nếu hệ thống KRX đi vào vận hành thì chúng ta có thể thực hiện giao dịch trong ngày, mở ra các thị trường mới như trái phiếu doanh nghiệp và có thêm các chỉ số mới, phái sinh chỉ số mới,” Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng chia sẻ.
Về hệ thống KRX, từ 14/06 - 06/08, HOSE sẽ thử nghiệm kết nối và chức năng của hệ thống. Các CTCK kết nối vào hệ thống mới của Sở từ 8h30-15h các ngày làm việc trong tuần. Dự kiến đến cuối năm, hệ thống sẽ chính thức đi vào vận hành.
Trả lời câu hỏi vì sao hơn 20 năm qua sàn HOSE vẫn chưa làm chủ công nghệ, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch SSC bày tỏ, nhận thức chính là rào cản: Dự án bắt đầu năm 2000, ngay từ khi đi vào hoạt động thì bản thân cũng như các nhà kinh tế nắm rất rõ về thị trường nhưng cấu phần công nghệ của hệ thống chứng khoán thì dường như chưa ai nắm rõ.
Chủ tịch SSC cũng cho rằng việc trì trệ nâng cấp hệ thống giao dịch đến từ tính cầu toàn của cơ quan quản lý, muốn tạo ra hệ thống hiện đại, đồng bộ và toàn diện.
“Đồng thời, có nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan quản lý Nhà nước lẫn HOSE, trong quá trình thực hiện dự án không lường hết tình hình, chưa thực sự quyết liệt", ông Dũng nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận