Lối thoát cho cuộc khủng hoảng khí đốt của châu Âu đang nằm trong tay Nga?
Các nhà quan sát châu Âu cho rằng, Nga đã tăng nguồn cung, giúp giảm giá khí đốt nhưng hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu Moscow có cung cấp đủ khí đốt để tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng vào mùa đông hay không.
Nga đã có những dấu hiệu thăm dò trong việc thúc đẩy cung cấp khí tự nhiên nhằm làm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Động thái này diễn ra giữa bối cảnh Moscow vẫn duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ về nguồn cung nhiên liệu trong khu vực này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hồi tháng trước rằng, Nga - quốc gia cung cấp gần một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, sẽ tăng cường nguồn cung trong nỗ lực bình ổn thị trường, vốn đang trải qua mức giá cao và nguồn dự trữ thấp trước mùa đông ở châu Âu.
Lượng khí đốt Nga cung cấp cho Đức đã phần nào làm dịu tình hình trong tuần này, giúp làm giảm giá năng lượng đang ở mức cao kỷ lục trong lịch sử. Giá khí đốt châu Âu chuẩn đã giảm 12% ngày 9/11 xuống còn 69,9 euro, tương đương với 81,02 USD/megawatt/giờ.
Châu Âu cho rằng việc Nga gia tăng nguồn cung sau khi giảm lượng khí đốt vào Đức và Slovakia đã cho thấy tầm ảnh hưởng của tập đoàn Gazprom đến thị trường năng lượng châu Âu trong suốt thời gian thiếu hụt khí đốt toàn cầu. Công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga này bị cáo buộc đã chậm tăng nguồn cung khí đốt thậm chí cả khi các nước Tây Âu đang chật vật lấp đầy các hầm dự trự, vốn ở mức dưới trung bình vào năm nay.
Dù vậy, việc gia tăng xuất khẩu ngày 9/11 quá hạn chế nên không thể nhận định liệu khí đốt Nga có giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông sắp tới hay không, Financial Times dẫn lời các nhà phân tích cho hay.
Sử dụng khí đốt để gây sức ép?
Các nhà chức trách và nhà phân tích phương Tây cáo buộc Moscow đang sử dụng cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu để đạt được ảnh hưởng chính trị. Họ cũng cho rằng Nga đang sử dụng nguồn cung khí đốt nhằm gây sức ép với các nhà điều hành để thông qua Dòng chảy phương Bắc 2 - đường ống dẫn khí gây tranh cãi từ Nga sang Đức qua biển Baltic sắp đi vào vận hành.
Đường ống này, vốn chạy dọc với đường ống hiện tại và tăng gấp đôi công suất, sẽ cho phép Moscow bỏ qua đường ống đi qua Ukraine và Ba Lan - những quốc gia chỉ trích mạnh mẽ điện Kremlin và dự án này. Các nhà chức trách Nga cũng công khai khẳng định, việc thông qua đường ống dẫn khí trên sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
"Moscow tiếp tục sử dụng năng lượng để thúc đẩy ảnh hưởng địa chính trị. Nga đang lợi dụng cuộc khủng hoảng ở châu Âu nhằm gây ảnh hưởng để thông qua Dòng chảy phương Bắc 2", Vladimir Frolov, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Nga, đồng thời là một nhà phân tích chính trị cho hay.
Nga đã phủ nhận nước này đang gây sức ép với các nhà điều hành để thông qua dự án trên, đồng thời cho biết, Moscow sẽ tiếp tục hoàn thành các nghĩa vụ trong hợp đồng với tư cách là một nhà cung cấp khí đốt.
"Các đối tác kinh doanh và khách hàng của chúng tôi không đưa ra những cáo buộc như vậy. Thực tế là trong những tháng gần đây, Gazprom đã tăng sản xuất khí đốt và nguồn cung cho các thị trường lớn, trong đó có châu Âu", Elena Burmistrova, tổng giám đốc công ty xuất khẩu Gazprom nhận định trong một sự kiện hồi tuần trước.
Liệu Nga có thể làm dịu thị trường năng lượng toàn cầu?
Các nhà chức trách châu Âu cáo buộc Nga đang trì hoãn có chủ đích việc cung cấp thêm khí đốt cho thị trường giao ngay ngắn hạn trong khi các nghị sĩ kêu gọi một cuộc điều tra xem liệu Nga có đang thao túng thị trường hay không.
Vào tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Gazprom tăng nguồn cung cho các cơ sở dự trữ ở Đức và Áo, sau khi Nga hoàn thành lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt trong nước.
Ngày 9/11, Gazprom cho biết tập đoàn này "đã thông qua và bắt đầu thực hiện kế hoạch bơm khí đốt sang 5 cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở châu Âu vào tháng 11". Công ty này từ chối bình luận thêm.
Lượng khí đốt vận chuyển tới Đức ở trạm nén khí Mallnow, nằm gần biên giới Ba Lan và kết nối với đường ống Yamal - châu Âu của Gazprom đã tăng lên. Lượng khí đốt vào Slovakia từ Ukraine ở Velke Kapusany cũng vậy.
Dù vậy sự gia tăng sản xuất ở Groningen - một mỏ khí đốt lớn ở Hà Lan đang giảm dần. Các nhà phân tích cho biết sản lượng đầu ra bổ sung của Hà Lan có lẽ không kịp để tăng nguồn cung khí đốt châu Âu trong những tháng cao điểm mùa đông và dòng chảy khí đốt từ Nga sang tây bắc châu Âu hiện vẫn ở dưới mức trung bình.
Việc Nga cung cấp nhiều khí đốt hơn sẽ làm giảm đáng kể sự dao động mạnh mẽ trên thị trường khí đốt những tháng gần đây, Wolfgang Peters, giám đốc công ty Gas Value Chain chuyên cố vấn cho các công ty về dầu khí và khí đốt, nhận định. Chuyên gia này cũng cho rằng, dù vậy, điều đó không khiến giá khí đốt giảm mạnh bởi thị trường khí đốt quốc tế vẫn rất khó khăn và cuộc cạnh tranh giữa các khu vực về khí tự nhiên hóa lỏng vẫn ở mức cao.
"Nga không có đủ khả năng để làm dịu thị trường toàn cầu", ông Peters đánh giá./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận