Logistics Đà Nẵng 'có nhưng chưa đủ'
Đà Nẵng có cả 3 tuyến vận tải logistics chính là đường biển, đường hàng không và đường bộ. Tuy nhiên, ngành logistics chưa đủ để tạo động lực cho xuất khẩu.
Chiều 2/8, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công thương TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2024.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Đà Nẵng có vị trí địa lý rất thuận lợi khi là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây.
Logistics đường biển của Đà Nẵng có năng suất hạn chế so với vị thế là trung tâm trung chuyển của vùng. Ảnh: Giang Thanh |
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và mới đây là Nghị quyết 136 của Quốc hội định hướng Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển, trung tâm vùng về logistics, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Đà Nẵng đang tập trung nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện cảng Liên Chiểu và kêu gọi đầu tư vào 10 trung tâm logistics cấp vùng. Hiện, địa phương cũng có hạ tầng giao thông phát triển với 3 tuyến vận tải logistics chính đó là đường biển, đường hàng không và đường bộ.
Tuy nhiên, ông Dương Tiến Lâm - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam tại Đà Nẵng - nhìn nhận, hệ thống logistics tại Đà Nẵng “có nhưng chưa đủ” để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu và trở thành logistics-moi-noi-post1641280.tpo">trung tâm logistics của vùng.
Theo đó, Đà Nẵng có một cảng biển quốc tế có thể tiếp nhận tàu container đó là cảng Tiên Sa. Tuy nhiên, dù là lựa chọn trên hành trình vận chuyển hàng hóa của nhiều hãng tàu hàng đầu thế giới nhưng cảng này vẫn có năng suất giới hạn.
“Một vấn đề đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đó chính là tình trạng cước vận tải biển cao. Riêng tại Đà Nẵng, bắt đầu từ tháng 4/2024, cước vận tải biển tăng trở lại như thời điểm trước COVID-19, điều này ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp.
Ngoài khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, đa phần cước vận tải biển đến các khu vực khác đều tăng cao, điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự cân nhắc, tính toán với những biến động từ nay đến cuối năm”, ông Lâm nói.
Trong khi đó, vận tải hàng không của Đà Nẵng không được như kỳ vọng khi lượng hàng hóa khai thác qua Sân bay Đà Nẵng tăng trưởng chậm và có quy mô nhỏ so với 2 đầu là Hà Nội và TPHCM.
Ông Dương Tiến Lâm - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam tại Đà Nẵng. |
Cũng theo ông Lâm, vận tải đường bộ được các nhà xuất nhập khẩu ở khu vực quan tâm và thường xuyên sử dụng, đặc biệt đối với thị trường là các quốc gia có tiếp giác đường biên giới hoặc có chung đường biên giới với nước ta như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia…
Tuy nhiên, một trong những tuyến quan trọng là Hành lang Kinh tế Đông - Tây kết nối đến tận Myanmar vẫn chưa được tận dụng hiệu quả.
Việc kết nối giữa Đà Nẵng với các quốc gia lân cận đặc biệt là Lào bằng đường bộ chủ yếu là qua cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) và cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) dù có những chưa được khai thác hiệu quả.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) - nhìn nhận, trong xu hướng cạnh tranh vô cùng khốc liệt này, logistics chiếm vai trò quyết định đối với xuất khẩu khi Việt Nam chưa có các hãng vận tải lớn để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đơn cử như Thái Lan, chính phủ có chính sách hỗ trợ cho chi phí logistics. Bởi vậy cùng một container hàng từ Thái Lan xuất khẩu đi Mỹ luôn có chi phí thấp hơn 100 - 200 USD so với Việt Nam.
“Bởi vậy, tôi mong muốn chính quyền cần tăng cường kết nối các doanh nghiệp có chung đặc thù xuất khẩu, đảm bảo có dung lượng lớn container vào thị trường trọng điểm để có cơ sở đàm phán giá với các hãng vận tải, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí logistics”, ông Nhựt nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận