24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Học
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lộ diện ngân hàng yếu kém về tay "ông lớn" Vietcombank và MB?

2 ngân hàng CBBank và OceanBank cuối cùng cũng đã có hướng xử lý sau một thời gian khá dài tìm kiếm các giải pháp phù hợp. Đồng thời, Vietcombank và MB cũng vừa cho biết, sẽ nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.

Dần lộ diện ngân hàng yếu kém Vietcombank và MB nhận chuyển giao bắt buộc

Trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ cho biết, trong năm 2021 đã tích cực triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là công tác xây dựng, ban hành nhiều văn bản, chính sách với các quy định rõ ràng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý thống nhất trong thực hiện đầu tư, quản lý, giám sát các TCTD, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó, đã tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và xây dựng, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu phù hợp với diễn biến dịch bệnh; tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro...

Đặc biệt, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongABank)

Cụ thể, tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới, trong đó đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Trùng hợp ở chỗ, đại hội cổ đông thường niên mới đây của Vietcombank và MB đều đã thông qua việc tham gia tái cơ cấu hai ngân hàng yếu kém theo hình thức chuyển giao bắt buộc.

Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank, cho biết Vietcombank dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và quy định pháp luật.

"Hiện, Vietcombank vẫn đang triển khai các thủ tục cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước và chưa thể trả lời Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc TCTD cụ thể nào. Còn TCTD yếu kém này đang nằm trong sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước", ông Dũng nói và cho biết, nếu nhận chuyển giao bắt buộc Vietcombank sẽ mất tối đa 10 năm để tái cơ cấu TCTD được chuyển giao.

Trước đó, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB chia sẻ, MB sẽ nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém nhưng chưa thể công bố danh tính ngân hàng yếu kém mà MB nhận chuyển giao bởi đây là thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Thái ngân hàng yếu kém này có quy mô tài sản thấp hơn 10% so với tổng tài sản của MB và lỗ lũy kế không vượt quá 20.000 tỷ đồng.

Ông Thái cho biết thêm, việc chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng, MB không phải bỏ tiền mua ngân hàng này, mà MB còn được hỗ trợ về giấy phép, được hỗ trợ một khoản tiền từ phía Nhà nước một nửa phần âm vốn hiện tại của tổ chức này.

Sau khi triển khai tái cơ cấu, MB có 3 phương án xử lý: sáp nhập vào MB, IPO chuyển thành một ngân hàng cổ phần hoặc bán hoàn toàn ngân hàng đó đi.

Hai ngân hàng nhận chuyển giao sẽ không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD còn lỗ lũy kế, đồng thời không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Ngoài MB và Vietcombank, được biết VPBank và HDBank cũng có tờ trình ủy quyền cho Hội đồng quản trị xem xét tham gia chương trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, nhưng thông tin chi tiết chưa được công bố. Tuy nhiên, theo như thông tin kể trên, rất có thể VPBank và HDBank sẽ là các ứng viên tham gia tái cơ cấu 2 nhà băng còn lại là GPBank và DongABank?

Thách thức lớn từ nợ xấu?

Còn nhớ vào năm 2015, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với CBBank, GPBank và OceanBank nhằm tái cơ cấu, đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán 2 năm sau đó của Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc tái cơ cấu các ngân hàng này chậm và chưa triệt để; thực trạng tài chính của các ngân hàng không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc thu hồi nợ xấu khó khăn.

Cụ thể, nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; OceanBank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ. Đối với CBBank thì nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỷ đồng). Kiểm toán cũng ước tính, số lỗ mỗi năm của 3 ngân hàng này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tất nhiên, sau khi được mua 0 đồng, với sự tham gia của các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank cùng sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu trong quản trị điều hành, nợ xấu của những ngân hàng này bước đầu được xử lý và thu hồi.

Lộ diện ngân hàng yếu kém về tay "ông lớn" Vietcombank và MB?
Tổng hợp báo cáo tài chính quý I/2022. (Ảnh: LT)

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt của nền kinh tế trong hơn 2 năm qua, một số chuyên gia lo ngại việc cơ cấu lại ngân hàng yếu kém trong giai đoạn này sẽ khó khăn hơn so với trước đây. Bởi nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng "phình" to trong khi tiến độ xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng bị chậm lại, tồn đọng kéo dài.

Thống kê tại gần 30 ngân hàng thương mại, tổng số nợ xấu tính đến cuối quý I/2022 đạt gần 110.000 tỷ đồng, tăng gần 10.500 tỷ đồng so với đầu năm.

Bản thân 2 ngân hàng tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém qua chuyển giao bắt buộc là Vietcombank hay MB có số dư nợ xấu tăng lần lượt 36,8% và 26,4% so với đầu năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả