24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lo ngại tình trạng đầu tư "núp bóng" vẫn hiện hữu trong ngành gỗ

Trong ngành gỗ, nhóm doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện đã trở thành một hợp phần quan trọng không thể tách rời. Tuy nhiên, lo ngại tình trạng đầu tư “núp bóng” vẫn hiện hữu, gây ra nhiều rủi ro thương mại và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của toàn ngành.

Tiếp tục là một địa chỉ tích cực về thu hút FDI

Trong báo cáo "Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Thực trạng 2020 và xu hướng phát triển" nhằm cập nhật những thông tin về đầu tư FDI vào ngành gỗ trong năm 2020 do nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam… vừa công bố cho hay, bất chấp các tác động tiêu cực của Covid-19, kết quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư FDI vào ngành đến hết năm 2020 cho thấy sự phát triển vượt bậc của các DN FDI trong ngành.

Tính đến hết năm, ngành gỗ nhận được 63 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 327,7 triệu USD, 52 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 193,6 triệu USD, 122 lượt góp vốn mua cổ phần, với giá trị góp vốn đạt 244,8 triệu USD. Mặc dù các con số này đều thấp hơn các con số của năm 2019, các con số của năm 2020 tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn của ngành trong các hoạt động đầu tư FDI. Các con số của năm 2020 và của các năm trước đó cho thấy ngành gỗ sẽ tiếp tục là một địa chỉ tích cực về thu hút FDI.

Báo cáo cũng chỉ rõ, nguồn vốn đầu tư FDI chủ yếu từ các nước và vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore, chủ yếu tập trung vào các tỉnh Đông Nam bộ. Vốn đầu tư trung bình mỗi dự án nhỏ, và các hoạt động đầu tư tập trung vào sản xuất các sản phẩm gỗ như bàn ghế, giường, tủ, bàn ghế sofa, tủ bếp, gỗ dán… là các đặc điểm chính của các hoạt động đầu tư FDI vào ngành năm 2020. Các đặc điểm này tương đồng với năm 2019.

Cũng giống như năm 2019, xuất khẩu của các DN khối FDI năm 2020 tiếp tục thể hiện tính vượt trội so với khối các DN nội địa. Khối này có 653 DN FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu, chiếm 18% trong tổng số DN xuất khẩu, với kim ngạch đạt 6 tỷ USD, chiếm 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

So sánh với con số 2.676 DN và 5,9 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu của khối DN nội địa cho thấy các DN FDI đã vượt xa DN nội địa về quy mô xuất khẩu. Sự vượt trội này có thể là do sự khác biệt về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ và quản lý, quy mô vốn đầu tư, tiếp cận thị trường của các DN FDI so với DN nội địa.

Theo ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia Tổ chức Forest Trends, mặc dù FDI hiện là bộ phận không thể tách rời của ngành gỗ, một số hoạt động đầu tư FDI ẩn chứa rủi ro lớn và điều này đã và đang làm tổn hại tới ngành gỗ.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - chia sẻ, tình trạng đầu tư chui ở Việt Nam có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Đó là các thương nhân Trung Quốc đến một công ty tại Việt Nam thuê lại nhà máy, ký hợp đồng dưới dạng nhân viên kỹ thuật. Các nhà đầu tư này bỏ tiền ra để tổ chức sản xuất, nhập các mặt hàng gỗ đang bị áp thuế bán phá giá của Mỹ từ Trung Quốc vận chuyển về Việt Nam. Sau đó hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế. Một dạng đầu tư núp bóng khác đó là các công ty Trung Quốc vào đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhưng không thuê nhà xưởng, nhân viên... Họ để người Việt đứng tên công ty của người Việt, hoạt động sản xuất của công ty Việt và kho tàng, bến bãi của Việt Nam.

Thực tế, một số hoạt động đầu tư FDI trong các dự án mới, dự án tăng vốn mua cổ phần… tập trung vào các mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, ghế sofa và bộ phận của ghế sofa. Đây là các mặt hàng chứa đựng các yếu tố rủi ro về lẩn tránh thuế nhập khẩu từ Mỹ. Theo ông Nguyễn Liêm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, tình hình đầu tư núp bóng, đầu tư chui đang diễn ra khá nghiêm trọng nhưng để xử lý được rất khó.

Hiện tại Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất cho ngành gỗ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu gỗ vào thị trường này năm 2020 lên tới trên 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN trong cả nước. Điều này có nghĩa rằng, biến động từ thị trường này sẽ có tác động đến toàn ngành, ảnh hưởng đến các mục tiêu mà ngành đặt ra. Đến nay, tín hiệu biến động từ thị trường Mỹ đã rõ ràng. Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ đang tiến hành điều tra về toàn ngành gỗ Việt theo Điều khoản 301. Điều tra này một phần dựa trên cáo buộc rằng có tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng vào ngành gỗ Việt Nam nhằm hưởng lợi thuế nhập khẩu từ Mỹ.

Xây dựng các biện pháp giảm rủi ro

Nhận biết được tính nghiêm trọng của tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang nỗ lực kiểm soát tình hình và đưa ra các biện pháp giảm rủi ro. Về phía Bộ Công Thương, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - cho biết, Cục đã lưu ý các hiệp hội, DN và thông báo với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan. Qua đó nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác. Đồng thời, đề nghị các DN không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Về phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, hiện hiệp hội đang xây dựng bộ tiêu chuẩn cho gỗ nhập khẩu về Việt Nam để gửi cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ thành lập nhóm công tác, phối hợp với địa phương để giải quyết tình trạng này.

Tháng 2/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành nhằm kêu gọi kiểm soát chặt chẽ đối với các hành vi chống gian lận xuất xứ đối với các sản phẩm gỗ. Văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh thành kiểm tra các dự án đầu tư FDI để giảm rủi ro trong gian lận xuất xứ, ưu tiên lựa chọn các dự án có tính vượt trội về công nghệ, tham vấn với các hiệp hội gỗ về các dự án đầu tư, xem xét kỹ các dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng có yếu tố rủi ro gian lận.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện hiệu quả kêu gọi này đòi hỏi các tỉnh cần có sự quan tâm thích đáng tới các hoạt động đầu tư FDI tại địa phương mình, thiết lập các cơ chế kiểm tra, giám sát, với sự tham gia của các bên liên quan. Trong bối cảnh này, phối hợp với hiệp hội quốc gia và các hiệp hội địa phương, các DN nội địa cũng như các DN FDI làm ăn chân chính có vai trò then chốt để thực hiện hiệu quả việc kiểm tra giám sát, nhằm loại bỏ rủi ro về đầu tư chui, đầu tư núp bóng trong đầu tư FDI vào ngành.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho hay: Với thị trường trong nước, việc đầu tư núp bóng sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây xáo trộn môi trường kinh doanh. Đối với quốc tế, đầu tư núp bóng để gian lận xuất xứ sẽ làm hình ảnh ngành gỗ Việt Nam bị hoen ố. Các nước sẽ đưa ra một loạt chính sách về thương mại, các hàng rào kỹ thuật đối với Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả