menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Bùi

Lo thiếu hụt nguồn cung thực phẩm cuối năm

Nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông, vận chuyển, Bộ NN&PTNT đề nghị, cùng với công tác phòng chống dịch, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa, để tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng.

Hiện giá lợn hơi trên toàn quốc đang dao động trong khoảng 51 - 55.000 đồng/kg, giảm 2.000- 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2021. Từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục xu hướng giảm do sức tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung phục hồi. Điều đáng nói, tuy giá lợn hơi liên tục giảm, song giá thịt lợn thành phẩm tại các chuỗi siêu thị, chợ truyền thống vẫn duy trì ở mức cao. Hiện các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Kim Liên giá thịt lợn vẫn dao động từ 120 - 150 nghìn đồng/kg tùy loại. Tại các siêu thị, giá thịt lợn phổ biến từ 120 - 210 nghìn đồng/kg tùy loại.

Bên cạnh đó, trái với đà lao dốc của giá lợn hơi, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng nhanh chưa từng có. Từ đầu tháng 8, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đều đồng loạt gửi thông báo tới khách hàng và đại lý về điều chỉnh giá bán mới. Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo tăng 400 đồng/kg với tất cả các thức ăn chăn nuôi đậm đặc, hỗn hợp cho lợn con tập ăn, lợn nái. Thức ăn hỗn hợp cho lợn còn lại tăng 300 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho gà, vịt, gia súc tăng 200 đồng/kg. Một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz, Công ty NHH Chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, Công ty TNHH CJ Vina Agri… cũng đồng loạt tăng giá sản phẩm. Giá thức ăn chăn nuôi gồm cám lợn, thức ăn hỗn hợp gia cầm, gia súc… tăng từ 250- 500 đồng/kg.

Một chủ trang trại chia sẻ, để nuôi một con lợn thịt đến lúc xuất chuồng, mất khoảng 3 triệu đồng tiền cám. Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 35%, với quy mô khoảng 500 con lợn thịt thì tính ra mỗi tháng trang trại phải chi hơn 140 triệu đồng. Giá lợn hơi ở mức khoảng 70 nghìn đồng/kg thì mới có lãi, nhưng giờ giảm xuống chỉ hơn 50 nghìn đồng/kg nên nuôi ngày nào lỗ ngày đó. “Chúng tôi giờ chỉ chờ đến lúc giá cám hạ nhiệt mới dám tính đến tái đàn. Người chăn nuôi hiện nay đang thực sự gặp rất nhiều khó khăn và hơn lúc nào hết, rất cần những khuyến cáo và giúp đỡ đến từ các cơ quan chức năng”, chủ trang trại này chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong bối cảnh giãn cách xã hội diễn ra ở diện rộng, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh khiến người nông dân gặp không ít khó khăn.

Một số chuyên giá đánh giá, từ nay đến cuối năm 2021, dịch tả lợn châu Phi còn xảy ra ở một số địa phương và những nơi dịch đã được khống chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, trong khi chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao… sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đẩy giá cám lên cao, ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn lợn.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Thành viên Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dư chấn của dịch tả lợn châu Phi chưa hết thì ngành chăn nuôi lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh do khâu thu mua, giết mổ bị đứt gãy. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước thời gian tới.

Hiện giá gà lông trắng tại nhiều tỉnh thành phía Nam giảm sâu. Trong khi đó, báo cáo của Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) nhận định, với lượng gia cầm vào đàn thấp, dự báo có thể sẽ có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp tết Nguyên đán 2022.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cho biết, việc thiếu hụt nguồn cung có thể dẫn đến tới việc phải tăng nhập khẩu các sản phẩm thịt gà đông lạnh. Từ năm 2019 đến nay, gà nhập khẩu chiếm khoảng 20% tổng lượng gà tiêu thụ trong nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới người chăn nuôi mà còn tác động đến an ninh thực phẩm.

Để đảm bảo giá thu mua cho nông dân, các doanh nghiệp cũng đề xuất Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đẩy mạnh tuyên truyền về chuỗi sản xuất để bà con tham gia. Bởi tham gia vào chuỗi thì giá sẽ ổn định hơn. Bên cạnh đó, để giảm gánh nặng cho ngành chăn nuôi, mới đây, Cục Chăn nuôi và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đồng thời kiến nghị Nhà nước xem xét đưa mặt hàng này vào nhóm bình ổn giá để sản xuất chủ động đầu vào và có kế hoạch đầu ra, từ đó giúp người chăn nuôi hạn chế rủi ro, thuận lợi hơn trong việc tính toán lợi nhuận.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông, vận chuyển, Bộ NN&PTNT đề nghị, cùng với công tác phòng chống dịch, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa, để tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng trong chăn nuôi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả