Linh hoạt thực thi chính sách vĩ mô trong bối cảnh Fed tăng lãi suất
Từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã 5 lần tăng lãi suất liên tiếp. Việc Fed liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam; đặc biệt, tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn, tác động tăng lãi suất của Fed đến kinh tế Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Thưa ông, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tiếp với mức cao tác động như thế nào tới kinh tế thế giới?
Sau khi khống chế thành công dịch COVID-19, Chính phủ các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng nhằm phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2021, kinh tế thế giới có sự phục hồi đặc biệt ấn tượng với GDP toàn cầu tăng 5,9%; kinh tế Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới tăng 5,7%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1984, cao hơn mức tăng trước đại dịch; Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 8,1% cao nhất trong một thập kỷ qua.
Tuy vậy, hệ luỵ của việc nới lỏng chính sách tài khoá, tiền tệ và bất ổn địa chính trị đã đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái và lạm phát cao kỷ lục trong 4 thập kỷ qua, Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương nhiều nước phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã 5 lần tăng lãi suất liên tiếp, đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất với mức 0,75 điểm phần trăm, biện pháp đã không dùng đến trong nhiều thập kỷ, đưa mục tiêu lãi suất cơ bản liên bang lên mức 3%-3,25%. Các quan chức Fed dự báo lãi suất có thể đạt 4,4% vào cuối năm nay và 4,6% vào năm 2023 - những con số cao hơn dự báo trước đó, điều này gây áp lực rất lớn lên lãi suất và tỷ giá của các đồng tiền khác trên thế giới.
Thưa ông, Fed tăng lãi suất tác động sâu, rộng tới kinh tế thế giới, điều này tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam?
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Chỉ một biến động nhỏ của thế giới có thể gây tác động lớn tới tình hình kinh tế -xã hội trong nước.
Việc Fed liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam; đặc biệt tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam trong thực trạng với 70% kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam được thực hiện bằng đồng USD.
Theo đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có xu hướng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước.
Hiện nay, trên một số lĩnh vực, đơn hàng xuất khẩu giảm so với trước. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Khi đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế.
Lãi suất đồng USD tăng, các nhà đầu tư rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Điều này tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài và thị trường chứng khoán tại Việt Nam.
Đặc biệt, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Hiện nay, mức vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả của Việt Nam vẫn trong khuôn khổ an toàn nợ nước ngoài của quốc gia và đóng góp quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng cao, khi Fed tăng lãi suất, khu vực doanh nghiệp sẽ tăng gánh nặng trả nợ vay nước ngoài.
Trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, nhiều đồng tiền phá giá ở mức cao là thách thức rất lớn trong điều hành tỷ giá, lãi suất và tín dụng với mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Xin ông cho biết, Chính phủ đã làm gì để giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng?
Với phương châm chủ động nắm tình hình, bình tĩnh, tự tin, tỉnh táo xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, phù hợp trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; càng áp lực cao, càng khó khăn thì càng nỗ lực, cố gắng, biến nguy thành cơ; xác định công việc trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên hợp lý, linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương, kịp thời ban hành các chính sách và giải pháp để “chèo lái” con thuyền kinh tế Việt Nam vượt qua các bất ổn.
Ngày 16/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tiền tệ và tài khoá và các chính sách khác theo quan điểm thận trọng, chắc chắn, hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Điều này cho thấy Chính phủ luôn chủ động, linh hoạt, kịp thời, điều hành hiệu quả, giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thế giới bất định.
Tổng cầu thế giới suy giảm, gây khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế. Với thực tế này, đẩy nhanh thực hiện vốn đầu tư công có vai trò như thế nào trong việc tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững, thưa ông?
Vốn đầu tư công có tầm quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của nền kinh tế, có tác động lan toả thu hút vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI.
Thực hiện 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn FDI. Đầu tư công đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%.
Đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả phục hồi tăng trưởng kinh tế bù đắp cho suy giảm xuất khẩu.
Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 32,4%, đóng vai trò quan trọng trong lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Do đó, để thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn này, Chính phủ cần rà soát tinh giản tối đa các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục thanh quyết toán, các phần việc phát sinh bằng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có ghi địa chỉ chịu trách nhiệm trong công tác giải ngân. Khẩn trương ban hành cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong cơ chế hợp đồng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên.
Cùng với đó, Chính phủ cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh Fed và các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất như vậy, ông có thể đưa ra những khuyến nghị gì nhằm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm?
Thời gian vừa qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, với sự đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt của các quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đặc biệt điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất, tín dụng phù với với điều kiện thực tiễn của nền kinh tế.
Ngày 21/9/2022, lần đầu tiên sau 2 năm, Ngân hàng Nhà nước đã tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn. Việc tăng lãi suất huy động sẽ giảm bớt căng thẳng về thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại; đảm bảo kiểm soát các cân đối vĩ mô, lạm phát, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Việc tăng lãi suất điều hành vừa qua là cần thiết, đúng thời điểm nhằm ngăn chặn dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng được điều hành kiên định với mục tiêu tăng trưởng năm nay khoảng 14%; đồng thời, sẽ có điều chỉnh tùy theo diễn biến tình hình thực tế, đây cũng là giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, lĩnh vực chủ động nắm chắc tình hình, rà soát, nhận diện các cơ hội và thách thức, kịp thời đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp; đối với một số ngành, lĩnh vực trong các tình huống đặc biệt thì cần đưa ra giải pháp đặc thù để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng và phát huy tối đa các cơ hội, thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo dựng và khai thác các động lực tăng trưởng mới.
Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo điều tiết hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, dịch vụ, y tế, giáo dục… thực hiện trợ cấp xã hội cho những hoàn cảnh khó khăn, qua đó giảm thiểu tác động từ việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.
Xin cám ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận