Lợi nhuận ngành thép đã tạo đáy?
Có nhiều lý do để kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sẽ được cải thiện trong Quý 4.
Bức tranh kinh doanh đã cho thấy các doanh nghiệp ngành thép đã khó khăn trong suốt giai đoạn vừa qua, đúng như lời của tỷ phú Trần Đình Long nói. "Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi", lời chia sẻ của ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra hồi tháng 4.
Tuy nhiên, có nhiều lý do để kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sẽ được cải thiện trong Quý 4.
Thứ nhất, tiêu thụ thép nội địa 3 tháng cuối năm sẽ phục hồi bởi mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng đã qua. Quý 4 là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng đẩy mạnh tiến độ. Đầu tư công kỳ vọng đẩy mạnh vào cuối năm.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh và bền vững của nền kinh tế, đã có nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, thành lập 06 Tổ Công tác của Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 ước đạt 334,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% kế hoạch năm, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức đạt 58,7% kế hoạch năm cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các Bộ ngành và địa phương triển khai nhiều dự án khởi công mới cần nhiều thời gian để chuẩn bị dự án nên tiến độ thực hiện các dự án này chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm
Thứ hai, tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành thép từ chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ Trung Quốc ngày 24/8/2022. Trong đó, bổ sung 300 tỷ CNY mà các ngân hàng nhà nước có thể sử dụng để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Sự phục hồi của thị trường Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới trong năm 2023.
Thứ ba, việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu đã khiến giá điện ở châu Âu tăng vọt. Để đối phó với tình trạng trên, một số nhà máy thép trong khu vực đã cắt giảm một phần hoặc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất. Với việc EU sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, người mua thép EU sẽ cần tìm kiếm các nguồn thép rẻ hơn ở châu Á, bao gồm Việt Nam, khi nhu cầu ở EU phục hồi.
Thực tế cho thấy, xuất khẩu thép cũng tích cực hơn trong những ngày cuối năm 2022. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sắt thép tiếp tục nằm trong nhóm 10 mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn trong kỳ 2 tháng 9 năm 2022. Giá trị xuất khẩu thép tăng từ 0,17 tỷ USD con số đầu kỳ tháng 9 lên 0,26 tỷ USD trong 15 ngày cuối tháng 9. Như vậy, tính riêng tháng 9, xuất khẩu thép đạt 0,43 tỷ USD. Trong khi tháng 8, sắt thép bị loạt khỏi 10 mặt hàng giá trị xuất khẩu lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận