Liệu căng thẳng Mỹ - Trung có thể lên một nấc thang mới?
Các chuyên gia kinh tế nhận định những lo ngại mới phát sinh xoay quanh khả năng Mỹ có thể áp đặt chính sách hạn chế đầu tư với Trung Quốc là tín hiệu cho thấy cuộc đàm phán thương mại sắp diễn ra vào tháng 10 sẽ không diễn ra suôn sẻ.
Bloomberg vào cuối tuần trước đã dẫn một nguồn tin liên quan cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét các phương án như huỷ niêm yết các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ và hạn chế dòng vốn vào thị trường Trung Quốc thông qua các quỹ hưu trí của chính phủ.
Ngay sau khi tin tức này được đưa ra, thị trường chứng khoán Mỹ đã chao đảo và giá cổ phiếu sụt giảm trong ngày cuối tuần trước. Cụ thể, vào phiên giao dịch ngày 27/9, chỉ số S&P 500 đã đóng cửa với mức giảm 5%. Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Alibaba và Baidu cũng đồng loạt giảm.
Mặc dù đến ngày 30/9, phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ Monica Crowley đã lên tiếng khẳng định, chính quyền Tổng thống Trump chưa xem xét loại các công ty Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán Mỹ ở thời điểm hiện tại, song thông tin được đưa ra trước đó cũng đang tạo ra nhiều lo ngại đối với thị trường.
Động thái này diễn ra trước thềm cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Washington dự kiến diễn ra vào ngày 10-11/10 tới. Nếu Mỹ thực hiện điều này sẽ gây nên một áp lực mới lên căng thẳng thương mại và có thể gây ra hậu quả vượt xa việc áp thuế quan với hàng trăm tỷ USD hàng hóa trong các tháng qua.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, vốn đầu tư của nước này vào thị trường tài chính Trung Quốc khá hạn chế. Các nhà đầu tư Mỹ chỉ nắm 203 tỷ USD tài sản tài chính dài hạn ở Trung Quốc đại lục ở thời điểm tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ có giá trị vốn hóa đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào thời điểm tháng 2.
Chưa rõ bằng cách nào nhưng một trong những giải pháp mà Washington có thể thực hiện đó là sử dụng các biện pháp tác động vào các công ty Trung Quốc nằm trong rổ chứng khoán MSCI do Mỹ quản lý. Từ năm ngoái, hàng trăm mã chứng khoán của các công ty Trung Quốc đã được thêm vào chỉ số MSCI. Do đó, để hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, Washington có thể yêu cầu các công ty Trung Quốc hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, hạn chế đầu tư Mỹ với thị trường Trung Quốc thông qua các quỹ hưu trí của Chính phủ và đặt mức trần đối với các công ty Trung Quốc có chỉ số chứng khoán do đơn vị Mỹ quản lý.
Ngoài ra, vào hồi tháng 6, một nhóm các nhà lập pháp Washington đã đề xuất dự luật buộc các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ phải tuân theo sự giám sát của cơ quan quản lý, trong đó cần cung cấp quyền truy cập kiểm toán hoặc là hủy bỏ niêm yết.
Trước việc Mỹ đang có kế hoạch hạn chế dòng vốn đầu tư sang Trung Quốc như vậy, Bắc Kinh tuyên bố sẽ mở cửa mạnh thị trường tài chính trong nước với các thị trường khác như châu Âu, Đông Nam Á.
Ủy ban Ổn định và Phát triển tài chính Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ thực hiện các bước tiếp theo để mở cửa thị trường tài chính hai chiều chất lượng cao, khuyến khích các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài chảy vào Trung Quốc để tăng tính cạnh tranh và năng động của hệ thống tài chính.
Theo nhận định từ nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Citic tại Trung Quốc ông Liao Qun, nỗ lực mở cửa và cải cách thị trường tài chính có thể bị chậm lại trong thời gian ngắn nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ dừng lại. Theo đó, Trung Quốc sẽ khai thác các thị trường khác như châu Âu, Đông Nam Á và các thị trường "Vành đai và Con đường" đi qua thay cho Mỹ.
Trung Quốc đã tăng tốc mở cửa thị trường tài chính trong 2 năm qua, cam kết đến 2020 sẽ dỡ trần sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực chứng khoán, quỹ tương hỗ và bảo hiểm nhân thọ. Gần đây nhất, Bắc Kinh xóa hạn ngạch đầu tư đối với các quỹ nước ngoài, theo đó cho phép các quỹ ngoại đủ tiêu chuẩn chỉ cần đăng ký trước khi mua cổ phiếu và trái phiếu tại thị trường đại lục.
Các chuyên gia kinh tế nhận định những lo ngại mới phát sinh xoay quanh khả năng Mỹ có thể áp đặt chính sách hạn chế đầu tư với Trung Quốc là tín hiệu cho thấy cuộc đàm phán thương mại sắp diễn ra vào tháng 10 sẽ không diễn ra suôn sẻ.
Chuyên gia Zach Pandl tại Tập đoàn Goldman Sachs cho rằng, Mỹ đã mở ra một “mặt trận mới” trong xung đột thương mại Mỹ - Trung khi đề xuất phương án chặn dòng vốn đầu tư sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Mike Collins, nhà quản lý cấp cao tại tổ chức PGIM Fixed Income, nhận định đây tiếp tục là bằng chứng nữa cho thấy dấu hiệu cuộc chiến Mỹ Trung lại tiếp tục tăng nhiệt.
Ngoài ra, Stephen Roach, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Yale và là cựu Chủ tịch ngân hàng Morgan Stanley châu Á cho biết, việc tiếp cận cởi mở giữa các thị trường với nhau thực sự quan trọng, đặc biệt khi Trung Quốc có thể là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trên thế giới trong nửa đầu thế kỷ này. Do đó, nếu kế hoạch của Mỹ thành hiện thực thì tác động sẽ rất lớn do đầu tư tự do và cởi mở luôn là cách tốt nhất để tăng cường cơ hội giữa các tập đoàn đa quốc gia giữa hai nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận