Lấy lại được 4 container xuất khẩu tưởng đã "mất trắng" ở Dubai
Sau một thời gian dài đàm phán, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết 4 container hàng hồ tiêu, quế, điều bị lừa đảo tại Dubai đã lấy lại được.
Theo báo Công Thương, ngày 13/10, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam thông tin về 4 container trong số 5 container hàng hồ tiêu, quế, điều bị lừa đảo tại Dubai.
Cụ thể, ngày 15/7/2023, sau khi nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp bị lừa đảo 5 container hàng hóa hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi tại Dubai, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đã phối hợp cùng Hiệp hội Điều Việt Nam và các doanh nghiệp, ngân hàng, hãng chuyển phát nhanh, hãng tàu tổng hợp thông tin và báo cáo sự việc kể cả kiến nghị lên các cơ quan Chính phủ, các Bộ ngành, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại UAE, Đại sứ quán UAE tại Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình.
Sau gần 3 tháng tích cực làm việc, với sự phối hợp, hợp tác giữa các bên, từ ngày 10 - 12/10/2023, Ngân hàng Ajman Bank (UAE) đã hoàn trả lại tiền cho các doanh nghiệp, tổng số tiền các doanh nghiệp đã được hoàn trả cho 4 lô hàng là 354.990,42 USD trên tổng số 355.232 USD tổng giá trị lô hàng.
Riêng 1 lô hàng hoa hồi hiện đang nằm tại cảng Jebel Ali từ ngày 26/7/2023 thì doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục làm việc với Ngân hàng Ajman Bank và yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh gồm phí kho bãi, phí luật sư, chi phí đưa hàng về lại cảng đi (Hải Phòng)…
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam sẽ tiếp tục báo cáo và cập nhật tình hình vụ việc trong những ngày tiếp theo.
Trao đổi với báo Công Thương, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam chia sẻ, kết quả có được ngày hôm nay không thể không nhắc đến sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Ngoại giao cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các Bộ ngành liên quan gồm: Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại UAE trong đó có cá nhân Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn và Tham tán Thương mại Trương Xuân Trung.
Theo báo Người Lao Động, thông qua vụ việc này, Hiệp hội cũng lưu ý các doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn nữa trong việc đàm phán, lựa chọn xác minh đối tác, ký kết các điều khoản thanh toán và hợp đồng để không lặp lại các vụ việc tương tự đáng tiếc lần sau.
Làm thế nào để giảm rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu?
Để giảm rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên sử dụng dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý, coi các công ty tư vấn, công ty luật là người đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không phải chỉ khi xảy ra tranh chấp.
Các công ty này sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu về đối tác, rà soát hợp đồng để tránh những điều khoản bất lợi cài cắm; trong đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp sẽ hỗ trợ hoặc thay mặt doanh nghiệp để xử lý. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cần mua bảo hiểm cho hàng hóa để giảm bớt tổn thất trong trường hợp có rủi ro, tranh chấp.
Mặt khác, doanh nghiệp cần yêu cầu giám định, kiểm định hàng hóa trước khi giao hàng (đối với trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài).
Doanh nghiệp thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường. Cụ thể như người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch; người mua đưa ra những yêu sách dồn dập, thường xuyên thay đổi; người mua lảng tránh việc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp; người mua đặt mua những lô hàng đầu với số lượng nhỏ, thanh toán đầy đủ sau đó đột nhiên đặt hàng với số lượng lớn...
Liên quan đến vụ việc này, đại diện Thương vụ Việt Nam tại UAE khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải thận trọng, đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn và cần tìm hiểu, xác minh doanh nghiệp trước khi ký kết hợp đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần hạn chế sử dụng phương thức thanh toán chuyển tiền bằng điện T/T (Telegraphic Transfer) trả sau hay cầm cố séc (séc không có giá trị vì trong tài khoản không có tiền).
Đây là hình thức thanh toán rất rủi ro vì người mua nhận hàng rồi không thanh toán tiền, hoặc người mua không nhận hàng sẽ phát sinh chi phí kéo hàng về. Nếu là mặt hàng tươi sống, doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí, thông tin trên VTV.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận