Lợi nhuận ngân hàng co lại, khối nợ xấu tăng lên
Nợ xấu tại một số ngân hàng đã tăng trong quí 1/2020, nguyên nhân chính do tác động của dịch bệnh Covid-19. Dự báo, con số nợ xấu sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Nợ xấu tăng
Đến nay, đã có hơn 10 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 1/2020, đáng chú ý là nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Báo cáo của Saigonbank cho thấy, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm, lên 377 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.
Tại Kienlongbank, nợ xấu bất ngờ tăng vọt từ 342 tỷ đồng lên 2.240 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tính đến cuối tháng 3 lên tới 6,62% so với mức 1,02% cuối năm 2019.
Với Sacombank, nợ xấu nội bảng cuối tháng 3 là 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Còn tại Vietcombank, nợ xấu cuối tháng 3/2020 là 5.191 tỷ đồng, tăng 387 tỷ so với hồi đầu năm. Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 0,79%. Ngoài ra, các ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu tăng trong quý 1/2020 là BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%, SeABank từ 2,31% lên 2,34%, VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%, tại TPBank, tính đến tỷ lệ nợ xấu là 1,87%
Nguy cơ nợ xấu tăng trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Nguyên nhân chính là do dịch Covid 19 gây ra.
Hết quý 1/2020 có gần 20.000 DN tạm ngừng hoạt động, hàng chục nghìn DN đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, doanh thu giảm mạnh dẫn đến mất cân đối về tài chính, vì vậy không thể tất toán các khoản vay từ ngân hàng. Trong số này, rủi ro cao nhất là những khoản vay của các DN bất động sản, do thị trường đóng băng, đầu ra không có, tồn kho cao. Cùng với đó, nhiều DN gặp khó khăn, có những khoản vay dài, không được cơ cấu lại nợ, giãn nợ, dẫn đến nợ xấu.
Hơn nữa, dịch Covid 19 còn ảnh hưởng tới hàng triệu lao động. Nhiều người đã mất việc, tạm nghỉ ở nhà, thu nhập giảm, trong đó có khách hàng của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, mất khả năng trả nợ các khoản vay tiêu dùng.
Theo đánh giá ban đầu của Ngân hàng Nhà nước, có hơn 2 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm đến 23% tổng tín dụng của toàn hệ thống. Trong số đó, có những khoản vay trở thành nợ xấu.
Một lý do nữa là dư nợ tín dụng của các ngân hàng trong quý 1/2020 tăng trưởng chậm, vì vậy cũng khiến cho tỷ lệ nợ xấu tính trên tổng dư nợ tăng.
Nguy cơ vẫn tiềm tàng
Bản thân các ngân hàng cũng nhận định nợ xấu tăng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho hay: Năm nay, DN xác định phải đối phó với suy giảm kinh doanh, thậm chí là phá sản. Nợ xấu tại ngân hàng theo đó cũng tăng cao hơn. Một số ngân hàng TMCP cho biết, hết quý 1/2020 có hàng chục nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, vì vậy nợ xấu có thể sẽ tăng 0,3% tới 1% trong năm nay.
Nhìn tổng thể, nợ xấu tại nhiều ngân hàng 3 tháng đầu năm có tăng lên, nhưng chưa phải là cao một phần nhờ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, sang quý 2/2020 dự báo sẽ tăng cao hơn bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, việc làm của người lao động còn chịu ảnh hưởng tiêu cực kéo dài cả sau khi hết dịch. Do đó, nguy cơ khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, vẫn tiềm tàng.
Ngoài ra, vào giai đoạn 2014-2015, Công ty VAMC đã mua số lượng lớn nợ xấu từ các ngân hàng, với giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng. Thời gian đáo hạn của trái phiếu VAMC là 5 năm, nghĩa là các trái phiếu này sẽ đáo hạn vào năm 2019 và 2020. Năm 2020 là thời điểm nhiều ngân hàng phải nhận lại những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC mà không xử lý được. Điều đó sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng còn tăng.
Sau nhiều năm nỗ lực xử lý, nợ xấu của các ngân hàng đã có chiều hướng chuyển biến tích cực trong năm 2019. Kết thúc năm 2019, ngành ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống 1,89%. Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC thì vào khoảng 4,5% và dự kiến sẽ đưa về dưới 3% vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, các nhận định cho rằng, việc đưa nợ xấu về mức dưới 3% vào năm nay sẽ khó thành hiện thực.
Trước tác động của dịch bệnh, ngành ngân hàng đã ngay lập tức vào cuộc hỗ trợ các DN, cá nhân. Đến nay, tổng gói tín dụng mà ngành hỗ trợ đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chính sách cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi vay đã góp phần giảm khó khăn cho khách hàng và giữ cho nợ xấu không bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, ngay cả khi tung “gói tín dụng khủng” hỗ trợ khách hàng, nợ xấu chắc chắn vẫn sẽ tăng.
Các dự báo cho thấy, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý 2, thì nợ xấu sẽ ở mức 3,7% vào cuối năm 2020 và có thể cao hơn, tùy thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế.
Để đối phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, bên cạnh tập trung hỗ trợ để khách hàng không rơi vào nhóm nợ xấu, các ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, phải siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận