Lật tẩy ngành công nghiệp nước đóng chai
Ngành công nghiệp nước đóng chai siêu lợi nhuận vì sử dụng nước máy
Coca-Cola và Pepsi kiếm tỷ USD từ nước máy
Những tuần vừa qua, khi rất nhiều nhà máy tại thành phố Detroit (Mỹ) phải đóng cửa tạm thời bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhà máy rộng 262.000 foot vuông của Coca-Cola vẫn rất bận rộn. Đây là nơi sản xuất nhiều mặt hàng, bao gồm nước đóng chai Dasani - sản phẩm mang lại doanh thu hơn 1 tỷ USD cho Công ty riêng tại thị trường Mỹ trong năm 2019 (theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường IRI).
Đây rõ ràng là thời điểm thuận lợi đối với ngành nước đóng chai: khi đại dịch lan khắp nước Mỹ kể từ tháng 3 tới nay, doanh số bán nước đóng chai tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cơn sốt mua nước đóng chai có phần bất thường, bởi không giống như các sản phẩm nước tiệt trùng, giấy vệ sinh… mà người dân Mỹ mua trong hoảng loạn vì đại dịch, tình trạng thiếu nước uống không hề xảy ra. Chưa kể, giới chức Mỹ luôn đảm bảo các nguồn nước phục vụ cộng đồng được an toàn, chất lượng.
Trong khi đó, đa phần nước đóng chai được bán ra thị trường có cùng nguồn gốc với nước máy - sự thật mà ít người tiêu dùng biết đến.
Nhà máy của Coca-Cola tại Detroit sản xuất sản phẩm nước đóng chai Dasani bằng cách mua nước máy, xử lý qua một số công đoạn và đóng chai, sau đó bán ra thị trường. Pepsi sản xuất sản phẩm Aquafina với quy trình tương tự.
Mô hình kinh doanh nước đóng chai này là siêu lợi nhuận. Chi phí mua nước từ chính quyền thành phố là cực kỳ thấp, qua quy trình đóng chai, giá bán có thể gấp 133 lần (theo số liệu của Consumer Report).
Người tiêu dùng chịu thiệt
Người tiêu dùng chịu thiệt đơn, thiệt kép khi mua sản phẩm nước đóng chai có nguồn gốc từ nguồn nước công cộng.
Brian Ronholm, Giám đốc chính sách thực phẩm tại Consumer Report cho biết, những nhà sản xuất nước đóng chai mua nguồn nước đầu vào với chi phí rất thấp - một phần nhờ nguồn nước được cung cấp bởi dịch vụ công, trong khi người dân phải đóng thuế cho các dịch vụ này.
Sau đó, họ lại bán ra các sản phẩm nước đóng chai với giá cao hơn 130 lần cho những người dân phải chịu thuế.
Bên cạnh đó, chính sách dành cho người dân và những nhà sản xuất nước đóng chai có sự khác biệt lớn, dù đây đều là đối tượng mua nước.
Chẳng hạn, tại Detroit, các hộ dân có khoản nợ hóa đơn tiền nước khoảng 150 USD sẽ bị cắt nước.
Trong khi đó, theo điều tra của Consumer Report và Guardian US (ấn bản tại Mỹ của tập đoàn tin tức toàn cầu Guardian), các công ty sản xuất nước đóng chai đang nợ gần trăm nghìn USD các hóa đơn tiền nước chưa thanh toán trong nhiều tháng nhưng không bị cắt nước (giới chức thành phố cho biết, các doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai có lịch sử tín dụng tốt và duy trì khả năng thanh toán).
Cụ thể, giai đoạn tháng 4 - 7/2017, Coca-Cola có khoản nợ 77.600 USD chưa thanh toán trong 3 tháng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 8 - 11/2017, số tiền này lên tới 287.250 USD. Với Pepsi, Công ty nợ khoảng 1.410 - 29.710 USD trong giai đoạn từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2019.
Từ góc nhìn này dễ nhận thấy những bất công khi một nhóm doanh nghiệp sử dụng lượng nước lớn để đóng chai kiếm lợi nhuận cao, trong khi đối diện với ít quy định và có các chi phí ở mức thấp.
Chưa kể, nhóm doanh nghiệp này hưởng nguồn nước giá rẻ bởi người dân đã đóng thuế phục vụ các tiện ích công cộng. Đây được xem là một dạng trợ cấp không hợp lý với doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai.
Tiếp theo, những người bị cắt nước (vì không thanh toán đầy đủ hóa đơn nước) không còn lựa chọn nào khác ngoài mua nước đóng chai tới từ chính nguồn nước mà họ không đủ khả năng tiếp cận với mức giá cao hơn nhiều.
Không chỉ tại Detroit, Coca-Cola và Pepsi sử dụng nước máy từ nhiều thành phố khác bao gồm Phoenix và Denver. Đây đều là những thành phố từng có lịch sử cắt nước người dân trước khi đại dịch diễn ra.
Ngành công nghiệp siêu lợi nhuận
Cách đây 2 thập kỷ, phần lớn nước đóng chai tại Mỹ tới từ các suối nước khoáng thiên nhiên, do các thương hiệu như Evian và Nestle cung cấp. Ngay sau đó, các công ty nước giải khát toàn cầu nhận ra thị trường béo bở này và nhanh chóng vào cuộc.
Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai lớn nhất thế giới bao gồm Nestle Waters, Hangzhou Wahaha Group Co, Tata Consumer Products, Voss Water, Bisleri International Pvt, Danone, Natural Walters of Viti Ltd - FIJI Water, PepsiCo, Alkaline88, The Coca-Cola Company, Mia Dubai, Swiss Mineral Water…
Sau khi Coca-Cola và Pepsi ra mắt nhãn hàng nước đóng chai của mình vào những năm 1990, ngành công nghiệp nước đóng chai chuyển trọng tâm từ nước khoáng thiên nhiên sang “nước tinh khiết” - sản phẩm nước đã qua quá trình xử lý gồm nhiều bước, bao gồm thẩm thấu ngược, ion hóa...
Nếu như năm 2000, nước khoáng thiên nhiên chiếm 67% thị phần thị trường nước đóng chai thì tới năm 2018, nước tinh khiến đã giữ vị trí thống trị.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất nước đóng chai đã không ít lần khiến người tiêu dùng “ngỡ ngàng” bởi những thông tin gây nhầm lẫn về sản phẩm nước đóng chai của mình.
Nhãn hiệu Aquafina đã phải bổ sung thông tin P. W. S, tức “pulic water source” (nguồn nước công cộng) để thừa nhận về nguồn gốc nước sử dụng trong các sản phẩm này.
Chẳng hạn, năm 2007, Pepsi thừa nhận nguồn nước được sử dụng cho nhãn hiệu Aquafina là nước máy thông thường đã qua xử lý.
Dưới áp lực của dư luận phàn nàn về việc tiếp thị gây hiểu lầm, nhãn hiệu Aquafina phải bổ sung thêm thông tin P. W. S, tức “pulic water source” (nguồn nước công cộng) để thừa nhận về nguồn gốc nước sử dụng trong các sản phẩm này.
Dù vậy, Aquafina và Dasani tiếp tục tận hưởng chuỗi ngày tăng trưởng và đóng góp tích cực cho doanh thu của Pepsi và Coca-Cola. Năm 2019, mỗi công ty thu về hơn 1 tỷ USD tại thị trường Mỹ nhờ bán các sản phẩm nước đóng chai này.
Các doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai từ nước máy sở dĩ có đà leo dốc mạnh mẽ một phần xuất phát từ các quy định của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cũng như các nhà quản lý địa phương.
Lấy ví dụ tại Michigan, Coca-Cola và Pepsi cần cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn nước sử dụng để sản xuất nước đóng chai là an toàn đối với người tiêu dùng.
Như vậy, Công ty chỉ cần đưa giấy chứng nhận được cấp bởi cơ quan quản lý nước và hệ thống nước của thành phố - cũng là những nhà cung cấp nước cho doanh nghiệp, sau đó đóng phí 25 USD để được phép bán các sản phẩm tại địa phương.
Ngược lại, các công ty muốn bán sản phẩm nước đóng chai có nguồn gốc từ nước khoáng thiên nhiên phải trải qua quy trình xin cấp phép phức tạp và tốn kém hơn nhiều.
Doanh nghiệp cần tìm nguồn nước, xây dựng hệ thống máy bơm và cơ sở hạ tầng vận chuyển để đưa nguồn nước tới nơi xử lý, tiến hành thử nghiệm độ an toàn và xin cấp phép từ chính quyền.
Mọi hoạt động từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, xây dựng, xin kiểm định an toàn… đều cần được cấp phép.
Việc sử dụng nước máy để sản xuất nước đóng chai được nhận định là siêu lợi nhuận. Theo báo cáo của Consumer Report, sản lượng đầu ra sản phẩm Aquafina tại nhà máy ở Pennsylvania vào khoảng 9,36 triệu chai/năm (số liệu thu thập năm 2018).
Với giá bán buôn trung bình 1,33 USD/gallon, Pepsi có thể thu về từ 19,73 - 23,36 triệu USD mỗi năm chỉ riêng từ nhà máy này. Trong khi đó, Công ty trả khoảng 467.941 USD tiền nước năm 2017 cho nhà máy nước, tương đương 1 penny/gallon.
Pepsi có ít nhất 12 nhà máy sản xuất nước đóng chai từ nước máy Aquafina tại Mỹ và Coca-Cola có khoảng hơn 30 nhà máy sản xuất Dasani.
Thị trường nước lọc đóng chai có bước tăng trưởng vững vàng trong những năm qua với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm và theo báo cáo công bố mới đây của Acute Market Reports, nước lọc đóng chai sẽ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu giai đoạn 2019 - 2027.
Kể từ năm 2016, người tiêu dùng Mỹ bắt đầu tiêu thụ nước lọc đóng chai nhiều hơn sản phẩm bia, sữa và nước uống có gas. Theo khảo sát của Hiệp hội Các nhà sản xuất nước lọc đóng chai quốc tế (IBWA) vào tháng 1/2020, 72% người tham gia khảo sát đánh giá, nước lọc là đồ uống được ưa chuộng nhất trong số các loại đồ uống không có cồn. Tỷ lệ này tăng 9% so với con số năm trước đó.
“Nước lọc đóng chai đã định hình lại thị trường đồ uống toàn cầu”, Michael C. Bellas, Chủ tịch và CEO Beverage Marketing nhận xét.
Theo nhiều nghiên cứu tại các thị trường toàn cầu, nhất là Mỹ, chất lượng nước lọc đóng chai được các doanh nghiệp bán ra không tốt hơn so với nước chảy tại vòi xét về ảnh hưởng tới sức khoẻ và dinh dưỡng của người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, nước từ các vòi uống công cộng thậm chí còn an toàn hơn vì được kiểm tra thường xuyên.
Tại Việt Nam, thị trường nước uống đóng chai có nhiều nhãn hàng, thương hiệu, nhưng phần lớn thị phần thuộc về doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là Nestlé và PepsiCo. So với nước khoáng Lavie của Nestle và Aquafina của PepsiCo, các sản phẩm nước khoáng đóng chai của doanh nghiệp trong nước chưa đạt được “độ phủ” cần thiết.
Sự lớn mạnh của Lavie và Aquafina thậm chí còn khiến cho nhãn hàng Dasani của Coca Cola được ra đời năm 2011 vẫn chưa có được vị thế đáng kể như tên tuổi của công ty mẹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận