menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Trung

Lo ngại tổng thu ngân sách từ thuế giảm so với quy mô nền kinh tế

Thực trạng hệ thống thuế hiện nay của Việt Nam còn phức tạp, chưa tương đồng với các nước trên thế giới. Một số sắc thuế còn khá cao, kém cạnh tranh, trong khi một số sắc thuế khác lại chưa có; cấu trúc thu ngân sách kém bền vững; tình trạng trốn và tránh

Thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống là xu hướng đáng lo ngại

Tại diễn đàn, chuyên gia về thuế thuộc Tổ chức Oxfam Johan Langerock nhận định, năm 2018, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm với 7,1% và động lực mạnh mẽ này dự kiến sẽ được tiếp tục trong năm 2019.

Chỉ trong một thế hệ, Việt Nam, từ một trong những nước nghèo, thường xuyên thiếu hụt lương thực, đã trở thành một nền kinh tế với mức thu nhập trung bình thấp, đồng thời là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy hải sản, cà phê và các loại hàng hóa khác.

Theo ông Johan Langerock, kinh tế phát triển cũng đi kèm với trách nhiệm cao hơn. Nhưng, số liệu cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam thời gian qua không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế. Tổng thu ngân sách từ thuế đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự bền vững của quốc gia.

Việc thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống là một xu hướng đáng lo ngại vì nhiều lý do. Trong đó, xu hướng này đồng nghĩa với việc hệ thống thuế hiện tại đang thất bại trong việc nắm bắt và phân phối lại thu nhập và tài sản của quốc gia. Một số báo cáo đã chỉ ra các lợi ích của việc phát triển kinh tế của Việt Nam đang ngày càng tập trung vào 10% dân số giàu nhất.

Bên cạnh đó, theo PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR), mặc dù đã có nhiều cải cách tích cực, thực trạng hệ thống thuế hiện nay của Việt Nam còn phức tạp, chưa tương đồng với các nước trên thế giới.

“Một số sắc thuế còn khá cao, kém cạnh tranh, trong khi một số sắc thuế khác lại chưa có; cấu trúc thu ngân sách kém bền vững; tình trạng trốn và tránh thuế còn nhiều phức tạp; chu trình ngân sách kém hiệu quả; thực trạng phân chia nguồn thu giữa trung ương và địa phương còn nhiều bất cập”, Viện trưởng VEPR chỉ rõ.

Doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ ưu đãi thuế

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương (Tổ chức Oxfam Việt Nam), thuế là nguồn tài chính quan trọng cho phát triển, giải quyết nghèo đói và bất bình đẳng. Ở Việt Nam, nguồn thu ngân sách từ thuế qua các năm giảm dần, thu ngân sách đã giảm từ mức 27,3% GDP (2010), xuống 23,7 % GDP (năm 2016).

Một trong những lý do giảm thu ngân sách và thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong những năm qua là do sụt giảm nguồn thu từ thuế và giảm sụt giá dầu thô. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ năm 2006, mức 6,9% GDP năm 2010, xuống còn 4,3% GDP năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.

Lo ngại tổng thu ngân sách từ thuế giảm so với quy mô nền kinh tế

Ước tính, năm 2012 - 2016, tổng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cho các doanh nghiệp bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, tương ứng với 5% tổng chi ngân sách nhà nước và luôn cao hơn số tiền mà ngân sách nhà nước chi cho y tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. Năm 2016, thuế suất phổ thông là 20%, thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%.

Các chuyên gia tại diễn đàn cũng khẳng định, xét ở góc độ rộng hơn, ưu đãi thuế không chỉ là vấn đề ở cấp độ quốc gia. Đây còn là một cuộc đua khốc liệt về các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp giữa các quốc gia trong khối ASEAN.

Các công ty trong khu vực ASEAN đã và đang trả mức thuế ngày càng thấp trong thập kỷ qua. Trong môi trường kinh doanh như vậy, các công ty lớn và các cổ đông giàu có ngày càng hưởng nhiều lợi ích, trong khi các dịch vụ công thiết yếu cho người dân thường chưa được đầu tư phát triển đúng mức.

Như vậy, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể, làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Và nếu cắt giảm các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thu ngân sách 20%, trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

Phân tích mô phỏng cho thấy, việc xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho các nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua việc tăng đầu tư phát triển hay tăng trợ cấp cho người nghèo.

Xét về khả năng loại bỏ ưu đãi thuế của Việt Nam, chuyên gia về thuế Johan Langerock tin tưởng, Việt Nam có thể loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia.

“Đã đến lúc Việt Nam cần có lý giải hợp lý các khoản chi tiêu qua thuế cho các công ty lớn. Tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan nhà nước chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân tích hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế. Chúng ta không thể bỏ qua việc tính toán này vì chi phí phải đánh đổi về mặt xã hội là quá lớn”, ông Johan Langerock khẳng định.

Chuyên gia này cũng đưa ra hai khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam: Thứ nhất cần loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh giá tác động; Thứ hai, với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại