Loạt "mánh khóe" đánh vào tâm lý khách hàng của siêu thị, ai vào cũng chi tiền nhiều hơn
Các siêu thị lớn cũng luôn có những thủ thuật đánh vào tâm lý để khiến khách hàng phải chi tiêu nhiều hơn so với nhu cầu thực tế.
Đi siêu thị là một hoạt động liên quan khá nhiều tới thói quen. Đa phần mọi người thường lên danh sách những món hàng cần mua, lên kế hoạch về thời gian, thời điểm đi mua để cho đỡ đông và mua sắm được những món đồ cần thiết một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất. Tuy nhiên, các siêu thị lớn cũng luôn có những thủ thuật để khiến khách hàng phải chi tiêu nhiều hơn so với nhu cầu thực tế.
Bước vào cửa các khu mua sắm, xe hàng luôn luôn được đặt sẵn
Đầu tiên, ngay từ khi bước vào các khu mua sắm, bạn sẽ thấy xe mua sắm được đặt sẵn ở đó. Nhưng không phải họ nghĩ đến sự tiện lợi của khách hàng, chỉ đơn giản là họ muốn khách sẽ bắt đầu mua sắm nhiều hơn từ cửa vào. Theo chuyên gia Martin Lindstrom, một nhà tư vấn tiếp thị, cho biết: Một thử nghiệm đã được thực hiện cho thấy kích thước của xe hàng càng to thì khách hàng càng có xu hướng mua hàng nhiều hơn. Cụ thể, kích thước xe hàng tăng gấp đôi thì khách mua hàng tăng khoảng 40% so với nhu cầu của họ.
Tận dùng các ngày lễ trong năm
Các siêu thị luôn tận dụng các ngày lễ như Giáng sinh, Phục sinh, ngày lễ tình nhân, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán… để tung các chương trình kích cầu tiêu dùng. Vào những ngày lễ này sẽ có những mặt hàng đặc biệt phù hợp với từng ngày lễ (ví dụ như socola cho ngày lễ tình yêu)… để khiến mọi người có nhu cầu mua. Và vì thế, khi bạn nhìn thấy những món hàng này, dù ban đầu bạn không hề có ý định mua chúng nhưng cuối cùng lại vẫn bị chúng hấp dẫn.
Hoa quả, rau xanh, tiệm bánh được đặt gần cửa ra vào
Tiếp đến, các quầy bán trái cây, rau xanh, tiệm bánh sẽ được đặt đầu tiên hoặc gần cửa ra vào. Lí do là vì không gian với màu sắc tươi ngon, hương thơm của bánh sẽ khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu, khỏe mạnh và quyết đinh mua chúng trong một phút bốc đồng dù cho ban đầu không có ý định đó. Chiêu này càng trở nên đúng hơn khi khách hàng mua sắm với một chiếc bụng đói. Các nhà bán hàng đã tận dụng triệt để yếu tố này khi sắp xếp quầy hàng. Khách đi mua với chiếc bụng đói sẽ bị hấp dẫn bởi bánh ngọt, trái cây và vì thế họ mất tự chủ, nhìn món nào cũng thấy ngon và sẽ quyết định mua chúng.
"Bẫy" ăn thử
Các sản phẩm miễn phí được phát cũng chính là để khuyến khích tiêu dùng. Bạn sẽ luôn thấy cảnh đến siêu thị và nhận được rất nhiều lời mời dùng thử thịt, pho mát, đồ ngọt... Theo một bài báo năm 2004 trên tờ Tin tức siêu thị, 68% người tiêu dùng ở thành phố Indianapolis (Mỹ) nói rằng các mẫu thử thuyết phục họ mua, điều này cho thấy rõ ràng chiêu thức này phát huy rất tốt doanh số cho các siêu thị, một số sản phẩm nhờ áp dụng hình thức này mà lượng bán tăng 600%.
Đánh vào sở thích của các nhóm đối tượng khách hàng
Một chiến lược khác được áp dụng chính là việc đánh vào sở thích, khao khát muốn mua của khách hàng và khiến họ bỏ qua việc liên quan đến giá cả. Vi dụ, trẻ em thường thích ngũ cốc hay đồ ăn vặt. Những loại sản phẩm này sẽ được bày bán ở vị trí ngang tầm mắt của chúng, nơi rất dễ nhìn để trẻ thấy ngay lập tức và muốn mua. Sự va đập vào tầm nhìn này sẽ khiến cho lượng sản phẩm được bán ra nhiều hơn.
“Mua 1 tặng 2” hoặc “Mua 3 tính tiền 2”…
Một cái bẫy khác chính là chiêu “mua 1 tặng 2” hoặc “mua 3 tính tiền 2”… Con số nghe có vẻ rất hấp dẫn nhưng lợi ích của người tiêu dùng thực ra không nhiều như người ta vẫn nghĩ. Mặc dù vậy, khách hàng vẫn bị hấp dẫn bởi chính sách bán hàng này. Nghe thì có vẻ như bạn sẽ được mua sản phẩm với giá rẻ hơn nhưng thực tế lại phải mua nhiều mới được áp dụng mức giá đó.
“Giá bán tâm lý”
Chiêu “Giá bán tâm lý” cũng được áp dụng một cách triệt để. Trong bài viết Giá bán tâm lý - chúng là gì và 5 chiến lược được giải thích bằng các ví dụ, có 5 thủ thuật về giá tâm lý: giá tròn, giá lẻ, theo thói quen, giá tương đối và uy tín. Trong đó, giá lẻ là chiêu được áp dụng phổ biến nhất trong các siêu thị và có nhiều cách thể hiện khác nhau: Số lẻ tạo cảm giác rằng thứ gì đó rẻ hơn hoặc được ưu đãi và giá trị hoàn thành bằng số 9 khiến chúng ta nghĩ rằng chúng thấp hơn giá thực tế. Ví dụ: Một sản phẩm có giá thực là 100K, nhưng siêu thị quảng cáo là đang được ưu đãi với số lượng là 99K.
Mua đủ số tiền quy định sẽ được tặng một món đồ miễn phí, hoặc được giao hàng miễn phí
Trên các trang web của siêu thị thường chạy thông báo rằng trong khoảng thời gian này bạn sẽ được giao hàng miễn phí, hoặc được tặng một món đồ miễn phí nếu mua đủ số tiền quy định. Tuy không đến mức đổ xô nhưng đây là chiêu trò có thể “moi tiền” từ túi khách hàng.
Các sản phẩm không bao giờ để cố định ở một vị trí
Khi đến siêu thị, chúng ta sẽ hay gặp phải tình cảnh một số sản phẩm cơ bản không ở cùng một vị trí. Để mua được hết những thứ mình cần bạn phải đi qua nhiều gian hàng, nhiều ngõ ngách khác nhau. Thậm chí nhiều cửa hàng còn luôn chuyển đổi vị trí bày sản phẩm để khiến khách hàng phải đi quanh quẩn để tìm. Điều đó có nghĩa là trong quá trình đi ngó nghiêng khắp nơi, bạn sẽ có thể mua thêm nhiều loại hàng khác nữa mặc dù ban đầu không hề có ý định mua.
Hệ thống ánh sáng trong siêu thị cũng là cái "bẫy"
Siêu thị sử dụng hệ thống chiếu sáng đặc biệt để làm cho rau trông tươi hơn, như thể chúng vừa được chuyển đến từ một trang trại. Ánh sáng rất quan trọng và ảnh hưởng đến việc mua hàng vì nó làm nổi bật một số sản phẩm. Ánh sáng đầy đủ khiến khách hàng cảm thấy bị thu hút bởi sản phẩm và mua nhiều hơn.
Các màu sắc sẽ rất ảnh hưởng tới tâm lý và bị chi phối mua hàng bởi chúng. Có thể bạn không để ý nhưng quầy hàng nơi chúng ta mua cá và pho mát luôn có màu trắng, bởi vì tông màu này giúp mọi người cảm nhận những sản phẩm này tươi, gọn gàng và sạch sẽ hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận