Lợi nhuận ngân hàng bị ‘ăn mòn’ vì phát mãi bất động sản không thành
Hiện tại, hàng loạt ngân hàng có từ 75% tài sản thế chấp là bất động sản. Tuy nhiên, rất nhiều lần phát mãi nhưng không thành công, buộc ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, làm mỏng dần lợi nhuận.
Đấu giá nhiều lần
Ngân hàng BIDV cho biết sẽ tiến hành đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty CP Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên. Tổng dư nợ tạm tính đến hết ngày 11/5 vừa qua là hơn 120 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc gần 86 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm mà BIDV đưa ra bằng dư nợ là hơn 120 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong tháng 6 tới đây.
Khoản nợ này được đảm bảo bởi 3 tài sản, gồm quyền sử dụng 4.086 m2 đất tại phường An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM); quyền đòi nợ khối lượng xây lắp hợp đồng thi công xây dựng khách sạn Mỹ Khê Đà Nẵng thuộc hợp đồng với Công ty TNHH Đức Long Dung Quất; 400.000 cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai (nay là Công ty CP Tập đoàn Alpha Seven, mã cổ phiếu: DL1) thuộc số dư tài khoản của ông Nguyễn Tuấn Vũ.
Công ty CP Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên được thành lập năm 2011, hoạt động trong lĩnh vực mua bán gỗ, phân bón, đá… Công ty có trụ sở tại 26/35 Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Người đại diện theo pháp luật kiêm giám đốc công ty là bà Nguyễn Thị Như Lũy.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 23/5, cổ phiếu DL1 đang ở mức 4.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị số cổ phiếu thế chấp trên là khoảng 1,8 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn Cầu Group thông báo, vào sáng 26/5, tại trụ sở Sacombank sẽ diễn ra phiên đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng quyền tài sản là dự án Khu công nghiệp Phong Phú. Các khoản nợ này có giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng. Trước đó, Sacombank cũng đã nhiều lần ký hợp đồng, giao cho Toàn Cầu Group tổ chức đấu giá khoản nợ này nhưng không thành công.
Khu công nghiệp Phong Phú là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của Ngân hàng TMCP Phương Nam giai đoạn 2011 - 2012, với tài sản đảm bảo là toàn bộ lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất dự án tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM. Đến năm 2015, Ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập vào Sacombank thì khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Sacombank phải xử lý.
Khu công nghiệp Phong Phú có diện tích 148 ha, với vốn đầu tư 1.057 tỷ đồng, do Công ty CP Khu công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư. Pháp nhân này gồm 3 cổ đông là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh chiếm 70% vốn điều lệ, Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco góp 25% vốn, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận - IPC nắm giữ 5% còn lại.
Agribank chi nhánh Tân Phú, TPHCM cũng vừa rao bán đấu giá 2 tài sản là các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại TP.Thủ Đức. Đây là đất ở tại đô thị, thời hạn sử dụng lâu dài, có diện tích lần lượt hơn 604 m2 và 198 m2. Giá khởi điểm của 2 tài sản này được Agribank công bố lần lượt là hơn 42 tỷ đồng và 31 tỷ đồng, chưa bao gồm các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật.
"Ăn mòn" lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán của Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank thì giá trị tài sản đảm bảo cho những khoản vay tại các ngân hàng này đều vượt mức 2 triệu tỷ đồng.
Trong đó, dẫn đầu là Agribank với 2,53 triệu tỷ đồng, ngay sau là VietinBank 2,5 triệu tỷ đồng, BIDV 2,46 triệu tỷ đồng và Vietcombank 2,1 triệu tỷ đồng. Trong khối tài sản đảm bảo của 4 ngân hàng trên, bất động sản vẫn chiếm chủ yếu.
Riêng Agribank, tài sản đảm bảo là bất động sản đạt gần 2,29 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 91% tổng tài sản thế chấp. Giá trị bất động sản thế chấp là 1,71 triệu tỷ đồng tại VietinBank, 1,77 triệu tỷ đồng tại BIDV và 1,56 triệu tỷ đồng tại Vietcombank.
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản trầm lắng, việc nắm giữ tài sản đảm bảo là bất động sản đang mang tới nhiều rủi ro hơn cho ngân hàng. Theo FiinGroup, hệ thống ngân hàng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản. Trong đó, việc phát mại tài sản đảm bảo, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.
FiinGroup cho biết, các ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản cao từ cho vay và trái phiếu sẽ đối mặt áp lực trích lập dự phòng cao hơn những ngân hàng thuần bán lẻ. Điều này khiến lợi nhuận ngân hàng bị ăn mòn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sẽ không dễ tìm được các nhà đầu tư đủ tiềm lực mua lại các khoản nợ quy mô lớn mà các ngân hàng đang rao bán. Chưa kể đến rào cản về mặt thủ tục pháp lý trong xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản cũng làm chậm lại quá trình thanh lý, thu hồi nợ.
Năm 2022, hầu hết ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng cuối năm 2022 tăng 21,4% so với cuối năm 2021 có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của các ngân hàng thương mại trong trường hợp các khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng không thu được theo kế hoạch. Đồng thời, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, các tổ chức tín dụng phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN có thể sẽ làm giảm lợi nhuận tại một số tổ chức tín dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận