Lo nợ xấu chưa xử lý xong, NHNN đề xuất 'nâng cấp' Nghị quyết 42 thành Luật
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang lấy ý kiến cho dự thảo chính sách xử lý nợ xấu. Theo đó, đơn vị này đề xuất trình Quốc hội xây dựng “Luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập” để xử lý nợ của các TCTD.
425.400 tỉ đồng nợ xấu bị “treo” vì Nghị quyết 42 hết hạn
Cơ sở xây dựng là sẽ kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 (do Quốc hội ban hành năm 2017 về xử lý nợ xấu) còn phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.
Một lý do quan trọng để trình Quốc hội sớm xây dựng luật xử lý nợ xấu là vì Nghị quyết 42, do Quốc hội ban hành năm 2017, sẽ hết hiệu lực vào 15-8-2022.
Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.
“Việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong , trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được. Đồng thời, TCTD thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng”, văn bản có đoạn.
Bên cạnh đó, các quy định thí điểm tại Nghị quyết 42 sẽ được quy định trong Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD, được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý lâu dài, ổn định cho các TCTD xử lý nợ xấu, giảm sự xung đột giữa quy định tại Luật này với các luật chuyên ngành khác khi Luật này được ưu tiên áp dụng.
Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan, chủ yếu do việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ do có sự khác nhau giữa nội dung Nghị quyết số 42 với pháp luật chuyên ngành và một số quy định tại Nghị quyết vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. “Việc chỉ dừng lại ở Nghị quyết thí điểm đã dẫn đến tâm lý ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành tại một số cơ quan hữu quan”, báo cáo nhận định.
Vẫn còn khó ở khâu thực thi
Theo dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, qua gần năm năm triển khai, công tác xử lý nợ xấu của các TCTD đã có kết quả rõ rệt.
Theo đó, lũy kế từ 15-8-2017 đến 31-5-2021, toàn hệ thống đã xử lý được 353.8100 tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 (Không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).
Tổng số nợ xấu xử lý bình quân khoảng 6.060 tỉ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3.520 tỉ đồng/tháng).
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý và quá trình thực thi.
Cụ thể là do cấu trúc hệ thống pháp luật về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu của TCTD đa dạng, số lượng văn bản quy phạm pháp luật còn lớn. Do tính trùng lặp của hệ thống pháp luật, nên khi có sự điều chỉnh một văn bản sẽ ảnh hưởng đến nội dung của văn bản khác, tạo ra sự thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo thống kê từ các TCTD và VAMC, các khó khăn, vướng mắc phần lớn tập trung ở công tác phối hợp, thực thi giữa các TCTD và các cơ quan có thẩm quyền có liên quan (cơ quan thuế, thi hành án, công an, chính quyền địa phương...).
Chẳng hạn, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, dẫn đến rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp người vay không hợp tác.
Một vấn đề khác liên quan đến quy trình thủ tục của tòa án. Rất dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới, vô hiệu hóa các thủ tục tố tụng rút gọn mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn, theo quy định tại Nghị quyết 42.
Do đó, ngoài việc đề xuất luật hóa Nghị quyết 42, NHNN cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện còn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Hệ lụy khi chấm dứt Nghị quyết 42 Theo NHNN, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ gặp phải một số tác động như trước khi có Nghị quyết 42, cụ thể: - Giảm ý thức tự trả nợ của khách hàng, quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD sẽ không được bảo vệ, làm ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng, nhà đầu tư. Từ đó dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát nợ xấu phát sinh và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bênh Covid-19 bùng phát. - Phát sinh chi phí cho tòa án do bên xử lý tài sản không có lựa chọn nào khác ngoài tòa án để tiến hành thu giữ, xử lý TSBĐ khi chủ tài sản không đồng ý, do đó, làm tăng các vụ việc phải giải quyết tại tòa. - Phát sinh chi phí cho TCTD, VAMC trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm như chi phí tòa án, chi phí do kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm, giảm giá trị thu hồi từ xử lý tài sản bảo đảm, tăng chi phí xử lý nợ, tăng trích lập dự phòng,... - Gặp khó trong thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản đảm bảo của nợ xấu, gây khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC, không kích thích được việc mua bán, chuyển giao khoản nợ xấu giữa TCTD, VAMC với các bên khác. - Ảnh hưởng đến việc phân bổ lãi dự thu, chênh lệch bán nợ xấu của các TCTD, có thể đẩy TCTD có thể lâm vào tình trạng đổ vỡ khi số lãi dự thu phải thoái và phần chênh lệch giá trị khoản nợ, giá khoản nợ lớn, gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống TCTD. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận