Lilama: Thời vàng son đã xa
Từng là doanh nghiệp đầu ngành xây lắp, với doanh thu lên tới hàng tỷ USD, nhưng đến nay, hoạt động của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) ngày càng co cụm.
Liên tục lao dốc
Tại cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp nhà nước mới đây, con số doanh thu chưa đầy 3.900 tỷ đồng trong năm 2021 của Lilama gây bất ngờ với nhiều người.
Bất ngờ là bởi, Lilama từng là nhà thầu thi công nhiều công trình lọc dầu, xi măng, thủy điện lớn như Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh), Nhiệt điện Cà Mau 1, Nhiệt điện Cà Mau 2 (Cà Mau), Nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhiệt điện Mông Dương 1, Mông Dương 2 (Quảng Ninh), Nhiệt điện Thái Bình 2 (Thái Bình), Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá), Thủy điện Hủa Na (Nghệ An)…
Ở mảng xây lắp dân dụng, hai công trình nổi tiếng mang dấu ấn Lilama là Trung tâm Hội nghị quốc gia và trụ sở Bộ Công an (Hà Nội) từng gây ngạc nhiên cho cả những chuyên gia nước ngoài về năng lực xây lắp của Việt Nam.
Giai đoạn đỉnh cao đó, như ông Bùi Đức Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lilama nhớ lại, có năm, doanh thu đạt hơn 20.000 tỷ đồng.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, quy mô doanh thu của Lilama thu hẹp từ mức 19.196 tỷ đồng vào năm 2017 xuống còn 3.837 tỷ đồng vào năm 2021; lợi nhuận lao dốc từ 267 tỷ đồng xuống còn âm 19 tỷ đồng. Nguồn vốn cũng giảm 50% sau 5 năm, trong đó chiếm đa phần là nợ phải trả, luôn cao gấp 6 -12 lần vốn chủ sở hữu.
Bài học đầu tư dàn trải
Doanh thu của Lilama giảm mạnh, theo ông Bùi Đức Kiên, có nguyên nhân khách quan. Đó là, giai đoạn trước, Chính phủ đầu tư nhiều dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn và Lilama được giao thi công nhiều công trình, nhưng gần đây, những dự án đầu tư lớn không còn nhiều. Còn về mặt chủ quan, Chủ tịch Lilama thừa nhận, giai đoạn trước, doanh nghiệp đã đầu tư khá dàn trải, tham gia góp vốn vào rất nhiều lĩnh vực, từ nhiệt điện, thủy điện đến xi măng, ngân hàng...
Lilama là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá năm 2016, có vốn điều lệ gần 797 tỷ đồng, do Bộ Xây dựng nắm giữ 97,88% sở hữu. Ngành nghề kinh doanh chính của Tổng công ty là thi công, xây lắp, cơ khí, chế tạo, tư vấn thiết kế, giám sát và quản lý dự án. Tuy vậy, có giai đoạn doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành vượt vốn chủ sở hữu, dẫn đến tài chính khó khăn.
Trong Quyết định tái cấu trúc Lilama giai đoạn 2012 - 2015, Bộ Xây dựng yêu cầu Tổng công ty phải thoái vốn tại 15 công ty, gồm Công ty Tôn mạ màu Việt Pháp, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ông, Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao, Công ty cổ phần Xi măng Đô Lương, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long, Công ty cổ phần Lilama Land, Công ty cổ phần Cơ điện Môi trường Lilama, Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không, Công ty cổ phần Cảng và vận tải Lilama, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng và công nghệ Lilama, Ngân hàng SHB, Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí. Đến nay, sau thoái vốn, Lilama còn 5 công ty con, 19 công ty liên kết và một số khoản đầu tư tài chính dài hạn.
“Lilama đã quyết liệt thoái các khoản đầu tư ra khỏi ngành nghề kinh doanh không cốt lõi. Nếu không thoái vốn, khả năng Lilama đã phá sản rồi”, ông Kiên nói.
Ông Kiên cho biết thêm, hiện Lilama đã xây dựng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp gửi Bộ Xây dựng, theo đó tập trung vào hai ngành nghề kinh doanh cốt lõi là chế tạo cơ khí và tổng thầu xây lắp, bảo trì các công trình công nghiệp.
Theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Lilama nằm trong diện thoái vốn nhà nước về 51%. Lẽ ra phương án bán đấu giá cổ phần của Bộ Xây dựng tại Lilama đã được thực hiện cuối năm 2020, song do Nghị định 140/2020/NĐ-CP không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020 nên việc thoái vốn đang phải chờ chỉ đạo mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận