Lo dịch bệnh ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ ngân hàng
Lãnh đạo các ngân hàng dự báo, số khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch cúm do virus Corona sẽ không nhỏ, tác động đến dòng tiền trả nợ ngân hàng.
Hàng ngàn tỷ đồng dư nợ có nguy cơ chuyển nhóm
Công tác rà soát, nhận diện khách hàng bị thiệt hại do dịch cúm do virus Corona đang được các ngân hàng khẩn trương tiến hành để có phương án xử lý. Theo ước tính của VPBank, tổng số khách hàng bị tác động trong đợt dịch bệnh này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và sẽ gia tăng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, Ngân hàng chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại, song chắc chắn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng với Ngân hàng. Dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng tại Trung Quốc khiến xuất khẩu nông sản của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, trong cơ cấu cho vay của Agribank, nông nghiệp chiếm tới 70%, nên nguy cơ nợ xấu tăng lên rất lớn.
Với Agribank, việc xử lý nguy cơ nợ xấu dềnh lên có thể sẽ “dễ thở” hơn các ngân hàng khác, bởi Nghị định 116/NĐ-CP ngày 7/9/2018 (sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP) đã quy định cơ cấu nợ hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khách hàng được cơ cấu lại nợ mà không bị chuyển nhóm nợ.
Tuy nhiên, với khách hàng của nhiều lĩnh vực khác như du lịch, hàng không…, hiện chưa có quy định về hỗ trợ cơ cấu nợ trong bối cảnh dịch họa. Chính vì vậy, nguy cơ nợ xấu tăng lên là rất lớn. Năm 2019, nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã giảm mạnh, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng kỷ lục. Tuy nhiên, nếu nợ xấu tăng lên, dự phòng chắc chắn sẽ bị bốc hơi đáng kể.
Theo dự báo của S&P Global Rating, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc có thể tăng lên trên 6% nếu dịch bệnh do virus Corona vẫn tiếp diễn. Dự phòng rủi ro có thể giảm từ 188% xuống còn 55%.
Tại Việt Nam, dù dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, song những ảnh hưởng ban đầu tới nền kinh tế đã hiển hiện.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank ước tính, đợt dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng tới phân nửa hàng hóa của Việt Nam (không riêng nông nghiệp), ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Nhưng quy định về cơ cấu lại nợ hiện nay chỉ áp dụng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có nguy cơ chuyển nhóm xấu hơn, bất lợi không chỉ với doanh nghiệp, mà còn khiến ngân hàng có nguy cơ tăng nợ xấu.
Do đó, lãnh đạo Vietcombank kiến nghị, cần có các chính sách, hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để các ngân hàng thuận tiện trong việc cơ cấu lại nợ, hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại.
Doanh nghiệp khỏe, ngân hàng mới khỏe
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nhất Nam đề nghị: “Nhiều khả năng, xuất khẩu sang Trung Quốc còn đình trệ kéo dài. Tôi mong rằng, ngân hàng sẽ chia sẻ, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp đến khi dịch bệnh được kiểm soát, chứ không chỉ trong vòng 3-6 tháng”.
Trong bối cảnh doanh nghiệp nhiều ngành rơi vào khó khăn, nợ xấu có nguy cơ tăng, NHNN đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng tăng cường hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu…
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cũng là vì lợi ích của chính mình, “doanh nghiệp khoẻ ngân hàng mới mạnh”. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng xác định thiệt hại, tiến hành các biện pháp chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi… cho doanh nghiệp.
Thừa nhận quy định hiện hành chưa bao phủ hết được các đối tượng thiệt hại do dịch bệnh, lãnh đạo NHNN cũng đang chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm xây dựng dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh.
Trước mắt, một số ngân hàng đã vào cuộc khá tích cực. Cụ thể, VPBank giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch cúm do virus Corona, mức giảm từ 1-1,5%, áp dụng cho doanh ngiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, du lịch…
Tại Agribank, Tổng giám đốc ngân hàng này đã yêu cầu các chi nhánh chủ động làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Một số ngân hàng khác cũng tung ra các gói tín dụng hàng ngàn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp trong bối cảnh dịnh bệnh leo thang.
Các ngân hàng không được tăng lãi suất
Trong thời điểm dịch bệnh diễn ra, NHNN chỉ đạo, không để xảy ra tình trạng lợi dụng dịch bệnh để bất minh trong phân loại nợ xấu. Đồng thời, các ngân hàng cũng không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ hỗ trợ thanh khoản để ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận