Lộ diện đường dây lừa “kiếm tiền online”: Điều khiển từ xa
“Cả phòng làm việc có khoảng 50 người. Điều hành công ty là một nhóm người nước ngoài. Còn khách hàng vào mạng để… đầu tư chủ yếu là người Việt. Bọn em sang đây làm nhân viên được quản lý kỹ lắm, phải tuân thủ theo nội quy rất nghiêm ngặt nhưng bất thành văn. Nếu vi phạm, có khi tính mạng cũng sẽ không được đảm bảo”, một cô gái tiết lộ.
Điều bất ngờ đó là qua xác minh, chúng tôi phát hiện đường dây đã dùng mọi “thủ thuật” để đánh lòng tin của “con mồi”, trong đó có việc mạo danh một doanh nghiệp môi giới chứng khoán, đầu tư ngân hàng, tài chính có tên tuổi tại TP Hồ Chí Minh. Khi đã “vỗ béo” được con mồi, cả bọn… “lặn mất”.
“Vỗ béo lợn để… thịt”
Khi thấy tôi lo lắng, sợ mất tiền, một số “người chơi” biểu thị đồng cảm: “Khi tôi mới vào chơi, cũng có tâm trạng y như anh”. Tuy nhiên, qua giữ mối liên lạc gần cả chục ngày, trao đổi riêng cả ngoài giờ làm việc, nhất là khi nghe tôi nói đang muốn kiếm tiền nhanh để “tậu” nhà, “tậu” siêu xe, một nick đã đổi giọng mà quên luôn mình đang là “người của công ty lừa”. Họ liên tục thúc tôi bỏ tiền vào đầu tư, dù chỉ với mức thấp nhất… Khi tôi thắc mắc sao chậm trả lời mỗi khi “thượng đế” gửi tin nhắn, một nhân viên trả lời lộ thêm ý rằng do phải chịu trách nhiệm nhiều nick Zalo, cùng lúc săn sóc nhiều khách nên mới như thế.
“Theo quy định của công ty, trung bình 3 ngày, bọn em sẽ thay 1 group. Để vào được nhóm, người chơi phụ thuộc vào nhân viên giới thiệu ban đầu. Nghĩa là người chơi phải có link, mới vào được. Vị trí của “nhóm trưởng” cũng luân phiên nhau giữa Anh Đào, Hải Yến, Hải Anh,… “Thủ lĩnh” Anh Đào, có tên thật là Tuyến, quê Tây Ninh, còn có các nick khác là Tiểu Vũ, Lục Trà. Hay như Hải Yến, tên thật là Dũng; Hải Anh tên thật là Linh, còn có nick khác là Tiểu Linh… Cùng lúc, họ chỉ đạo nhiều nhóm”, một “khách” tiết lộ.
Được hỏi về lương, một nick cho biết, trong tháng đầu tiên, đúng như nội dung tuyển dụng, cô được gần 7,5 triệu đồng. “Lương ít là do công việc của bọn em là đơn giản nhất. Chứ những người vào trước, có năng lực thu nhập rất cao”, nick này nói thêm.
Như để tôi dễ hình dung, nhân viên này chụp gởi tôi xem mức thu nhập của một số “thủ lĩnh” trong group. Đánh dấu vào vị trí của người đứng đầu danh sách có mức thu nhập (gần 900 triệu đồng), nhân viên này giải thích: “Chỉ chưa được nửa tháng mà khủng như vậy đó. Nhưng anh biết không, đằng sau con số này, có khi đã có người tự tử, bán nhà, ngã bệnh... Đó thực ra là số tiền mà khách bị… ngộp, không còn khả năng tài chính để bù đơn. Cũng như thu nhập hơn 80 triệu đồng của tôi là nhờ 2 khách bị đuối sức, một bị mất hơn 50 triệu, người kia gần 30 triệu. Hay nói cho dễ hiểu, khi khách ngộp thì mình có sống”, nhân viên này kể.
“Nhưng khách ngộp là do mình chủ động hay do khách?”, tôi hỏi. Tôi không được trả ngay mà được xem một đoạn tương tác nhân viên hướng dẫn với khách. Nhân viên này giải thích do thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của “thầy” không đạt nên khách bị buộc phải nộp tiền gọi là “bù đơn”. Vào gần cuối giờ, “bù đơn” không kịp nên mọi thao tác phải chờ sang “phiên giao dịch” ngày hôm sau. Nhưng hôm sau, khách đối mặt trước 2 tình huống. Nếu xoay xở, gom đủ tiền nộp “bù đơn” sẽ được chơi tiếp. Còn bằng không, sẽ trắng tay, mất luôn “cả chì, lẫn chài” và tất nhiên, không còn cơ hội để trách cứ, khiếu nại hay xin xỏ. Tôi cũng đã chủ động để 1 nick khác của mình “bị ngộp” và chấp nhận mất… 150 nghìn đồng.
Khi tôi nói từng nghe có “nhà đầu tư” trúng hàng trăm triệu đồng, một nick khác lý giải chi li, vẫn phải để một tỷ lệ người chơi trúng mấy nhiệm vụ đầu bởi phải vậy, khách mới hứng thú chơi tiếp. Nhưng với những khách chơi lên tới vài trăm triệu đồng, nhận thấy dấu hiệu sắp… ngộp, không còn tiền để chơi tiếp thì “thầy” sẽ cho khách rơi tình huống khó xử nhất rồi chủ động lặn luôn. Khi đó, “nhà đầu tư” không thể nào rút tiền ra được nữa. “Giống như nuôi heo lấy thịt vậy đó anh. Đầu tiên là dẫn khách - vỗ béo - lấy thịt rồi giết khách”, nhân viên này nói.
Mạo danh và… điều khiển từ xa
Khi chúng tôi hỏi thông tin về công ty, điều phối viên cho biết “công ty đặt ở Sài Gòn”. Tuy nhiên, khi tôi nói muốn có địa chỉ cụ thể thì người này yêu cầu tôi liên hệ lại với tư vấn viên. Tôi xem nội dung tương tác mà nick Bella Hoàng My với một khách, thì thấy người này cho biết địa chỉ công ty đặt tại tầng 5 và 6, tòa nhà AB, 76 Lê Lai, quận 1. Tôi kiểm tra nhanh địa chỉ vừa kể thì thấy đây là trụ sở của Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, có tên viết tắt là HSC.
Khi chat với một khách, Hoàng My nói rằng nền tảng “HSC-Kiếm tiền online” là một trong những dịch vụ của HSC và cô ta là nhân viên thuộc bộ phận chăm sóc khách hàng cá nhân. “Bọn em không ngồi tại trụ sở mà thường di chuyển ở các sàn giao dịch. Tuy nhiên, khi nào anh tới công ty thì gọi cho bọn em. Nhưng mà em cũng nói trước để anh biết, theo quy định, không ai được tiếp khách trực tiếp nếu khách đầu từ ở mức dưới 3 tỷ”, cô nhân viên này trả lời như thế sau khi tôi xin cuộc hẹn làm việc trực tiếp.
Bella Hoàng My còn cung cấp cho tôi “Danh sách đơn giật”, ghi rõ giá trị đầu tư, tỷ lệ huê hồng tương ứng và giá trị tổng mà “nhà đầu tư” sẽ được rút để nâng cấp đơn (chơi tiếp ở cấp tiếp theo), hạ đơn (giản xuống 1 cấp) và bỏ đơn (dừng cuộc chơi). Theo danh sách này, có 10 mức đầu tư với 4 mức huê hồng. Ở 3 mức đầu tiên (1, 3 và 5 triệu đồng), tỷ lệ huê hồng là 30%; mức hai (10, 30, 50 triệu đồng), huê hồng 40%; mức ba (100, 200 và 500 triệu đồng), huê hồng 50%. Đặc biệt, ở mức đầu tư cuối cùng - mức 1 tỷ đồng, huê hồng lên đến 60%. Cũng như các mức đã kể, nhà đầu tư chỉ được rút tiền khi đã đạt đủ mức lợi nhuận. “Do hoạt động online nên nền tảng đầu tư này giao dịch suốt tuần, cả thứ bảy, chủ nhật anh nhé!”, Bella Hoàng My nói.
Để làm rõ nhiều điều hoài nghi, ngày 6/7 vừa qua, PV Báo CAND đã cung cấp một số tư liệu, tài liệu thu thập được; đồng thời đề nghị phía Công ty CP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) xác nhận một số vấn đề có liên quan đến hoạt động của các nhóm được thiết lập trên Zalo có tên “HSC-Kiếm tiền online”. Đến cuối giờ cùng ngày, chúng tôi đã nhận được nội dung trả lời chính thức từ phía HSC khẳng định công ty đã bị mạo danh.
Theo xác minh của PV Báo CAND, “đại bản doanh” nơi nhóm đối tượng kể trên hoạt động đặt tại nước ngoài để tổ chức các hành động lừa đảo.
Phúc đáp nội dung làm việc của PV Báo CAND, đại diện Công ty CP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, HSC cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính thuộc các lĩnh vực môi giới chứng khoán, đầu tư tài chính, ngân hàng đầu tư và nghiên cứu theo giấy phép hoạt động cấp bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tuân thủ theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và pháp luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam. “HSC hiện không có dịch vụ nào như một số thông tin, tài liệu mà PV Báo CAND đã thu thập được và cung cấp kèm theo nội dung làm việc với HSC”, đại diện HSC khẳng định.
Theo HSC, doanh nghiệp từng tiếp nhận một số phản ánh của các khách hàng về việc có các hoạt động giả mạo thương hiệu HSC để nhằm mục đích tiếp cận và thuyết phục nhà đầu tư tham gia vào các nhóm và hoạt động đầu tư không liên quan đến HSC.
“Ngay khi nhận thông tin, thông qua website, trang Facebook của công ty, chúng tôi đã kịp thời phản hồi, đồng thời có nội dung cảnh báo gửi đến khách hàng của HSC cũng như rộng rãi dư luận. Lần cảnh báo gần đây nhất được tiến hành vào cuối tháng 4 và trung tuần tháng 6/2021. Trong các email gửi đến quý khách hàng, HSC nêu rõ các kênh thông tin và kênh liên lạc chính thống của HSC như website (https://www.hsc.com.vn/vn), Facebook, YouTube, Zalo và Tổng đài dịch vụ khách hàng. Chúng tôi khuyến cáo nếu khách hàng nhận được các thông tin ngoài những kênh chính thống nói trên, hãy liên hệ ngay với HSC để được giải đáp thắc mắc và tư vấn cụ thể hơn”, đại diện HSC chia sẻ thêm. Đây rõ ràng là “bẫy lừa” được tội phạm giăng lên, điều khiển từ xa để đánh vào lòng tham của nhiều người.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận