Lo khối ngoại tiếp tục bán ròng, dòng tiền nội có trụ nổi?
Năm 2021, cổ phiếu HPG bị bán ròng mạnh nhất trong khi VHM được mua ròng nhiều nhất. Các chuyên gia cho rằng xu hướng bán ròng sẽ còn tiếp tục trong năm 2022.
Tổng lượng bán ròng đạt 1,4 tỷ cổ phiếu
Mặc dù ghi nhận nhiều thành tích và kỷ lục đáng kể, chứng khoán Việt Nam được hỗ trợ phần lớn bởi dòng tiền nội địa trong khi giao dịch khối ngoại trong năm 2021 ghi nhận giá trị bán ròng đạt hơn 62.358 tỷ đồng. Trong thập kỷ qua, thị trường chứng khoán chỉ ghi nhận năm 2016 và 2020 có hiện tượng khối ngoại bán ròng với mức "xả" lần lượt là 7.729 tỷ đồng và 15.741 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ riêng năm 2021, tổng lượng khối ngoại bán ròng cao gấp 2,5 lần lượng bán ròng cả một thập kỷ qua.
Theo ông Chu Tuấn Linh - Phó giám đốc khối IB, Công ty Chứng khoán An Bình, thực tế, xu hướng khối ngoại bán ròng không chỉ diễn ra tại thị trường chứng khoán Việt Nam mà xảy ra trên nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu.
"Không chỉ thị trường Việt Nam mà các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia cũng xảy ra hiện tượng khối ngoại bán ròng tăng" - ông nói. Bên cạnh đó, lượng bán ròng này cũng được khối nội hấp thụ hết nên không gây ra nhiều ảnh hưởng mạnh đến thị trường.
Năm vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài mua vào tổng cộng 9,5 tỷ cổ phiếu với giá trị 411.860 tỷ đồng, trong khi bán ra 10,9 tỷ cổ phiếu có trị giá 474.185 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức trên 1,4 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 62.325 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần năm 2020.
Khối ngoại chủ yếu bán mạnh trên sàn HoSE với giá trị kỷ lục 57.832 tỷ đồng, gấp 3,8 lần năm ngoái và là năm bán ròng thứ 2 liên tiếp. Trong khi HNX bị khối ngoại bán ròng với giá trị cũng lên mức kỷ lục 3.095 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2020 còn sàn UPCoM ghi nhận nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.398 tỷ đồng, tương ứng tăng 24% so với năm 2020.
HPG bị bán ròng gần 19.000 tỷ đồng
Trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong năm 2021, HPG dẫn đầu với giá trị bán ròng lên tới 18.925 tỷ đồng (0,8 tỷ USD). Cổ phiếu HPG trong năm 2021 đã ghi nhận những đợt tăng giá mạnh từ kỳ vọng hưởng lợi lớn trong bối cảnh giá thép tăng phi mã, thị giá thiết lập mức đỉnh lịch sử 58.000 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch 28/10. Đây cũng là nguyên nhân khiến khối ngoại đẩy mạnh bán ròng nhằm "chốt lời" cổ phiếu này khi thị giá đã đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm, giá cổ phiếu HPG đã quay đầu lao dốc, kết phiên cuối năm, thị giá HPG đạt 46.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm khoảng 20% kể từ vùng đỉnh.
Cổ phiếu VPB của ngân hàng VPBank cũng bị bán ròng mạnh hơn 9.300 tỷ đồng. Tiếp đến là VNM của công ty sữa Vinamilk với giá trị ròng 6.630 tỷ và VIC của Tập đoàn Vingroup bị nước ngoài rút ròng 6.129 tỷ đồng. Đa phần các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng đều thuộc nhóm vốn hóa lớn trên sàn niêm yết HoSE.
Top 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm còn có sự hiện diện của "ông lớn" ngành ngân hàng là CTG của Ngân hàng Công Thương với 5.198 tỷ đồng, ngành chứng khoán là SSI với 4.098 tỷ đồng.
Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan cũng nằm trong top bị bán ròng nhiều nhất dù theo thống kê của Algo Platform, cổ phiếu MSN đã giúp VN-Index tăng 0,44% trong tháng 12, đứng đầu toàn thị trường. Tính đến hết phiên 31/12, Masan có vốn hóa gần 202.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau Vingroup, Vinhomes, Vietcombank và Hòa Phát.
Ở chiều ngược lại, mã Bluechip là VHM của Vinhomes dẫn đầu danh sách mua ròng khi được khối ngoại rót ròng 4.664 tỷ đồng trong cả năm 2021. Theo sau là STB của Sài Gòn Thương Tín với giá trị mua ròng đạt 4.206 tỷ đồng. Thị giá hai cổ phiếu này trong năm 2021 diễn biến khá tích cực, VHM tăng 17% sau 1 năm giao dịch trong khi STB tăng 46,3%.
Những mã khác được mua ròng hàng nghìn tỷ đồng còn có bộ đôi chứng chỉ quỹ ETF nội là FUEVFVND và FUESSVFL. Mã MWG của Thế Giới Di Động, THD của Thaiholdings và PLX của Petrolimex.
Xu hướng bán ròng sẽ vẫn tiếp diễn
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của các biển chủng mới trong năm 2021 làm tăng sự lo ngại về thị trường chứng khoán với các nhà đầu tư là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán ròng.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám Đốc phân tích Chứng khoán Yuanta, chứng khoán Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh - là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. "Các quỹ đã đạt được tỉ suất sinh lời ổn và đó là cơ hội để các quỹ tổ chức thực hiện việc bán ra, cơ cấu lại danh mục và chốt lời" - ông Minh lý giải động thái bán ròng mạnh thời gian qua.
Ông Chu Tuấn Linh cho rằng năm 2022, xu hướng bán ròng vẫn sẽ tiếp diễn. Nguyên nhân do Fed phát tín hiệu về việc có thể sớm tăng lãi suất trong năm 2022 - việc này sẽ bất lợi cho thị trường chứng khoán khi nước ngoài sẽ thu hút dòng vốn quay về.
Tuy nhiên, vẫn cần chờ thêm chính sách của Nhà nước đối với nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.
Việc đảo chiều cũng có thể xảy ra khi nền kinh tế hồi phục, điều này tạo niềm tin cho dòng vốn ngoại trở lại. Đặc biệt, ông Chu Tuấn Linh nhấn mạnh việc thị trường chứng khoán Việt Nam với những tín hiệu tích cực đang được xem xét nâng hạng thị trường trong thời gian tới.
"Nếu không nâng hạng được thị trường sẽ khó giải quyết vấn đề bán ròng của khối ngoại", ông Linh nói.
Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco cũng đồng tình cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ duy trì đà bán ròng trong nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên, triển vọng nửa sau của năm 2022 sẽ tươi sáng hơn khi thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội nâng hạng và tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo động lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút dòng vốn ngoại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận