Loạt ‘đại bàng’ Mỹ tới Việt Nam: Cơ hội hợp tác đầu tư 'vô cùng lớn'
Chuyên gia cho rằng, Mỹ đang thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng “tự chủ, an toàn”. Theo đó, họ nhắm đến các quốc gia là đối tác “thân thiện” và giảm việc quá phụ thuộc chuỗi cung ứng vào một quốc gia nào đó nên dịch chuyển, tìm kiếm điểm đầu tư mới. Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn.
Phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay
Từ 21-23/3, đại diện hơn 50 công ty, tập đoàn Mỹ, trong đó có các hãng quốc phòng, dược phẩm, công nghệ… sẽ sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hằng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tổ chức.
Đại diện USABC cho biết, ngay trong chiều nay (21/3) sẽ tổ chức cuộc gặp mặt truyền thông báo chí để thông tin chi tiết hơn về chuyến thăm này. Chủ trì là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper (TBC), nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch và Tổng Giám đốc USABC… cùng một số doanh nghiệp tham gia phái đoàn.
Thông tin từ USABC cũng cho thấy, chuyến thăm lần này có nhiều tên tuổi lớn có mong muốn, có ý định hoặc đã đầu tư, muốn mở rộng ở Việt Nam như SpaceX, Netflix, Boeing, Lockheed Martin, Bell, Pfizer, Apple, Coca-Cola và PepsiCo…
Đại diện USABC đánh giá đây là phái đoàn thương mại lớn nhất của Mỹ từng đến Việt Nam.
Hồi tháng 5/2022, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR), Chủ tịch Tập đoàn Visa và một số CEO tài chính của Hoa Kỳ… Đại diện các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Vậy Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ ở những điểm gì, lĩnh vực gì?
Quan tâm nhiều lĩnh vực quan trọng, tìm kiếm đầu tư mới
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến 20/02/2022, Mỹ đứng thứ 11 trong danh sách 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ hiện có 1.145 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,3 tỷ USD.
Các nhà đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (43,1%) và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (32% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là cấp nước và xử lý chất thải, vận tải kho bãi…
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), đơn vị có 650 công ty hội viên và 2.500 cá nhân đại diện doanh nghiệp trên toàn Việt Nam, đóng góp hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài, tuyển dụng hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp.
AmCham cho biết, một trong các vấn đề được doanh nghiệp Mỹ quan tâm là việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng cacbon bằng 0 vào năm 2050, cần phải ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phải chăng và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn lực bên ngoài, AmCham cho biết.
"Tiêu chí quan trọng đối với nhiều nhà sản xuất Hoa Kỳ khi quyết định lựa chọn Việt Nam hay các quốc gia khác là khả năng nhanh chóng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo. Kế hoạch mở rộng các cơ sở hiện tại hoặc di chuyển chuỗi cung ứng phải bao gồm năng lượng xanh", đại diện AmCham nêu ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 diễn ra cuối tuần qua.
Trao đổi với Tiền phong, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam - cho rằng, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ là “vô cùng lớn”. Việt Nam có thể trở thành quốc gia nắm giữ vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của toàn cầu, khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ hưởng lợi, ông Bình nói.
“Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Nhu cầu đầu tư cũng như thu hút vốn nguồn vốn của cả hai bên đều lớn, nên khó có lý do gì để không tăng trưởng về đầu tư”, ông Bình nhận định.
Chia sẻ thêm, chuyên gia Lê Duy Bình cho biết Mỹ đang thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng “tự chủ, an toàn”. Theo đó, họ nhắm đến các quốc gia là đối tác “thân thiện” và giảm việc quá phụ thuộc chuỗi cung ứng vào một quốc gia nào đó nên dịch chuyển, tìm kiếm điểm đầu tư mới. Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn.
Theo ông Bình, gần đây có rất nhiều trao đổi đoàn xúc tiến đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Điều này báo hiệu đầu tư Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hơn, nhiều hơn.
Việt Nam cần làm gì để đón "đại bàng"?
Trên cổng thông tin Chính phủ, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: Tiềm năng phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có thể gấp 5, gấp 10 lần hiện tại.
Vị chuyên gia nêu rõ, những yếu tố khiến Việt Nam sẽ là lựa chọn đầu tư hợp tác của nhiều nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ. Cụ thể, về vị trí địa lý, ngoài việc nằm ở trung tâm của trục phát triển kinh tế Đông Nam Á - Nam Á, Việt Nam có hải phận đang chiếm gần 50% thương mại đường biển của toàn thế giới. Về hàng không, theo nhiều nghiên cứu, Việt Nam là một trong bảy điểm có thể phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của thế giới.
Thêm nữa, Việt Nam có vị trí sát cạnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc; có truyền thống thân thiện để có thể hợp tác với các quốc gia trên mọi châu lục, để phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam.
“Thế giới đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam. Người Mỹ biết tiềm năng của Việt Nam. Đầu tư vào Việt Nam là đầu tư vào cả một vùng phát triển trong tương lai. Thực chất, cộng đồng kinh doanh Mỹ đang rất kỳ vọng vào nền kinh tế Việt Nam. Họ chờ đợi Việt Nam bứt phá, trở thành con rồng Đông Nam Á để họ ủng hộ, hợp tác”, ông Thành nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình đánh giá, chất lượng đầu tư của doanh nghiệp Mỹ thời gian khá nhiều điểm mạnh. Đây là dòng vốn cần được đẩy mạnh thu hút thời gian tới.
Ông Bình nói, nhiều nhà đầu tư Mỹ có công nghệ sản xuất hiện đại. Việc thu hút đầu tư từ Mỹ mang cơ hội tiếp cận công nghệ nguồn cao hơn với Việt Nam. Chưa kể, doanh nghiệp Mỹ có tiêu chuẩn về môi trường, hướng đến xã hội cao, điều này phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam.
Một điểm mạnh từ dòng vốn của Mỹ cũng được ông Bình nhắc tới, đó là hiệu ứng lan tỏa. Quan sát tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, họ sử dụng rất nhiều quản lý cấp trung, cao cấp là người Việt Nam. Đồng thời họ có sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước cũng khá cao. Các nhà đầu tư Mỹ tập trung vào một số lĩnh vực phù hợp với chiến lược Việt Nam như ngành công nghiệp vũ trụ, năng lượng tái tạo, điện tử…
Bình luận thêm về thông tin đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam tìm hiểu thị trường, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - nhấn mạnh: Họ tới Việt Nam tìm cơ hội đầu tư là dịp rất tốt, nhưng vấn đề là chúng ta phải cam kết thay đổi môi trường đầu tư thực sự tốt để các nhà đầu tư yên tâm.
Ngoài những lợi thế lâu nay thường được nói tới, Việt Nam cũng cần thay đổi các yếu tố khác như thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng chất nguồn nhân lực.
Theo chuyên gia, doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam đầu tư hầu như không mang theo nhân lực như một số quốc gia khác nên cần chuẩn bị tốt khâu này nếu muốn đón được dòng vốn chất lượng cao từ các "đại bàng".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận