Lợi nhuận ngân hàng: Những cuộc soán ngôi được báo trước
Lần đầu tiên trong nhiều năm, BIDV bị lọt ra khỏi tốp 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trước sự vươn lên mạnh mẽ của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần. Tuy nhiên, nếu nhìn vào diễn biến trong ba năm trở lại đây, cuộc đổi ngôi dường như đã được báo trước.
Bất ngờ Agribank và sự tuột dốc của BIDV
Lãi trước thuế hợp nhất chín tháng đạt 7.028 tỉ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ, BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm về lợi nhuận trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí 3. BIDV cũng chính thức rớt ra khỏi tốp 5 lợi nhuận cao nhất, khi xếp sau VPBank, MBBank, Techcombank, Agribank và Vietcombank.
Nếu như Vietcombank vững chắc ở ngôi đầu là điều có thể thấy trước, thì sự xuất hiện bất ngờ của Agribank ở ngôi vị số 2 cũng đã góp phần đẩy BIDV ra khỏi nhóm “ngũ đại anh hào”. Với con số lãi công bố 9.700 tỉ đồng chỉ sau chín tháng, cao hơn 1,3 lần lợi nhuận cả năm 2018 (7.525 tỉ đồng) và gần gấp đôi của năm 2017 (5.018 tỉ đồng), Agribank - một ngân hàng hiếm khi công bố báo cáo định kỳ, dường như đang muốn cho thấy lộ trình tái cấu trúc để chuẩn bị cổ phần hóa đang đi đúng hướng.
Nhưng đó vẫn là chưa đủ khi tâm điểm của thị trường còn tập trung vào sự vươn lên của nhóm NHTM cổ phần, mà Techcombank, MBBank và VPBank là những đại diện. Với lợi nhuận trước thuế đạt 8.860 tỉ đồng, tăng 14% so với chín tháng 2018, trong đó riêng quí 3 đạt 3.198 tỉ đồng, tăng mạnh 24% so với cùng kỳ, Techcombank đã chiếm lấy vị trí số 3.
MBBank xếp thứ tư với lãi trước thuế hợp nhất đạt 7.616 tỉ đồng, tăng mạnh gần 27% so với cùng kỳ. VPBank với nỗ lực giảm tỷ lệ nợ xấu xếp ngay sau đó với lợi nhuận 7.199 tỉ đồng, trong đó riêng quí 3 đạt 2.856 tỉ đồng, tăng vọt 63% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến sự bứt phá ở các NHTM cổ phần có lợi nhuận ngàn tỉ như VIB lãi 2.915 tỉ đồng, tăng 70% so cùng kỳ; Sacombank tiếp tục cho thấy kết quả tái cơ cấu tích cực với lãi 2.491 tỉ đồng, tăng 89%; TPBank lãi 2.404 tỉ đồng, tăng 50%; LienVietPostBank lãi 1.636 tỉ đồng, tăng 61%...
Sự soán ngôi của nhóm NHTM cổ phần khi vượt qua những ông lớn NHTM gốc nhà nước để chen chân vào tốp đầu là những điều đã được báo trước. Nếu như năm 2017, ba ngân hàng có lợi nhuận cao nhất là Vietcombank, VietinBank, BIDV, hai vị trí tiếp theo là VPBank và Techcombank, xếp thứ sáu là NHTM nhà nước còn lại là Agribank, thì sang năm 2018, dù ngôi đầu vẫn thuộc về Vietcombank, nhưng Techcombank và VPBank đã đoạt lấy vị trí thứ 2 và thứ 3, đẩy BIDV xuống thứ 4, rồi tới MBBank, Agribank, còn VietinBank rớt về tận thứ 7, chỉ cao hơn ngân hàng xếp ngay sau đó là ACB 17 tỉ đồng.
Từ câu chuyện nợ xấu...
Một thực tế cần phải thừa nhận là sự sụt giảm lợi nhuận của BIDV bị ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề nợ xấu tại ngân hàng này. Nhìn một cách đơn giản trên báo cáo tài chính, BIDV là vô địch về con số lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro tín dụng khi đạt đến 23.500 tỉ đồng trong năm 2017, gần 28.400 tỉ đồng trong năm 2018 và hơn 23.500 tỉ đồng chỉ riêng chín tháng đầu năm nay. Con số này cách biệt khá xa so với ngân hàng xếp thứ 2 ở chỉ tiêu này là Vietcombank, tương ứng ở 17.500 tỉ đồng trong năm 2017, gần 25.700 tỉ đồng trong năm 2018 và 22.400 tỉ đồng cho chín tháng qua.
Phải so sánh với ngay chính quán quân Vietcombank mới thấy được quy mô tạo lợi nhuận của BIDV cũng kinh khủng đến dường nào, dù tốc độ có phần chậm lại trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu, thể hiện qua chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đã ăn mòn phần lớn lợi nhuận của BIDV, với năm 2017 là hơn 14.800 tỉ đồng, năm 2018 gần 18.900 tỉ đồng và chín tháng đầu năm nay là hơn 16.500 tỉ đồng, tức tốc độ tăng chi phí trích lập dự phòng cao hơn nhiều so với tốc độ tạo lãi.
Nợ xấu tuyệt đối của BIDV cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 2018 tăng 34% lên hơn 18.800 tỉ đồng và chín tháng đầu năm nay tăng thêm 19,3% lên 22.400 tỉ đồng, trong đó đáng chú ý nợ nhóm 5 tăng hơn 70% lên gần 12.200 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 54% tổng nợ xấu. Nhưng đó chưa phải là tất cả, theo báo cáo bán niên 2019, ngân hàng này còn có hơn 12.800 tỉ đồng nợ xấu dưới dạng trái phiếu đặc biệt VAMC, dù đã giảm so với con số 19.300 tỉ đồng của năm 2017 và 14.100 tỉ đồng của năm 2018, nhưng vẫn nằm trong nhóm năm ngân hàng bán nợ xấu nhiều nhất cho VAMC. Hệ quả là định kỳ BIDV còn phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt, mà tính đến cuối tháng 6 vừa qua vẫn còn 7.900 tỉ đồng.
Là một ngân hàng có truyền thống cho vay các dự án đầu tư do các doanh nghiệp nhà nước chủ trì thực hiện, trong đó không ít dự án thiếu hiệu quả, lỗ nặng, BIDV luôn phải đối mặt với câu chuyện nợ xấu gia tăng. BIDV cũng là một trong bốn ngân hàng cho vay các dự án BOT, BT nhiều nhất trong những năm trước, trong khi rủi ro nợ xấu của lĩnh vực này đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng chia sẻ gần đây với con số có thể phát sinh lên đến 53.000 tỉ đồng.
Ngân hàng này cũng đang phải xử lý những khoản vay kém chất lượng ở nhóm doanh nghiệp tư nhân từ thời Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Bắc Hà để lại, từ việc cho vay tập trung vào những khách hàng lớn vẫn chưa thoát khỏi khó khăn như Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Thuận Thảo... đến các sai phạm cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay và những khoản cho các công ty sân sau của ông Hà vay được hé lộ gần đây.
Đến vốn bị níu chân
Đã từng là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai trong hệ thống, chỉ sau VietinBank, nhưng trong gần bốn năm qua, vốn của BIDV vẫn chỉ giậm chân ở mốc 34.187 tỉ đồng như tại thời điểm cuối năm 2015. Việc tăng vốn khó khăn đã khiến hai ngân hàng này không thể đẩy mạnh phát triển kinh doanh, mở rộng tín dụng như kỳ vọng khi hệ số an toàn vốn (CAR) lúc nào cũng cận kề ngưỡng quy định 9%.
Đã có thời điểm tranh cãi gay gắt xuất hiện ở ban lãnh đạo ngân hàng này và cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính về mong muốn để dành lợi nhuận tăng vốn. Mới đây, BIDV bất ngờ thông báo trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% mỗi năm cho năm 2017 và 2018, nhưng điều này có thể hiểu được khi ngân hàng đã thành công với thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Việc hoàn tất chia lợi nhuận tích lũy từ trước đến nay cho các cổ đông cũ là điều cần phải làm trước khi đón nhận cổ đông mới, nhất là khi áp lực tăng vốn đã được giải tỏa.
Trái ngược với những khó khăn về vốn của nhóm NHTM gốc Nhà nước mà BIDV và VietinBank là đại diện tiêu biểu (VietinBank trong quí 4-2018 và quí 1-2019 thậm chí phải giảm dư nợ để đảm bảo hệ số CAR), thì các NHTM cổ phần khác đã tăng vốn thần tốc sau khi lên sàn từ năm 2017 đến nay, với đại diện là Techcombank, VPBank hay HDBank. Thống kê cho thấy vốn điều lệ của Techcombank đã tăng gần 4 lần trong gần bốn năm qua, lên mốc gần 35.000 tỉ đồng, vượt qua BIDV, trong khi vốn của VPBank tăng 3,1 lần trong cùng khoảng thời gian.
Về chiến lược kinh doanh, các NHTM cổ phần đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, cho vay khách hàng cá nhân, dư nợ cho vay tiêu dùng với biên lợi nhuận cao tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, nhóm NHTM gốc Nhà nước dù cũng có định hướng tăng tỷ trọng bán lẻ nhưng sự chuyển dịch chưa nhanh như kỳ vọng, thể hiện qua hệ số NIM (thu nhập lãi thuần/tổng tài sản có sinh lời) của nhóm này chỉ ở mức trung bình dưới 3% và cách khá xa so với nhóm có thế mạnh về cho vay tiêu dùng.
Ở mảng đầu tư, dịch vụ và thu phí, nhóm NHTM cổ phần cũng đang thể hiện tốc độ tăng trưởng tốt hơn, khi chủ động đẩy mạnh các mảng kinh doanh mới như bancassuarance, tư vấn, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trong khi nhóm NHTM gốc Nhà nước vẫn chủ yếu tập trung vào thị trường trái phiếu chính phủ với hệ số rủi ro thấp hơn nhằm đảm bảo phù hợp với hệ số CAR đang ở mức thấp như đã nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận